Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 15/03/2020
Ngày cập nhật:
17/3/2020
Trước bối cảnh dịch chồng dịch, hơn bao giờ hết, Bắc Ninh đã, đang và tiếp tục có những biện pháp mạnh, quyết liệt nhằm dập dịch Cúm gia cầm trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm dồi dào, góp phần thúc đẩy phát triển ổn định xã hội.
Chăn nuôi an toàn sinh học phòng, chống dịch lây lan.
Từ những quyết sách đúng đắn
Bắt đầu từ ngày 5-2 đến ngày 8-3, dịch Cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại 9 hộ dân ở 5 thôn thuộc địa bàn 5 xã, phường của 5 huyện, thành phố, gồm thành phố Bắc Ninh, Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và Gia Bình làm 17.485 con gia cầm mắc bệnh, chết buộc tiêu hủy, tổng trọng lượng 34.306,2kg. Từ ngày 9 - 3 đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ dịch mới. Hiện nay, ổ dịch tại thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ và Tiên Du đã qua 21 ngày không bị tái phát. Kết quả này khẳng định sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của ngành chức năng và ý thức, trách nhiệm, kinh nghiệm cao của người chăn nuôi. Nhận định rõ tình hình: Vụ xuân thời tiết bất thường, độ ẩm tăng cao, mưa phùn kéo dài khiến sức đề kháng ở đàn vật nuôi giảm, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh tăng cao do cung ứng thực phẩm cho dịp Tết. Chăn nuôi gia cầm vẫn nhỏ, lẻ, manh mún, chưa quy hoạch tập trung và chưa thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng dịch… nên khả năng dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây lan rất lớn. Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu với tỉnh kịp thời ban hành các Văn bản đôn đốc, chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra, khoanh vùng, dập dịch. Cụ thể: Công văn về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Cúm gia cầm; thường xuyên giao ban, đánh giá công tác chỉ đạo phòng, chống dịch; thành lập Đội kiểm dịch cơ động liên ngành trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị chức năng thường xuyên theo dõi tình hình đàn vật nuôi và có các biện pháp ứng phó. Phối hợp với Phòng Dịch tễ - Chi cục Thú y Vùng II lấy mẫu trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi xung quanh khu vực ổ dịch để thực hiện giám sát nguy cơ dịch bệnh. Phân công cán bộ chuyên môn hướng dẫn các địa phương tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, đôn đốc thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường theo kế hoạch. Cung cấp đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch. Hiện đã cấp cho các địa phương 3.332.000 liều vắc xin Cúm gia cầm tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; cấp 34.200 lít hóa chất xử lý tại các ổ dịch và thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc trên địa bàn. Đến thời điểm này, dịch Cúm gia cầm cơ bản được kiểm soát.
Cơ quan chức năng tiêu hủy đàn vịt gia đình ông Huân khu Hữu Chấp, Hòa Long (thành phố Bắc Ninh).
Đến hành động quyết liệt
Ngay sau khi có dịch bùng phát, ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, khoanh vùng, tiến hành tiêu hủy đàn vật nuôi để dập dịch, tiêu độc khử trùng môi trường, giảm nguy cơ bùng phát. Ông Nguyễn Song Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Ninh khẳng định: Khi xuất hiện ổ dịch tại khu Hữu Chấp, phường Hòa Long, thành phố đã kịp thời ban hành Quyết định công bố dịch Cúm gia cầm trên địa bàn nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời chỉ đạo phường có dịch tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm của các hộ bị mắc dịch và đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi liền kề, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 - 5 ngày/lần trong 2 đến 3 tuần tiếp theo. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp phường và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Thành lập các chốt kiểm dịch tại các địa bàn có dịch để kiểm soát, ngăn chặn việc lưu thông, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng có dịch, phun khử trùng đối với người và phương tiện đi qua vùng dịch. Đình chỉ tạm thời việc buôn bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn cho đến khi có thông báo hết dịch của cơ quan chuyên môn. Lập cam kết đến các hộ chăn nuôi, giết mổ gia cầm không mua bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm trong thời gian có dịch. Vệ sinh, thu gom rác thải, chất độn chuồng, khử trùng tiêu độc bằng vôi và hoá chất đối với toàn bộ địa bàn các thôn, khu, phường có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Tiêm phòng bao vây tại các địa bàn có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm. Thông tin rộng rãi trên hệ thống truyền thanh của địa phương về tình hình dịch bệnh để người dân biết, chủ động phòng tránh và khai báo khi có dịch.
Đến thời điểm này, đã qua 21 ngày, thành phố Bắc Ninh không phát sinh thêm ổ dịch mới. Ông Nguyễn Hữu Huân, chủ hộ chăn nuôi buộc phải tiêu hủy hơn 3.800 con vịt tại khu Hữu Chấp, phường Hòa Long cho biết: Hiện gia đình tôi đã tái đàn theo đúng hướng dẫn chỉ đạo của cơ quan chuyên môn, bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn, từ khâu chọn giống đến vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Qua thực tiễn đã cho tôi bài học lớn là bắt buộc phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn và thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng đàn vật nuôi, tránh mọi tình huống xấu xảy ra.
Mặc dù dịch Cúm gia cầm đã được khống chế, song công tác phòng, chống dịch vẫn không thể chủ quan, buông lỏng. Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: Chi cục tiếp tục chỉ đạo thống kê, rà soát tình hình chăn nuôi và thực hiện tiêm phòng triệt để vắc xin Cúm cho đàn gia cầm và các loại vắc xin khác cho đàn vật nuôi. Lấy mẫu giám sát đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng… để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khuyến cáo người dân sử dụng các sản phẩm động vật có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn dịch bệnh để ngành chăn nuôi phát triển ổn định.
Bài, ảnh: Hoài Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.