• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nâng cao chất lượng sữa bò bằng phần mềm tính toán khẩu phần ăn

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 03/03/2020
Ngày cập nhật: 7/3/2020

Việc ứng dụng phần mềm vào tính khẩu phần ăn, đặc biệt là mô hình sản xuất thức ăn TMR (TMR-Total Mixed Ration) trong chăn nuôi bò sữa không chỉ giúp người chăn nuôi bò sữa trong tỉnh Lâm Đồng cho năng suất sữa tăng từ 12-15%, chất lượng sữa cũng không ngừng được cải thiện.

Việc áp dụng mô hình sản xuất thức ăn TMR giúp các nông hộ kiểm soát tốt dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, năng suất cũng như chất lượng sữa bò tăng từ 12-15%

Thay đổi thói quen chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 22.000 con bò sữa với khoảng 1.300 hộ, trang trại chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi bò sữa trong thời gian qua đã giúp hàng trăm nông hộ trong tỉnh vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là người chăn nuôi bò sữa đang gặp phải rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu tính toán khẩu phần, dinh dưỡng cho đàn bò. Từ đó, việc phân tích, đánh giá chất lượng sữa tươi trong quá trình chăn nuôi bò sữa của nông hộ gặp khó. Đây là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng sữa và làm giảm giá sữa tại các điểm thu mua.

Gắn bó với nghề nuôi bò sữa hơn 10 năm nay, anh Bùi Xuân Song, xã Đạ Ròn vẫn duy trì thói quen cho bò sữa ăn với định lượng theo cảm tính và cho ăn theo riêng từng loại thức ăn. Thức ăn tinh sẽ được anh trộn vào nước cho bò trước hoặc sau khi vắt sữa. Rồi sau đó mới được ăn thức ăn thô.

Theo anh Song, sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm thì cách cho ăn này vốn không hiệu quả trong chăn nuôi bò sữa. Nó khiến hệ vi sinh vật có lợi trong dạ cỏ bị thay đổi làm cho bò mắc các bệnh liên quan về biến dưỡng. Khi cho bò sữa ăn quá nhiều thức ăn tinh sẽ làm giảm độ pH trong dạ cỏ. Vi khuẩn phân giải chất xơ sẽ hoạt động kém khi độ pH dưới 6. Do đó tỉ lệ tiêu hóa chất xơ trong khẩu phần ăn giảm. Mặc dù, đàn bò sữa của gia đình anh luôn được đáp ứng đầy đủ định lượng thức ăn nhưng sản lượng và chất lượng sữa bò không đạt mức cao như kỳ vọng.

Đây cũng là thói quen của các hộ chăn nuôi bò sữa lâu nay trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Phi Long - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết: Trên thực tế, nếu như cho bò ăn riêng lẻ từng loại thức ăn, chất dinh dưỡng có thể thiếu cân đối, chẳng hạn như thức ăn tinh hỗn hợp thì thiếu chất xơ, premix lại thiếu tinh và thô trong khẩu phần ăn.

Cách làm này khiến việc cung cấp chất dinh dưỡng không phù hợp với đặc điểm sinh lý của bò sữa, và nếu mỗi lần cung cấp thức ăn gây ra xáo trộn môi trường dạ cỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả tiêu hóa ở bò. Vì vậy, tạo môi trường dạ cỏ thích hợp cho hệ vi sinh vật dạ cỏ tồn tại, hoạt động và phát triển là điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả tiêu hóa và chất lượng sữa bò.

“Để có thể tăng chất lượng và sản lượng sữa bò lên 20 - 30% hoặc nhiều hơn nữa thì bà con nông dân cần quan tâm và sớm thay đổi thói quen chăm sóc chế độ dinh dưỡng cho bò sữa cũng như bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho từng thời kì của vật nuôi” - ông Long cho hay.

Ứng dụng phần mềm tính khẩu phần

Để phát triển đàn bò sữa một cách có hiệu quả và bền vững, đặc biệt là nâng cao chất lượng sữa bò trong nông hộ, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Lâm Đồng đã triển khai Mô hình sản xuất thức ăn TMR chăn nuôi bò sữa. Thông qua phần mềm tính toán, máy tính sẽ phân tích và đưa ra khẩu phần ăn đạt chuẩn cho từng chu kỳ phát triển của đàn bò sữa.

Anh Nguyễn Quốc Khánh, xã Tu Tra, một hộ chăn nuôi bò sữa triển khai thí điểm Mô hình sản xuất thức ăn TMR cho biết: Cũng là thức ăn cho bò, chủ yếu là cỏ và bắp được trồng tại trang trại và vùng lân cận nhưng khẩu phần ăn hiện tại được quản lý theo hệ thống để đảm bảo chất lượng và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Việc quản lý đàn bò sữa hơn 30 con được anh Khánh ứng dụng rất nhiều phần mềm quản lý, từ quản lý khẩu phần, quản lý dinh dưỡng, quản lý sức khỏe bò bê, quản lý đàn, quản lý máy móc thiết bị… các phần mềm này được tích hợp, liên kết với máy tính giúp cho việc lưu trữ, phân tích và truy cập luôn dễ dàng, thuận tiện. Điều này đảm bảo đàn bò được chăm sóc 24/7 để có sức khỏe tốt, năng suất sữa cao, đảm bảo chất lượng sữa tươi nguyên liệu tốt nhất.

Trong đó, khẩu phần thức ăn cho bò sữa là kết hợp giữa thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, các phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp, các chất bổ sung khoáng, vitamin và các chất phụ gia với một tỉ lệ nhất định, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của bò. Việc thực hiện mô hình giúp anh tạo ra một khẩu phần ăn TMR đồng nhất và cân bằng về dưỡng chất, giúp cho người nuôi nâng cao khả năng hấp thụ dinh dưỡng và chất lượng sữa ở bò.

Đặc biệt, nguồn thức ăn hỗn hợp TMR được anh tự phối trộn sẵn theo khẩu phần được hệ thống máy tính phân tích. Thực tế cho thấy, nuôi bò bằng TMR cho năng suất sữa tăng từ 12%-15% so với cho ăn các thức ăn thông thường và mỡ sữa cũng tăng vì quá trình lên men ở dạ cỏ tốt hơn. Bên cạnh đó, chất lượng sữa được đảm bảo đồng thời nâng cao sức đề kháng cho bò sữa và giảm thiểu tối đa các bệnh về sinh sản.

Theo anh Khánh, việc tự sản xuất thức ăn TMR rất đơn giản, thức ăn cũng có mùi vị không dễ chịu, bò không thể lựa chọn loại nguyên liệu mà chúng thích và loại bỏ loại chúng không thích ăn. Toàn đàn được ăn cùng thời gian, giảm thiểu sự cạnh tranh, giúp người chăn nuôi kiểm soát hiệu quả sử dụng thức ăn thông qua biến động lượng sữa hàng ngày, từ đó điều chỉnh phù hợp nhu cầu, giúp bò kéo dài độ bền cho sữa, khai thác được nhiều kỳ sữa. Chi phí cho nhân công cũng giảm đáng kể, tăng năng suất lao động do tăng cơ giới hóa trong các khâu chăn nuôi.

Theo ông Phạm Phi Long, để có thể tăng hiệu quả chăn nuôi và tăng sản lượng sữa bò lên mức cao nhất, việc áp dụng phương thức cho bò ăn theo khẩu phần phối trộn hỗn hợp tổng số TMR hoặc bổ sung thành phần Crom vào khẩu phần ăn cho bò là hết sức cần thiết. Các phương pháp này hiện đang được áp dụng khá rộng rãi trên thế giới.

Với sự thành công của mô hình, trong thời gian đến, Chi cục sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp các huyện, TP đẩy mạnh việc tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất thức ăn TMR hiệu quả, nhằm nâng cao khả năng sinh sản, cải thiện thể trạng, tăng năng suất, chất lượng sữa cho tổng đàn bò sữa trong tỉnh.

Công nhận Vinamilk Đà Lạt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy Chứng nhận Chi nhánh Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam - Trang trại Bò sữa Vinamilk Đà Lạt (trụ sở chính ở thôn Lạc Trường, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiệu lực trong 5 năm.

Đến nay hệ thống Trang trại Bò sữa Vinamilk Đà Lạt gồm 2 trại tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương và 1 trại tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tổng diện tích gần 150 ha, tổng công suất khoảng 3.100 con bò sữa chăn nuôi theo tiêu chuẩn organic châu Âu.

Đồng thời, Vinamilk Đà Lạt hiện đang phát triển hoạt động 8 trạm thu mua sữa tươi nguyên liệu của 750 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn 4 huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và thành phố Bảo Lộc, đạt sản lượng 85 tấn mỗi ngày…

THANH SA - VĂN VIỆT

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang