• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Trang trại bò mẫu của nông dân trẻ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 22/04/2025
Ngày cập nhật: 25/4/2025

Một đôi vợ chồng nông dân còn rất trẻ đang thực hiện một trang trại chăn nuôi bò sữa mẫu theo liên kết với doanh nghiệp. Cơ giới hóa các khâu trong chăn nuôi, ứng dụng công nghệ hiện đại, những người chăn nuôi trẻ đang xây dựng mô hình làm thay đổi bộ mặt ngành bò sữa.

Việc cho bò ăn được thực hiện bằng máy

• BÒ KHÔNG CÒN ĂN THỨC ĂN XANH

“Ngày xưa, nông dân của xã Tu Tra chúng tôi vẫn nuôi bò bằng việc cho ăn thức ăn xanh như: cỏ voi, thành bắp xay nhỏ, cám. Thức ăn ủ chua chỉ là thức ăn phụ, thường được sử dụng thêm vào những mùa khô, mùa hiếm cỏ xanh. Tuy nhiên, từ 5 năm trở lại đây, ứng dụng quy trình chăn nuôi mới của ngành bò sữa, trang trại chúng tôi đã ứng dụng kỹ thuật ủ chua thức ăn cho bò, gần như loại bỏ thức ăn xanh khỏi chế độ ăn của bò sữa”, anh Nguyễn Văn Hiếu, nông dân trẻ thôn Kinh Tế Mới, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) thông tin.

Còn trẻ nhưng anh Hiếu và vợ - chị Nguyễn Thị Tàu đã có nhiều năm trong nghề chăn nuôi bò sữa. “Kĩ thuật mới của nghề chăn nuôi bò sữa được Công ty Dalatmilk chuyển giao cho nông dân chúng tôi là sử dụng thức ăn ủ chua cho bò. Tức là, thức ăn xanh được ủ lên men, sử dụng gần như hoàn toàn bên cạnh các thức ăn tinh như: cám, vitamin. Chính vì vậy, trang trại của gia đình tôi đã cải tạo hoàn toàn để xây dựng ba hầm đúng kĩ thuật, đảm bảo 99% thức ăn cho bò là thức ăn đã được ủ chua”, anh Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ.

Theo anh Hiếu, chất xanh chủ yếu ủ chua là cây bắp tươi. Bắp được trồng với mục tiêu sử dụng làm thức ăn cho bò nên khi bắp 85 ngày, hạt vào sữa đúng độ, cây được thu hoạch, đưa vào máy chặt nhỏ và ủ trong ba tháng. “Bắp có thể ủ với men hoặc muối, theo tỷ lệ đã được quy định. Trang trại ngoài tự trồng bắp, còn ký hợp đồng với các nông hộ xung quanh để bà con trồng và cung cấp với giá 2.000 đồng/kg. Gia đình có 3 hầm ủ, mỗi hầm hết công suất tới 20 xe, khoảng 80 tấn thân bắp tươi. Sau khi ủ đúng kĩ thuật trong 3 tháng, thân bắp tươi đã trở thành loại thức ăn lên men đầy dinh dưỡng cho bò. Đây chính là kĩ thuật nuôi được công ty chuyển giao cho nông dân và chúng tôi nhận thấy kết quả rất tốt”, anh Hiếu thông tin.

Trang trại bò của gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu hiện tại đang có khoảng 50 con, gồm bò mẹ, bê và bò hậu bị. Anh Hiếu cho biết, đàn bò sử dụng 1,5 tấn thức ăn ủ chua một ngày trộn với 2,5 tạ cám. Thức ăn xanh được ủ chua giúp đàn bò khỏe mạnh, hệ tiêu hóa tốt, do đó chất lượng sữa tốt hơn hẳn so với cho ăn truyền thống như ngày xưa. “Nuôi bò bằng thức ăn ủ chua giúp gia đình tôi giảm công lao động rất nhiều, không tốn công đi cắt cỏ, thái cỏ hàng ngày. Khi sản xuất lớn, người nông dân phải nghĩ tới việc tiếp cận quy trình chăn nuôi tiên tiến, đồng thời cơ giới hóa trong trang trại”, anh Nguyễn Văn Hiếu đánh giá.

• CƠ GIỚI HÓA TRANG TRẠI BÒ SỮA

Chăn nuôi bò sữa hiện tại phải được cơ giới hóa, giảm công lao động cũng như tăng năng suất, chất lượng sữa, anh Nguyễn Văn Hiếu nhận xét. Trang trại của người nông dân trẻ hầu hết đã được cơ giới hóa các công đoạn. Khi ủ chua thức ăn, anh Hiếu sử dụng máy xay thân bắp công suất lớn, sau đó dùng máy cày đưa vào hầm ủ. Anh cũng đã mua máy trộn thức ăn đa năng, đưa thức ăn vào máy, trộn cùng cám là có được thức ăn dinh dưỡng cho bò sữa. Việc cho bò ăn cũng dùng máy phun thức ăn tự động. Vắt sữa trong trang trại cũng dùng hệ máy vắt 300 lít/ lần, mỗi lần vắt được từ 6 - 8 con bò. “Với đàn bò gia đình, chúng tôi chỉ cần 45 phút là vắt sữa xong, rất nhanh so với việc dùng máy đơn như ngày xưa”, chị Nguyễn Thị Tàu đánh giá.

Việc dùng máy móc trong trang trại đã giúp người nông dân giảm rất nhiều công lao động. “Trang trại còn dùng chip điện tử theo dõi bò, từ sức khỏe, bệnh tật cho tới các dấu hiệu sức khỏe khác. Chip được gắn trên tai bò, có trạm thu phát giám sát, cảnh báo cho nông dân biết”, chị Nguyễn Thị Tàu giới thiệu.

Hiện tại, mỗi ngày trang trại của gia đình thu được 7 tạ sữa, năng suất ổn định ở mức 20 lít sữa/con/ ngày. Sữa được gia đình ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Dalatmilk với giá ổn định 15 ngàn đồng/lít, cao hơn hẳn nhiều nông hộ lân cận. “Ngay khi nuôi bò, chúng tôi đã tính toán được mức thu nhập của mình; bởi vậy đã giúp nông dân chúng tôi yên tâm đầu tư kinh tế, cơ giới hóa, chăm sóc đàn bò đúng kĩ thuật được doanh nghiệp chuyển giao”, anh Nguyễn Văn Hiếu nhận xét.

Ông Vũ Văn Nghị - cán bộ nông, lâm, thủy xã Tu Tra, huyện Đơn Dương cho biết, trang trại của gia đình anh chị Nguyễn Văn Hiếu - Nguyễn Thị Tàu là trang trại mẫu, ký kết hợp đồng với Công ty Dalatmilk. Trang trại của anh chị ứng dụng mô hình chăn nuôi mới, sử dụng thức ăn ủ chua cho bò, mang lại năng suất và hiệu quả rất cao. Đây là mô hình điểm để công ty triển khai các hoạt động tư vấn kỹ thuật cũng như hướng dẫn các nông hộ trên địa bàn thay đổi quy trình chăm sóc bò sữa. Đây cũng là trang trại có tỷ lệ cơ giới hoá tới 90%, là mô hình mẫu để xã Tu Tra vận động nông dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tích cực thay đổi công nghệ và tư duy trong sản xuất nông nghiệp.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang