Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 14/02/2020
Ngày cập nhật:
16/2/2020
Những năm qua, nghề nuôi ong mật, sữa ong chúa ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) được khá nhiều hộ dân quan tâm bởi mang lại nguồn thu nhập ổn định mà các hộ nuôi ong ở xã Đinh Lạc là một ví dụ.
Nhiều hộ nuôi ong đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: L.Phương
Bỏ doanh nghiệp về nuôi ong
Được UBND xã Đinh Lạc giới thiệu, chúng tôi đến thăm Trạm dừng chân Sơn Lâm của gia đình ông Nguyễn Viết Hạnh ở thôn Đồng Lạc 3. Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Viết Hạnh cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm việc tại Công ty Xuất khẩu đồ chơi trẻ em (chuyên xuất sang các nước châu Âu) tại tỉnh Bình Dương với công việc quản lý doanh nghiệp, lương cũng khá cao nhưng có nhiều thời gian dành cho gia đình. “Trong một lần lên Di Linh, nhận thấy khí hậu ở đây quá hấp dẫn bởi sự trong lành, đất đai trù phú, hương hoa cà phê thơm ngát…, nên tôi có ý định về kinh doanh ở vùng đất này” - ông Nguyễn Viết Hạnh chia sẻ.
Vậy là năm 2013, ông Hạnh về Di Linh theo đuổi đam mê nuôi ong. Thời gian đầu ông Hạnh đầu tư nuôi 80 đàn, mỗi đàn lên đến hàng triệu con ong. Vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm và đến nay ông Hạnh đã phát triển lên tới 270 đàn, có thời kỳ cao điểm nuôi tới 300 đàn. “Lúc đầu tôi cũng nuôi theo cách truyền thống, tuy ổn định nhưng thiếu bền vững. Thời gian tới, tôi sẽ thay đổi, áp dụng theo cách nuôi mới, đặt thùng riêng biệt giữa khu vực nuôi để ong phát triển và khu vực khai thác sản phẩm. Có như vậy mới không làm ảnh hưởng, gây hại, bị gián đoạn đến sự phát triển của bầy ong và cho ra sản phẩm hiệu quả, đảm bảo chất lượng”, ông Nguyễn Viết Hạnh cho hay.
Từ trại ong của gia đình và thu gom từ các trại vệ tinh trên địa bàn, mỗi năm ông Nguyễn Viết Hạnh cung cấp cho thị trường từ 3.000 - 5.000 lít mật và từ 2,5 - 3 tấn sữa ong chúa với tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.
Với nguồn thức ăn từ tự nhiên là chính, nên sản phẩm con ong rất tốt cho sức khỏe con người, khi người nuôi khai thác đúng theo khoa học đã được nghiên cứu thì sẽ cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao. Để khẳng định chất lượng sản phẩm trên thị trường, năm 2016, ông Nguyễn Viết Hạnh đã xây dựng thương hiệu “Doanh nghiệp tư nhân Nông sản xanh Sơn Lâm”.
Hướng tới thành lập HTX
Trên địa bàn Di Linh, nhiều hộ tận dụng thế mạnh về diện tích đất rừng và rẫy cà phê khá lớn, nên vài năm trở lại đây nghề nuôi ong lấy mật, lấy sữa có bước phát triển ổn định, thu hút nhiều hộ nuôi. Theo thống kê, hiện nay ở Di Linh có trên 30 trại nuôi ong.
Ông Kiều Viết Long (Trại ong Long Kiều) ở xã Tân Lâm cho biết, ngoài canh tác 1,5 ha cà phê, 6 năm nay ông luôn duy trì nuôi 250 thùng (tương đương 250 đàn) ong chủ yếu nuôi lấy sữa. “Vì nghề nuôi ong thuộc sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, muốn có đầu ra ổn định bắt buộc phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, nếu so với canh tác cà phê thì nghề nuôi ong mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định”, ông Kiều Viết Long khẳng định. Còn ông Nguyễn Viết Hinh, xã Tân Nghĩa bày tỏ: Ông gắn bó với nghề nuôi ong đã 10 năm nay và chủ yếu nuôi theo cách truyền thống. Nếu thành lập được hợp tác xã nuôi ong, hộ chăn nuôi sẽ có nhiều lợi thế phát triển, được chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi như: chọn giống, nhân đàn, cách chăm sóc…, góp phần tăng sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Vài năm gần đây nghề nuôi ong đã có nhiều triển vọng bởi một số quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản đã đến tìm hiểu về sản phẩm mật ong, đặc biệt là sữa ong chúa tại địa phương. Trong năm 2019, tôi đã xuất lô hàng đầu tiên ra thị trường Hàn Quốc. Đây là tín hiệu vui, là tiền đề phát triển để những hộ nuôi ong chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường các nước”, ông Nguyễn Viết Hạnh cho biết thêm.
Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, cho biết: “Những năm trở lại đây, nghề nuôi ong lấy mật, lấy sữa trên địa bàn huyện Di Linh có bước phát triển ổn định, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi. Để nghề này phát triển theo hướng ổn định và bền vững, thời gian qua địa phương đã khuyến khích các nông hộ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô liên kết trong chăn nuôi và tiến đến thành lập hợp tác xã nuôi ong nhằm quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương”.
LAM PHƯƠNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.