Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 19/03/2020
Ngày cập nhật:
21/3/2020
Cúm gia cầm (CGC) thường xảy ra và lây lan mạnh vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi, nắng nóng, kết hợp với những trận mưa đầu mùa cũng là cơ hội để dịch cúm bùng phát và lây lan trên diện rộng. Các ổ dịch cũ, các khu vực chăn nuôi gia cầm mật độ dày, đặc biệt là các khu vực có vịt chạy đồng được xem là những vùng nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh CGC. Đồng thời, CGC là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi gia cầm, bệnh có diễn biến phức tạp, thường ở thể quá cấp và cấp tính gây chết nhanh chóng, hàng loạt khi nhiễm phải, làm thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch CGC, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đang tăng cường nhiều giải pháp trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Thời gian qua, do thiệt hại từ bệnh dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi tận dụng chuồng trại chuyển sang nuôi gia cầm nên số lượng đàn gia cầm của tỉnh tăng khá nhanh. Toàn tỉnh hiện có trên 6 triệu con gia cầm, tập trung nhiều nhất ở huyện Kế Sách, Châu Thành, Thạnh Trị... Để chủ động ngăn chặn nguy cơ mắc dịch cúm, trạm chăn nuôi và thú y các huyện đã tổ chức thực hiện công tác tiêm phòng, phân công trách nhiệm cho cán bộ địa bàn trong việc giám sát khu vực có nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo quy trình an toàn dịch bệnh. Phối hợp với trạm chẩn đoán và điều trị bệnh động vật định kỳ, lấy mẫu giám sát sự lưu hành virus cúm để phát hiện chủng virus mới.
Theo anh Nguyễn Văn Huy, ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh (Châu Thành), để đàn gia cầm nuôi công nghiệp phát triển tốt nên tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Thúy Liễu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 34 ổ dịch CGC do virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 gây ra tại 10 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 100.000 con gia cầm, các chủng virus này có khả năng lây nhiễm và gây tử vong ở người. Trước tình hình CGC đã xảy ra tại một số địa phương trên cả nước, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã quyết liệt phòng tránh dịch cúm.
Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh Trần Tuấn Phong chia sẻ: “CGC là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm A/H5N1 gây ra, triệu chứng thường thấy ở gia cầm khi bị mắc cúm là ủ rũ, ăn ít, tiêu chảy, các xoang thường có hiện tượng sưng, tích nước; mắt thường kéo màng trắng như viêm giác mạc và khoảng từ 8% - 20% gia cầm nhiễm virus CGC bài thải virus ra môi trường ngoài mà không biểu hiện triệu chứng, khi đó khám không ghi nhận bệnh tích và virus bài thải ra môi trường từ những đàn gia cầm đầu tiên sau đó nhanh chóng phát sinh thành ổ dịch. Đồng thời, bệnh tích virus có động lực thấp trên đàn gia cầm sẽ xuất hiện thanh khí quản, viêm xoang, đôi khi chảy ra chất dịch hoặc kéo nhày có sợi huyết hoặc mủ, có trường hợp phù khí quản do dịch thẩm xuất, viêm xoang bụng, viêm ruột cata hoặc có sợi huyết, dịch thẩm xuất có ở vòi trứng khi gia cầm đang đẻ và virus có động lực cao là tụ huyết, xuất huyết ở da, gan, thận, tim, lách, phổi nếu gia cầm chết đột ngột thì không có các bệnh tích này, đặc biệt gia cầm bệnh có xuất huyết ở dưới da chân, lúc đầu đỏ sau tím lại; niêm mạc dạ dày tuyến xuất huyết đỏ thẫm và mỡ màng treo ruột cũng bị tụ huyết, xuất huyết”.
Là hộ dân chăn nuôi gia cầm nhiều năm, anh Nguyễn Văn Huy, ở ấp Kinh Mới, xã An Ninh (Châu Thành) bộc bạch: “Để phòng ngừa dịch CGC trên đàn gà nuôi công nghiệp, tôi thường tiêm ngừa cho đàn gà định kỳ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và theo kinh nghiệm tích lũy nhiều năm nuôi gà bổ sung thêm các loại vitamin cần thiết cho gà trong giai đoạn giao mùa. Chính vì vậy, trong nhiều năm nuôi gà, đàn gà của gia đình tôi phát triển tốt, ngoài việc tiêm ngừa đầy đủ các loại vắc xin, tôi còn chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, làm chuồng trại hoàn toàn khép kín và có hệ thống máy lạnh chạy liên tục…”.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lâm Minh Hoàng cho biết: “Để đảm bảo đàn gia cầm của tỉnh không bị ảnh hưởng bởi dịch CGC, đơn vị đã phối hợp với ngành chức năng của địa phương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch CGC, xử lý triệt để không để lây nhiễm sang người. Chuẩn bị vắc xin tiêm phòng CGC, hóa chất sát trùng để cung ứng kịp thời phục vụ công tác tiêm phòng và triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện tốt công tác tiêm phòng CGC tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ; đặc biệt là các chợ mua bán gia cầm sống thực hiện nghiêm việc kiểm dịch gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực đã có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường...” - đồng chí Lâm Minh Hoàng cho biết thêm.
Thúy Liễu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.