Nguồn tin: Nhân Dân, 04/03/2023
Ngày cập nhật:
5/3/2023
Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, số lượng khá lớn lợn, gia súc, gia cầm đã được tiêu thụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nông hộ chăn nuôi ở nhiều địa phương đã bắt đầu tái đàn để đáp ứng nguồn cung thực phẩm cho thị trường trong thời gian tới.
Anh Nguyễn Văn Sâm (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) chăm sóc đàn gà con tại khu chăn nuôi của gia đình.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, hiện tổng đàn lợn của thành phố có hơn 1,6 triệu con, đàn gia cầm hơn 42 triệu con, đàn trâu, bò gần 170 nghìn con; tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Đến nay, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống vào vụ nuôi mới.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ) cho biết: “Để phát triển sản xuất ổn định, tới đây chúng tôi sẽ tập trung tái đàn. Đồng thời chú trọng việc tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho vật nuôi, bởi những tháng đầu năm, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi, sức đề kháng của lợn, gia súc, gia cầm giảm cho nên rất dễ phát sinh dịch bệnh”.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã tái đàn theo hướng có kiểm soát. Anh Nguyễn Văn Sâm (huyện Lập Thạch) chia sẻ: “Dịp Tết vừa qua gia đình xuất bán hơn 50% tổng đàn gà, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Vừa qua, tôi đã tiến hành rắc vôi bột và phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chung quanh bằng chế phẩm Cloramin B, phơi chuồng khoảng 20 ngày rồi mới tái đàn”.
Ở Tuyên Quang, tỉnh đề ra mục tiêu đến hết năm có tổng đàn trâu, bò đạt gần 140 nghìn con, đàn lợn gần 600 nghìn con, đàn gia cầm hơn 7,6 triệu con. Hiện ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang chỉ đạo, khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, người chăn nuôi thực hiện tái đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Bà Lương Thị Thơm (huyện Chiêm Hóa) cho biết, đã chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc tái đàn và nhập khoảng 200 con gà về nuôi. Đối với gà con mới nhập, sẽ tiêm vắc-xin đầy đủ, thực hiện phương pháp úm bằng bóng đèn, giúp gà dần thích nghi với môi trường.
Tại tỉnh Thái Nguyên, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn đã tiến hành dọn dẹp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, chọn mua con giống tốt để tái đàn. Đơn cử như hộ anh Nghiêm Văn Tuân (huyện Phú Lương), sau khi thu dọn khu vực chăn nuôi sạch sẽ, vừa vào đàn gà lứa mới, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho vật nuôi trong những ngày thời tiết lạnh. Cùng với đó, một số tỉnh ở miền trung và Tây Nguyên cũng tiến hành tái đàn vật nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, hiện tổng đàn lợn toàn tỉnh đạt gần 664 nghìn con. Việc phát triển và tái đàn lợn đang được duy trì ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát tốt. Trong đó, 4 vùng nuôi tập trung tại các huyện, thị xã: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát và An Nhơn (số lượng lợn chiếm gần 70% tổng đàn lợn của tỉnh) đã áp dụng công nghệ quản lý dịch bệnh khép kín trong theo dõi và kiểm soát đàn lợn.
Tại tỉnh Đắk Nông, nhiều trang trại chăn nuôi khép kín, ứng dụng công nghệ cao đã được xây dựng và đi vào hoạt động, điển hình là trang trại chăn nuôi lợn Khang Thọ (huyện Krông Nô) quy mô 48 nghìn lợn thịt; trang trại chăn nuôi Quảng Sơn (huyện Đắk G’long) với quy mô 2.700 lợn nái và 42 nghìn lợn thịt.
Ðồng hành với các địa phương, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, như: Tập đoàn Quế Lâm, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco…, cũng triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất. Có ý kiến cho rằng, việc tái đàn vật nuôi mang ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường.
Theo các chuyên gia, để tái đàn đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, nhất là đối với chăn nuôi lợn. Đồng thời triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi, như: Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tiếp tục xây dựng các chuỗi sản xuất tuần hoàn, theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi.
Tận dụng triệt để nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất. Duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn cung con giống. Bên cạnh đó, các nông hộ nên nghiên cứu kỹ thị trường, có kế hoạch tái đàn phù hợp, duy trì chăn nuôi ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Đối với gia súc, gia cầm nuôi mới, cần cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Bài, ảnh: ANH QUANG và THANH TÂM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.