Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 07/03/2020
Ngày cập nhật:
9/3/2020
Năm 2010, tốt nghiệp Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế, Nguyễn Văn Khánh rời Quảng Điền vào Đà Nẵng làm việc tại Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh miền Trung. Anh bắt đầu nuôi ý tưởng khởi nghiệp bằng chăn nuôi sạch ngay từ đó.
Ngoài nuôi heo, anh Khánh còn có 2 trang trại gà
Hơn 3 năm lặn lội khắp các vùng quê từ Quảng Nam đến Thừa Thiên Huế để kêu gọi người chăn nuôi tham gia liên kết, kiểm tra trang trại…, Khánh hiểu, sở dĩ người nông dân duy trì thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ vì còn ngại đầu tư. Vì lẽ đó, họ dễ gặp rủi ro trong chăn nuôi, do nguồn giống và chất lượng thức ăn không đảm bảo; dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ...
Từ kinh nghiệm trong công việc, Khánh tự hỏi, sao mình không thực hiện khi quê nhà có nhiều lợi thế về đất đai, nhân công… Với suy nghĩ đó, anh mạnh dạn đăng ký với công ty để mở trang trại nuôi lợn và tự tin rằng, chăn nuôi liên kết có thể không giàu nhanh, nhưng chắc chắn thành công và bền vững.
Năm 2013, sau khi kết hôn, đúng lúc có người nhượng lại trang trại trước đây nuôi gà rộng 3,5 ha ở thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền với giá 300 triệu đồng. Anh trình bày với gia đình và may mắn được sự ủng hộ của nhiều người.
Khánh trải lòng: “Thiên thời, địa lợi! Nhưng tôi không cho phép mình chủ quan, mà phải quyết tâm thành công để không phụ lòng tin của người thân”.
Phong Chương là vùng đất cát, chỉ thích hợp với việc trồng tràm, lợi nhuận kinh tế rất thấp. Khánh tin nếu việc chăn nuôi của anh thành công sẽ tạo được sức sống mới ở đây và anh cảm thấy có nhiều động lực để dành trọn nhiệt huyết với công việc.
Chăn nuôi liên kết tuy phải thực hiện đúng nguyên tắc chuẩn của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh miền Trung, nhưng ngược lại, từ con giống, thức ăn đến việc kiểm soát dịch bệnh và đầu ra… đều được phía công ty này bao tiêu nên rủi ro giảm đến mức tối đa. Điển hình nhất là đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hơn 80% người nuôi ở Phong Chương có lợn “dính” dịch, thế nhưng 1.500 con lợn trong trang trại của Khánh vẫn an toàn.
Khánh nói: “Lúc giá lợn thị trường lên gấp đôi mà mình vẫn xuất đúng giá nhưng không hề tiếc mà còn nhận thấy mình đã chọn đúng hướng. Bởi, nhờ liên kết đàn lợn mới an toàn, không bị thiệt hại”.
Khánh đem thành công của mình chia sẻ, động viên để bà con mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo phương thức liên kết. Cùng với thực tế đã chứng minh từ thành công của anh, nhiều gia đình ở Phong Chương mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo phương thức liên kết.
Anh Lê Hùng, một trong những người mở trang trại chăn nuôi liên kết theo lời động viên của Khánh, cho biết: Bắt đầu nuôi từ cuối năm 2019, đến nay tôi đã xuất chuồng được hai đợt, trừ tiền vốn còn lãi 120 triệu đồng/đợt. Với đà này, chỉ cần vay được vốn, tôi rất tự tin để mở rộng chăn nuôi.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Chương, bà Trần Thị Thu Huyền, cho biết: Chính quyền địa phương đang tích cực giúp người dân kịp làm hồ sơ vay vốn theo Quyết định 32 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ vốn chăn nuôi cho các hộ đăng ký mở trang trại theo hướng liên kết.
Tìm hiểu được nguyên nhân thất bại của chủ cũ, Khánh sửa sai và mạnh dạn đầu tư 2 trang trại nuôi 15.000 con gà. Từ nuôi gà anh kết nối với các cơ sở ở Gia Lai để bán phân gà; trồng tràm ở những phần đất trống vừa tạo bóng mát cho vật nuôi, vừa không để đất trống… nên có thêm nhiều nguồn thu. Tổng lợi nhuận mỗi năm anh thu được hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động.
Hiện Khánh đang ấp ủ ý tưởng đưa hệ thống tự động hóa vào chăn nuôi. Theo phân tích của anh, nếu đầu tư hệ thống chăn nuôi tự động sẽ giảm được nhân công, lợi nhuận có thể tăng gấp đôi; mà còn bảo vệ môi trường tốt nhờ nguồn phân được xử lý bằng máy móc. Khó khăn mà anh gặp phải là vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn ngân hàng, trong khi đó, để đầu tư hệ thống chăn nuôi tự động cần đến tiền tỷ nên đang nằm ngoài khả năng của mình.
Chủ tịch UBND xã Phong Chương, ông Lê Viết Phước thông tin: Quỹ đất Phong Chương đang còn rộng, chính quyền địa phương luôn sẵn sàng đón nhận những người dám nghĩ dám làm như anh Khánh để quê hương ngày một phát triển.
Bài, ảnh: HƯƠNG LAN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.