Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 23/04/2025
Ngày cập nhật:
25/4/2025
Tại những xã vùng sâu, vùng xa Đạ Sar, Đạ Nhim, tỉnh Lâm Đồng trước đây đồng bào thường trồng cà phê và các loại rau màu ngắn ngày như: đậu Nhật, súp lơ. Thời gian qua, được sự hỗ trợ và khuyến khích của chính quyền địa phương, nhiều hộ đồng bào đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và tham gia tổ hợp tác sản xuất atiso và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhờ tham gia liên kết trồng atiso, đời sống kinh tế gia đình ông Ha Hang trở nên khấm khá
Chúng tôi ghé thăm Mô hình Liên kết trồng atiso của hộ gia đình Lơ Mu Ha Hang, tại Thôn 1 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương lúc thời điểm nông hộ đang tất bật tiến hành thu hoạch lá để bán cho Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar. Ông Ha Hang phấn khởi: “Không phụ công người trồng, sau một thời gian dài chuyển đổi, hiện nay, các vườn atiso tươi tốt trải dài trên triền dốc của gia đình đang cho nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát nghèo nhờ liên kết trồng dược liệu với Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar.
Theo ông Ha Hang, kể từ năm 2015, gia đình ông đã đưa cây atiso vào nghiên cứu, thử nghiệm trồng trên các thửa đất canh tác nông nghiệp của gia đình. Trải qua 10 năm, dẫu có thời điểm tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và thị trường, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế từ cây atiso mang lại vẫn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác hiện diện tại địa phương. Hiện nay, gia đình ông Ha Hang đang canh tác 8 sào atiso; trong đó, riêng phần sản phẩm cành và lá được Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar bao tiêu thu mua. Với 8 sào atiso đang canh tác, cứ trung bình 15 ngày, gia đình ông Ha Hang lại thu hoạch lá một lần, đạt sản lượng khoảng 6 tấn. Hiện giá thu mua đang được công ty trả là 3.000 đồng/kg, trung bình mỗi tháng, gia đình ông Ha Hang có thu nhập trên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như: bông, thân, rễ cũng được ông thu hoạch và bán cho các đơn vị thu mua khác trên địa bàn.
Ông Ha Hang cho biết thêm, khi tham gia vào các tổ hợp tác liên kết trồng atiso với Công ty Cổ phần Dược liệu Ladophar, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật và tuân thủ quy trình trồng theo đúng hướng dẫn như: sử dụng phân vi sinh, phân bò, không dùng phân cá vào cây atiso vì cây này cho thu lá, chế để uống trà và làm thuốc. Sau 4 tháng trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch lá và được công ty bao tiêu thu mua toàn bộ. Hàng tuần, nhóm nhân viên kỹ thuật của công ty đều ra tận cánh đồng cùng bà con kiểm tra cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, bà con được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch.
Ông Bùi Văn Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Sar cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 25 ha canh tác atiso. Đa phần các diện tích canh tác trên được người dân liên kết với các công ty, đơn vị thu mua phục vụ chế biến sâu. So với các loại cây trồng khác trên địa bàn, hiệu quả kinh tế từ các mô hình trồng atiso mang lại cho người dân đạt khá cao, đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa các doanh nghiệp và người dân để phát triển mở rộng vùng liên kết sản xuất, góp phần đa dạng cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lạc Dương, hiện diện tích atiso tại huyện đã tăng lên 50 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Đạ Nhim, Đạ Sar, Đạ Chais, Lát. Thời điểm hiện tại, toàn huyện đã có gần 100 hộ tham gia vào chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ atiso, mang lại thu nhập cao cho đồng bào vùng sâu tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện Lạc Dương đã phát triển 3 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm dược liệu atiso. Đó là chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ atiso tại 2 xã Đạ Sar, Đạ Nhim giữa Ladophar với 10 hộ trồng 5 ha, Công ty TNHH Vĩnh Tiến với 40 hộ trồng 4 ha, Công ty TNHH Trà Ngọc Duy với 20 hộ trồng 2 ha. Cùng với việc áp dụng quy trình trồng theo quy chuẩn, việc liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người trồng cũng như chất lượng đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến.
Với tiềm năng sẵn có, thời gian tới, Lạc Dương tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây atiso. Giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2030 là tập trung gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm atiso nói riêng và các loại cây dược liệu tiềm năng trên địa bàn nói chung. Tập trung ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cho năng suất, chất lượng cao trong sản xuất, chế biến, nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu trồng đến sản xuất, khai thác chế biến, sử dụng các sản phẩm dược liệu; hỗ trợ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu, đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia, quốc tế trên thị trường nội tiêu và xuất khẩu.
THANH SA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.