• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hậu Giang: Siết chặt quản lý vịt chạy đồng

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 01/03/2020
Ngày cập nhật: 3/3/2020

Hệ thống thú y các cấp đang siết chặt công tác quản lý vịt chạy đồng khi đã vào cao điểm thu hoạch lúa Đông xuân.

Hậu Giang đang siết chặt quản lý đàn vịt chạy đồng.

Tăng cường phòng bệnh

Khi những cánh đồng lúa đã thu hoạch xong vụ Đông xuân, mùa di trú của những đàn vịt chạy đồng cũng bắt đầu. Kèm theo đây là những nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn nếu không có biện pháp siết chặt quản lý. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo lực lượng thú y tăng cường quản lý, phòng bệnh để không xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn. Bên cạnh những giải pháp mà ngành chức năng đang thực hiện thì quan trọng nhất là ý thức, sự chủ động bảo vệ đàn của người chăn nuôi để tránh thiệt hại.

Ông Lê Văn Nơi, ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, gắn bó với nghề nuôi vịt từ nhiều năm nay. Với gia đình ông, đó là nguồn thu nhập chính. Vụ này, ông nuôi đàn vịt 1.300 con. Vào cuối vụ thu hoạch lúa Đông xuân, ông thường tìm mua đồng ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng để cho vịt ăn. Bởi công việc đồng áng vất vả nên ông cậy nhờ cán bộ thú y địa phương nhắc nhở lịch tiêm phòng bệnh cúm gia cầm. Ngoài ra, hộ nuôi này cũng cảnh giác cao với các loại dịch bệnh theo mùa. Với ông Nơi, đàn vịt mang về nguồn thu nhập chính nên không muốn xảy ra rủi ro, thất thoát. Ông cũng nắm rõ quy định về thủ tục khi đưa đàn đi các tỉnh khác, nhờ vậy mà trong chăn nuôi giảm được nguy cơ hao hụt.

“Chăn nuôi vốn nhiều rủi ro, mình cảnh giác thì dịch bệnh ít xảy ra hơn. Mỗi lần đưa đàn đi tỉnh hay huyện khác, tôi phải dự kiến thời gian lưu trú bao lâu. Rồi coi lại giấy tờ xem đàn vịt của mình có hết hạn tiêm phòng trong thời gian đó hay không để tiêm bổ sung cho đúng liều, đúng lịch. Tôi luôn chuẩn bị đủ giấy tiêm phòng, nếu có chạy đồng đi tỉnh khác thì xin giấy xuất tỉnh. Cứ trang bị cho đầy đủ, mình đi lúc nào cũng được, đến đâu cũng an tâm. Tôi thấy thủ tục hành chính là một chuyện, nhưng quan trọng là những người nuôi vịt đều quan tâm tiêm phòng và tích lũy được kinh nghiệm phòng, trị các loại bệnh chứ không riêng bệnh cúm gia cầm”, ông Nơi chia sẻ.Tổ kỹ thuật xã Vị Bình thông tin, hiện có 3 đàn vịt chạy đồng đang lưu trú trên địa bàn xã. Cán bộ thú y đã sớm rà soát, kiểm tra các thủ tục hành chính đầy đủ theo quy định. Anh Trần Văn Yên, cán bộ thú y xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chúng tôi kiểm tra giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy kiểm dịch xuất tỉnh đối với những đàn từ nơi khác đến. Tới đây, địa phương tiếp tục tăng cường rà soát, siết chặt quản lý, nhất là khi vào rộ vụ thu hoạch lúa. Đối với đàn ngoài tỉnh, những trường hợp không có giấy kiểm dịch xuất tỉnh, hoặc giấy chứng nhận tiêm phòng cúm gia cầm theo quy định thì sẽ mời rời khỏi địa bàn trong vòng 24-36 giờ”.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, người chăn nuôi gia cầm ngày càng ý thức cao trong khâu phòng bệnh cho gia cầm. Điều này thể hiện qua việc chủ động tiêm vắc-xin cho gà, vịt, thường xuyên vệ sinh môi trường chuồng trại và có biện pháp chăn nuôi an toàn. Đối với vịt chạy đồng, hộ nuôi phải bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư nên tất yếu sẽ có biện pháp tự bảo vệ đàn trước những nguy cơ tiềm ẩn.

Ông Phan Văn Tiến, ở ấp 7, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho rằng bảo vệ đàn là bảo vệ tài sản của mình. 1.500 con vịt của ông vừa di trú ở tỉnh Bạc Liêu trở về gần tuần nay. Tỷ lệ hao hụt khi chạy đồng ít do ông tiêm phòng cả cúm gia cầm và dịch tả, kết hợp rải vôi vệ sinh ở mỗi nơi đến lưu trú. Ông cũng hạn chế di chuyển đàn đến các cánh đồng đang bị mặn xâm nhập để tránh hao hụt.

“Trong chăn nuôi thì bệnh nào tôi cũng sợ. Vịt nhiễm bệnh là túi tiền vơi đi. Rất nhiều người phải bán đàn để trả nợ và không nuôi nữa do hao hụt nhiều. Với tôi, bệnh nào có vắc-xin là tôi yêu cầu thú y tiêm cho cả đàn. Thà tốn tiền phòng bệnh còn hơn chữa bệnh cho chúng. Tôi ngán nhất là vịt bị cúm gia cầm và vịt bị đẹn. Mấy bệnh này vịt chết nhanh, khó trị, hao hụt nhiều lắm. Lúc này nắng nhiều, tôi chỉ lo nó bị đẹn, vịt nóng sốt, gúc cổ, bỏ ăn, sưng đầu rồi chết nhanh. Bệnh này trị được nhưng lâu hết, tốn tiền và chữa lâu mới khỏi. Còn cúm gia cầm, ngoài cách tiêm phòng thì không còn cách nào khác hơn. Nhất là khi bắt đầu mùa mưa, người nuôi vịt rất lo lắng bởi thời tiết thay đổi đột ngột dễ xảy ra dịch bệnh”, ông Tiến cho hay.

Nỗi lo của người chăn nuôi hoàn toàn có cơ sở khi nhiệt độ thời tiết cuối mùa khô, đầu mùa mưa thay đổi đột ngột. Khi đó, cơ thể gia cầm khó thích nghi kịp với sự thay đổi của thời tiết, đề kháng giảm. Cộng với môi trường chăn nuôi luôn tiềm ẩn vi-rút làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nếu người chăn nuôi không vệ sinh, khử trùng thường xuyên.

Quản lý chặt đàn gia cầm

Trong bối cảnh dịch bệnh trên người và động vật đang diễn biến phức tạp nên các tỉnh, thành đang tăng cường công tác ứng phó. Tại khu vực phía Nam, tỉnh Trà Vinh cũng đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm ở hai hộ chăn nuôi. Trước tình hình này, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã siết chặt quản lý dịch bệnh để giảm thiểu nguy cơ.

Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phụng Hiệp, trước diễn biến dịch bệnh hết sức phức tạp, đặc biệt là cúm gia cầm, trạm đã chỉ đạo thú y các xã, thị trấn tham mưu UBND các cấp triển khai đồng bộ các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hướng tới, thú y địa phương sẽ tăng cường rà soát, nắm chắc tổng đàn, biến động đàn gia cầm, tiêm phòng cho đàn nuôi mới và hết hạn miễn dịch. Tăng cường kiểm tra vịt chạy đồng và kiểm tra việc sử dụng vắc-xin.

Còn tại huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết địa phương sẽ tiếp tục rà soát, giám sát đàn gia cầm trên địa bàn, nhất là các đàn vịt chạy đồng. Toàn huyện đang có trên 30 đàn vịt chạy đồng với số lượng khoảng 53.000 con. Trong đó, ngoài tỉnh là 8 đàn với 15.788 con; còn lại là đàn hồi hương với trên 37.000 con vịt. Các đàn vịt đã được tiêm phòng cúm H5N1. Mặt khác, các xã, thị trấn đang đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm đến tận các ấp, cũng như tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm tại hộ chăn nuôi.

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Đang mùa cao điểm thu hoạch lúa Đông xuân nên vịt chạy đồng về tỉnh khá nhiều. Sở NN&PTNT tỉnh đã có chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phòng NN&PTNT, các trạm chăn nuôi và thú y phải nắm sát tổng đàn, nhất là các đàn vịt chạy đồng về địa phương. Giao nhiệm vụ cho địa phương kiểm tra, giám sát giấy tiêm phòng, kiểm dịch trên địa bàn. Những đàn chưa tiêm phòng thì bắt buộc phải tiêm phòng hoặc trả về nơi xuất phát.

Qua đánh giá nhiều năm về dịch tễ học, có thể thấy rằng tình hình dịch bệnh trên gia cầm ở Hậu Giang được kiểm soát tương đối ổn. Thời điểm hiện nay, khí hậu nắng, ngành chức năng dự báo ít khả năng xuất hiện và lây lan dịch bệnh trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nguy cơ rất cao ở thời điểm chuyển mùa vào cuối tháng 4, đầu hoặc giữa tháng 5. Khi có mưa xuống khả năng dịch bệnh sẽ xuất hiện. Sở NN&PTNT tỉnh đã chỉ đạo phòng nông nghiệp, lực lượng thú y rà soát chặt tổng đàn để tiêm vắc-xin phòng cúm gia cầm, tạo hiệu ứng kháng thể để chống chọi dịch bệnh.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang