• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mùa con ong đi lấy mật

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 17/02/2020
Ngày cập nhật: 18/2/2020

Vào thời điểm cà phê bắt đầu nở hoa, những người nuôi ong trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và các vùng miền khác trong cả nước lại đưa đàn ong về để khai thác mật.

Khắp phương tề tựu

Từ nhiều năm nay, cứ vào khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán đến cuối tháng Giêng, những người nuôi ong lấy mật trong Nam, ngoài Bắc vận chuyển ong vào các tỉnh Tây Nguyên để khai thác mật từ hoa cà phê. Nhờ thời tiết ôn hòa, nên chất lượng hoa cà phê tại tỉnh Ðắk Nông được những người nuôi ong đánh giá cao. Nuôi ong ở Ðắk Nông có sản lượng mật cao, mật có độ dẻo quánh và hương thơm đặc trưng hơn hẳn các vùng khác. Vì vậy, vào dịp này, tại các vùng chuyên canh cà phê trên địa bàn tỉnh, người dân đã bố trí nuôi ong tại nhiều địa điểm để “đánh mật”.

Là một người có thâm niên 10 năm trong nghề khai thác ong mật, anh Hà Trung Mỹ, ở xã Ðịch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, không quản đường sá xa xôi đã đưa 600 thùng ong đến thôn Tân Hiệp, xã Ðắk R’moan (Gia Nghĩa) lấy mật. Anh Mỹ cho biết: “Qua nhiều năm theo nghề nuôi ong lấy mật, nên tôi phải chọn vùng trồng cà phê cho mật nhiều để chuyển ong đến. Thường thì tôi đến thành phố Gia Nghĩa để “đánh mật”, vì nơi này chỗ nào cũng đặt thùng ong được”.

Anh Hà Trung Mỹ, quê ở tỉnh Phú Thọ, đặt điểm khai thác mật ong tại xã Ðắk R’moan, thành phố Gia Nghĩa.

Cũng theo anh Mỹ, Gia Nghĩa có khí hậu ôn hòa, cây cà phê trong giai đoạn phân hóa mầm hoa còn sung mãn, hoa to nên cung cấp cho đàn ong lượng phấn hoa, mật hoa lớn. Từ đó, việc khai thác mật hoa cà phê luôn thu được khối lượng lớn, bù lại cho người nuôi ong những tốn kém khi vận chuyển đàn ong qua hàng ngàn km đến địa điểm lấy mật. Mỗi lít mật ong anh bán tại chỗ là 100.000 đồng. Mỗi thùng ong khi kết thúc mùa hoa cà phê cũng giúp anh thu về từ 300 – 400.000 đồng. Với 600 thùng ong hiện có, mỗi mùa hoa anh cũng thu về bình quân trên 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Chị Trần Thùy Minh, cũng nuôi ong tại Gia Nghĩa cho hay: “Mật ong khai thác từ phấn hoa cà phê được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, ngoài bán cho các công ty, người dân trong vùng cũng tìm đến mua, nên chúng tôi quay mật ra được bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu”.

Tây Nguyên có hai vùng cà phê ra hoa chênh lệch nhau. Cụ thể, các tỉnh như Ðắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum cà phê nở hoa muộn hơn Ðắk Nông, Lâm Ðồng khoảng 20 ngày. Do đó, trong khoảng thời gian cà phê nở hoa (kéo dài hơn một tháng), người nuôi ong có hai địa điểm để khai thác mật. Ðiều này cũng đã giúp cho họ có cơ hội nhân đôi nguồn thu từ nuôi ong.

Không chỉ từ các tỉnh phía Bắc đến, những người nuôi ong từ miền Trung hay từ Bình Dương, Ðồng Nai, Bình Phước cũng đưa ong đến Ðắk Nông nuôi khi mùa hoa cà phê nở rộ. Nhiều hộ nuôi ong trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông cũng tranh thủ đưa ong đến các vùng cà phê để khai thác mật. Hiện nay, nghề nuôi ong mật đã trở thành nghề chính của không ít hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Mật ong từ hoa cà phê có độ dẻo quánh, không đóng đường được thị trường tiêu thụ ưa chuộng

Hỗ trợ phát triển nghề nuôi ong

Nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh đang ngày một phát triển, thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai các lớp tập huấn, các dự án, chương trình giúp người dân ứng dụng công nghệ nuôi ong, sơ chế sản phẩm mật ong, phấn hoa theo hướng xuất khẩu. Bên cạnh đó, các hộ nuôi ong cũng được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi ong để hạn chế tạp chất, có dư lượng thuốc thú y điều trị bệnh cho ong, thuốc diệt côn trùng làm ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm chung của nghề nuôi ong trong tỉnh. Các chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi ong của tỉnh đã giúp người nuôi ong nâng cao kiến thức nuôi dưỡng, phòng trị bệnh, chăm sóc, nhân đàn, quản lý các đàn ong giống và khai thác các sản phẩm của mật ong, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay tổng số đàn ong trên địa bàn tỉnh Ðắk Nông đạt số lượng hàng chục ngàn thùng, tập trung nhiều nhất ở Ðắk Mil, Cư Jút, Krông Nô… Năm 2018, sản lượng mật đạt khoảng 246 tấn, giá trị thương phẩm từ mật ong của Ðắk Nông khá cao, đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ của thị trường.

Nghề nuôi ong tuy vất vả nhưng cũng không kém phần thú vị và nhất là mang lại nguồn thu nhập lớn. Khi hết mùa hoa cà phê, những người nuôi ong như anh Mỹ, chị Minh lại dời đàn ong ra miền Trung để đón mùa hoa từ rừng keo, rừng tràm. Ðắk Nông sẽ chào đón họ khi mùa hoa cà phê năm sau kết mật, tỏa hương.

Mật ong hoa cà phê là loại mật ong nguyên chất nhất. Bởi vào lúc hoa nở rộ, những thùng ong được đặt ngay tại rẫy cà phê và trong thời gian thu hoạch mật không phải cho ong ăn thêm bất cứ thứ gì. Mật ong hoa cà phê có màu vàng nhạt, dẻo quánh, không ngọt gắt như các loại mật khác, không bị ngả màu hay đóng đường.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang