Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 05/03/2020
Ngày cập nhật:
8/3/2020
Hiện Đồng Nai đã cơ bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi (ASF). Nhiều tháng qua, giá heo hơi luôn ở mức cao càng khuyến khích người chăn nuôi đầu tư tái đàn, khôi phục sản xuất.
Các trang trại lớn đủ điều kiện an toàn sinh học đi đầu trong việc tái đàn
chăn nuôi ở Đồng Nai
Trong đó, doanh nghiệp và các trang trại lớn vẫn đóng vai trò chủ lực. Điều được các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi quan tâm nhất hiện nay là khôi phục đàn heo giống, đảm bảo nguồn giống cung cấp ra thị trường.
Khống chế được dịch
Đánh giá về tình hình dịch ASF, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh ghi nhận, hiện hầu hết các địa phương của Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch. Trong đó, nhiều doanh nghiệp, trang trại lớn đều thực hiện rất tốt công tác an toàn sinh học nên đã bảo toàn khá tốt đàn heo. Trong công tác tái đàn, khôi phục chăn nuôi đây cũng là lực lượng chính.
Các địa phương hiện cũng tập trung cho hoạt động khôi phục ngành chăn nuôi huyện Vĩnh Cửu là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do dịch ASF với tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại khoảng 116 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, tình hình dịch ASF trên địa bàn huyện đã căn bản được khống chế. Hiện 11/12 đơn vị xã của huyện đã công bố hết dịch, đơn vị còn lại thời gian gần đây cũng chưa xuất hiện ổ dịch mới.
Cùng chung niềm vui trên, ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc, thông báo: “Đến nay huyện đã kiểm soát được tình hình dịch ASF với 11 xã công bố hết dịch. Huyện cũng đã hỗ trợ 100% cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch ASF”.
Góp ý cho giải pháp giữ và phát triển đàn heo trong và giai đoạn hậu dịch ASF, nhiều doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cho rằng ngành chăn nuôi phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam (chi nhánh tại Khu công nghiệp Long Khánh, TP.Long Khánh) chia sẻ, chưa bao giờ hiệu quả đầu tư các trại heo theo hướng hiện đại, tổ chức phòng thủ như một “khu căn cứ quân sự” cấm ra, cấm vào lại phát huy tác dụng như khi xảy ra dịch ASF.
Đưa ra một góc nhìn khác, ông Phạm Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (chi nhánh Đồng Nai) đề xuất, hiện mật độ chăn nuôi của Đồng Nai rất dày nên các trại giống đều được đầu tư ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng Nai nên tập trung phát triển các trại heo thịt vì gần thị trường tiêu thụ lớn là TP.Hồ Chí Minh. “Tỉnh nên khuyến khích phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn. Với chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ cho tái đàn ở những khu vực người chăn nuôi đã đầu tư hệ thống chuồng kín, đảm bảo an toàn sinh học” – ông Thắng nói.
Khôi phục đàn giống
Hiện giá heo con giống ngoài thị trường tăng rất cao vì nguồn con giống khan hiếm. Các doanh nghiệp, trang trại lớn đang tập trung phát triển đàn giống. Ông Trần Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch ASF nên có giai đoạn, doanh nghiệp không nhập heo hậu bị để thay thế đàn nái. Hiện doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại đàn nái nhưng cần thời gian cần cả năm để thực hiện. Khi đó, doanh nghiệp mới tăng được nguồn heo con giống cung cấp ra thị trường. “C.P cũng đang cơ cấu lại hoạt động chăn nuôi, ưu tiên phát triển mô hình trang trại cách xa khu dân cư, kiểm soát dịch bệnh tốt. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ kỹ thuật, bác sĩ thú y đến tận trang trại hỗ trợ cho người chăn nuôi là khách hàng mua giống, thức ăn, thuốc… về quy trình phòng, chống dịch ASF, nhất là trong việc tái đàn” - ông Tiến nói.
Trang trại nuôi heo tại huyện Cẩm Mỹ
Góp ý cho việc tái đàn hậu dịch ASF, ông Nguyễn Tấn Hậu, Giám đốc Công ty một thành viên Tấn Do (xã Bàu Cạn, huyện Long Thành) cho rằng trong tình hình hiện nay, việc tái đàn ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì chỉ nên tập trung phát triển đàn heo thịt vì sớm có nguồn thu. Người chăn nuôi nhỏ lẻ không nên đầu tư cho đàn heo nái vì đây là bài toán đầu tư lâu dài với sự chuyên nghiệp cao. Tỉnh nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận về quỹ đất cũng như nguồn vốn đầu tư ưu đãi để phát triển đàn heo nái, sản xuất giống heo con cung cấp cho người chăn nuôi.
Nam Vũ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.