• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi bò thịt vỗ béo trên nền đệm lót sinh học

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 29/12/2020
Ngày cập nhật: 30/12/2020

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc, giúp người dân có thêm sinh kế bền vững, ổn định đời sống, thời gian qua, đã có nhiều chương trình, dự án về lĩnh vực chăn nuôi được triển khai và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Năm 2020, dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học” do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc triển khai cho thấy nhiều tiềm năng và hiệu quả kinh tế, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi bò thịt trên nền đệm lót sinh học, đàn bò của gia đình chị Khổng Thị Chinh, thôn Phục, xã Cao Phong, huyện Sông Lô phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Ảnh: Chu Kiều

Hiện nay số lượng bò thịt của tỉnh tập trung nhiều ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Sông Lô, Lập Thạch.

Tổng đàn tại 4 huyện này đạt trên 65.000 con (chiếm hơn 72% tổng số bò thịt của tỉnh), cung cấp sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trên 3.700 tấn mỗi năm (chiếm 63% tổng sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng của tỉnh).

Tuy nhiên, chăn nuôi trâu, bò thịt tại hầu hết các địa phương trong tỉnh vẫn chỉ dừng lại ở những mô hình quy mô nông hộ nhỏ lẻ, tự phát, nuôi nhốt hoặc kết hợp chăn thả, chủ yếu là các hộ nuôi bò sinh sản, số hộ chăn nuôi bò thịt với số lượng lớn hơn 20 con/hộ còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc sử dụng thức ăn chưa hợp lý nên chưa tạo ra được nguồn sản phẩm ổn định và bảo đảm chất lượng; công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi chưa được thực hiện triệt để nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra ở một số địa phương.

Đệm lót sinh học được đánh giá là giải pháp tuần hoàn hữu hiệu trong việc hạn chế mùi hôi của chuồng trại chăn nuôi, giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Trong đó, chế phẩm làm đệm lót sinh học cho bò chứa các nhóm vi sinh vật có lợi bao gồm: Giống vi khuẩn có khả năng kích thích hệ tiêu hóa, thúc đẩy vật nuôi tăng trưởng nhanh, phân hủy tốt các chất hữu cơ; vi sinh vật chứa nguồn kháng thể, kháng khuẩn giúp cạnh tranh thức ăn, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh; vi sinh vật khử mùi, cải thiện chất lượng môi trường.

Đây là mô hình dễ ứng dụng, vốn đầu tư không nhiều, thực hiện trong thời gian ngắn nhưng hiệu quả kinh tế cao.

Người chăn nuôi có thể sử dụng tối ưu nguồn thức ăn thô xanh sẵn có tại địa phương kết hợp thức ăn hỗn hợp và chế phẩm bổ sung để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.

Đệm lót sinh học sau khi sử dụng có thể tiếp tục ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón, rất tốt cho các loại cây trồng nói chung và cây trồng làm thức ăn cho chăn nuôi trâu, bò.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc triển khai dự án “Xây dựng mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học” với sự tham gia của 15 hộ trên địa bàn toàn tỉnh, quy mô 155 con bò thịt. Tham gia mô hình, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót.

Là một trong những hộ tham gia mô hình với quy mô 25 con bò thịt và bò sinh sản, anh Khổng Văn Ngũ ở thôn Nghĩa Lập, xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường chia sẻ:

“Nhận thấy hiệu quả của mô hình, tôi đã mạnh dạn áp dụng vào trang trại của gia đình. Với sự hỗ trợ của các cán bộ khuyến nông nên việc tiếp cận và sử dụng đệm lót khá đơn giản và cho thấy hiệu quả cao”.

Trước đây, anh Ngũ phải dành rất nhiều thời gian để tắm cho bò, vệ sinh chuồng trại, thu gom phế phẩm sau chăn nuôi, nhưng từ khi sử dụng đệm lót sinh học, anh chỉ cần dành từ 1 - 2 giờ/ngày để đảo đệm lót, toàn bộ phế phẩm từ chăn nuôi được hấp thu và chuyển hóa thành phân hữu cơ vi sinh.

Nhờ đó, giúp anh giảm được công lao động, đàn bò của gia đình được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, nên phát triển tốt.

Thời gian tới, gia đình anh dự định mở rộng quy mô đàn bò thịt lên 80 - 100 con và tiếp tục liên kết với các hộ chăn nuôi để tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất.

Gia đình chị Khổng Thị Chinh, thôn Phục, xã Cao Phong, huyện Sông Lô hiện nuôi 10 bò thịt, cho biết: Việc dùng đệm lót sinh học giúp hạn chế được tình trạng bò bị trơn trượt khi di chuyển trên nền chuồng trại, bò được giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè nên tăng trưởng tốt.

Nuôi bò trên nền đệm lót sinh học cho lợi nhuận cao vì giảm được chi phí ở các khâu đầu tư thức ăn, chăm sóc vật nuôi; tiết kiệm các khoản mua thuốc thú ý phòng, chữa bệnh và hóa đơn điện, nước hàng tháng phục vụ dọn dẹp chuồng trại.

Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn chủ hộ sử dụng thức ăn cho đàn bò theo từng giai đoạn phát triển.

Lượng thức ăn cụ thể cho đàn bò được chia đều theo từng ngày và ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký. Theo kết quả tổng kết, cho vật nuôi ăn với khẩu phần vỗ béo thì hiệu quả sử dụng thức ăn tăng lên đáng kể. Mô hình cho thu lãi trung bình 2 - 3 triệu đồng/con.

Các giống bò lựa chọn thực hiện mô hình đều là các giống bò lai với bò thịt cao sản, thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi.

So với hình thức nuôi bò thịt truyền thống, chăn nuôi bò thịt trên nền đệm lót sinh học đã khắc phục tốt mọi hạn chế, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế.

Đàn bò được nuôi trên nền đệm lót sinh học có sức đề kháng, miễn dịch tốt. Sự tác động của hệ vi sinh vật có lợi sẽ tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật tiềm ẩn mầm mống gây bệnh, đảm bảo vật nuôi luôn sinh trưởng một cách khỏe mạnh, đồng đều, duy trì tỷ lệ đàn.

Hiện nay, công tác quản lý môi trường trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn còn nhiều bất cập.

Vì thế, các giải pháp hạn chế tác động ô nhiễm môi trường như: Xây dựng hầm biogas, ủ phân vi sinh, sử dụng đệm lót sinh học... đã và đang tạo động lực tích cực, giúp nông dân tại các địa phương trong tỉnh hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, hạn chế tối đa nguồn thải trong chăn nuôi.

Chăn nuôi bò thịt trên nền đệm lót sinh học là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng tối đa nhu cầu của người nông dân về hoạt động chăn nuôi sạch, an toàn, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các nơi tập trung dân cư đông đúc.

Việt Sơn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang