• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bố Trạch (Quảng Bình): Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 22/02/2020
Ngày cập nhật: 25/2/2020

Với những định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp, những năm qua, Bố Trạch đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới hoạt động hiệu quả, góp phần đa dạng hóa vật nuôi trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, phần lớn các mô hình còn tự phát, nhỏ lẻ và phân tán, chưa hình thành vùng sản xuất chăn nuôi hàng hóa tập trung. Để người dân mở rộng đầu tư sản xuất, chăn nuôi gia công theo chuỗi giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, tính bền vững cao, Bố Trạch cần tiếp tục có chính sách khuyến khích phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch đã hình thành các mô hình chăn nuôi mới, như: chăn nuôi thỏ ở xã Đại Trạch, Đồng Trạch; chim cút sinh sản ở xã Nhân Trạch; dê ở xã Xuân Trạch, Sơn Trạch, Thượng Trạch; chim trĩ ở xã Lý Trạch; hươu lấy nhung ở Tây Trạch, Lý Trạch,... Đây là cơ sở để huyện thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu con nuôi nhằm tạo ra các sản phẩm đa dạng, có giá trị kinh tế cao.

Đàn dê thương phẩm ở xã Xuân Trạch phát triển ổn định, cho thu nhập cao.

Ông Cao Thế Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cho biết: “Ngoài các mô hình nuôi dê thả núi, Xuân Trạch còn có mô hình nuôi dê thương phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái. Bà con tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên ở vùng núi, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển đàn dê. Hiện, Xuân Trạch có 7/10 thôn có mô hình chăn nuôi dê với 16 hộ nuôi, tổng đàn hơn 400 con. Trong đó, tại thôn 2 có mô hình nuôi dê trên vùng núi Hung Lầm, vừa để chế biến thức ăn vừa phát triển du lịch sinh thái”.

Mô hình nuôi dê thương phẩm gắn với phát triển du lịch sinh thái là của hộ gia đình ông Nguyễn Khắc Ánh ở thôn 2, xã Xuân Trạch. Ông Ánh cho hay: “Đàn dê từ khi thả nuôi đến 6 tháng sau là có thể xuất chuồng hoặc sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn phong phú trong tự nhiên nên đàn dê của gia đình có chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 120-160 nghìn đồng/kg thịt dê, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, góp phần trang trải chi phí và nâng cao đời sống”.

Theo đánh giá chung của Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch, những năm qua, với định hướng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, Bố Trạch đã hình thành các trang trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô từ 1.000-2.000 con/lứa, trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại với quy mô 100-200 nái ngoại; các gia trại chăn nuôi bò với quy mô 50-100 con bò lai; chăn nuôi gà với quy mô 3.000 con/lứa.

Huyện cũng chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát tốt dịch bệnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 2 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAHP (cơ sở chăn nuôi gà thịt ở Trung Trạch, cơ sở chăn nuôi lợn ở Thanh Trạch). Đây là hướng đi đúng đắn của Bố Trạch, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã huy động tốt các nguồn lực từ người dân và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 của Trung ương; nguồn vốn dự án SRDP, để thực chuyển đổi cơ cấu con nuôi phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch, nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi của Bố Trạch giữ ổn định dù có những khó khăn nhất định. Số lượng đàn tăng chậm nhưng chất lượng đàn tăng lên, ý thức của người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt; chăn nuôi đang chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp.

Các giống gà mới chất lượng cao được người dân huyện Bố Trạch ưu tiên đưa vào chăn nuôi, mở rộng quy mô.

Tuy nhiên, đến nay, Bố Trạch vẫn đang loay hoay, chưa thực hiện được quy hoạch chăn nuôi theo vùng để tận dụng các lợi thế sẵn có; tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, thả rông trâu bò vẫn còn. Mặt khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn nằm đan xen trong khu dân cư nên khâu xử lý chất thải chưa được bảo đảm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và là nguyên nhân phát triển các loại dịch bệnh…

Bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa có thói quen đánh giá về thị trường trước khi quyết định đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư chủ yếu theo tính tự phát, nên dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thường xuyên bị tư thương ép giá. Các yếu tố khách quan cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi, như: dịch bệnh thường xuyên xảy ra; tình hình thời tiết khắc nghiệt, diện tích cỏ trồng làm thức ăn cho trâu bò bị ngập úng vào mùa đông, cháy khô vào mùa hè.

Thêm nữa, giá cả đầu vào phục vụ ngành chăn nuôi đều tăng, như: giống, thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ chuồng trại, trong khi đó, giá đầu ra sản phẩm luôn biến động, có lúc giảm mạnh. Đây là những yếu tố bất lợi trong tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của người nông dân. Một số người dân thiếu vốn đầu tư cho chăn nuôi, các nguồn vốn cho vay phát triển chăn nuôi còn rất hạn chế, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn gần như chưa tiếp cận được các nguồn vốn cho vay ưu đãi.

Để ngành chăn nuôi trên địa bàn phát triển, đem lại hiệu quả cao, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, Bố Trạch đã chỉ đạo các ban, ngành phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ; hướng dẫn trực tiếp cho người chăn nuôi cách phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, lợi ích của việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm; lồng ghép tuyên truyền, vận động bà con nông dân tuân thủ quy trình vệ sinh thú y trong chăn nuôi để bảo đảm khâu quản lý dịch bệnh.

Đặc biệt, để thay đổi dần tập quán mua con giống không rõ nguồn gốc trong nhân dân, huyện chú trọng giới thiệu cho bà con các loại giống mới, một số địa chỉ cung ứng con giống chất lượng. Trước đây, bà con nông dân thường mua con giống không rõ nguồn gốc nên trong quá trình chăn nuôi gặp phải khó khăn như chậm lớn hoặc chất lượng kém. Hiện nay, do đã có quy định cụ thể về quản lý con giống nên các hộ chăn nuôi đã mua giống tại các trung tâm giống uy tín, có lý lịch rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm tại địa phương.

“Trên cơ sở đó, Bố Trạch tiếp tục duy trì các mục tiêu phát triển về chăn nuôi trong thời gian tới; cụ thể: tỷ lệ đàn bò lai tăng dần hàng năm, tổng đàn gia cầm trên 1 triệu con; phấn đấu nâng tổng đàn trâu bò gần 40.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 23.000 tấn. Riêng đối với tổng đàn lợn, hiện tại, tình hình dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến khó lường, nên khuyến cáo bà con chuyển đổi con nuôi và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để ổn định tổng đàn ở mức 60.000 con”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, trao đổi thêm.

Hương Trà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang