Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 24/03/2020
Ngày cập nhật:
26/3/2020
Sau dịch bệnh tả heo châu Phi, nguồn cung heo hơi giảm, giá heo hơi tăng cao. Do vậy, nông dân muốn tái đàn heo trở lại. Song, do gặp nhiều khó khăn, việc tái đàn heo của nhiều hộ dân ở TP Cần Thơ còn khá chậm...
Chăn nuôi heo tại một hộ dân ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Gia đình bà Huỳnh Thị Hạnh, ngụ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ có hệ thống chuồng trại với quy mô khá lớn, trước đây thường xuyên nuôi khoảng 60 con heo. Tuy nhiên, hiện nay gia đình bà mới nuôi lại 10 con heo, sau thời gian dài tạm nghỉ nuôi do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả heo châu Phi. Bà Hạnh cho biết: "Dù giá heo đang ở mức cao có lợi cho người chăn nuôi heo nhưng tôi không thể tăng đàn nhanh vì không đủ vốn và sợ rủi ro do dịch bệnh, giá heo hơi không biết có ổn định trong thời gian tới hay không. Vốn đầu tư nuôi heo bây giờ quá lớn, mua 10 con heo con tôi phải bỏ ra 20 triệu đồng. Chưa kể thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, điện nước và công chăm sóc khoảng 4 tháng mới xuất bán heo".
Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, với giá heo hơi dao động ở mức 70.000-80.000 đồng/kg như những tháng qua, xuất bán mỗi con heo 100kg, người chăn nuôi có lời 4-5 triệu đồng. Song, nhiều khả năng, tới đây người chăn nuôi heo khó kiếm được mức lời cao như vậy. Ngoài ra, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cũng tích cực thực hiện nhiều giải pháp như khuyến khích chăn nuôi heo, cho nhập khẩu thêm thịt heo... nhằm tăng cường nguồn cung, kéo giảm giá heo hơi xuống và ổn định thị trường thịt heo trong nước.
Trước thực tế đó, ngay cả những hộ dân có các điều kiện về vốn cũng phải tính toán kỹ để tìm cách giảm chi phí chăn nuôi, tránh tái đàn heo ồ át với chi phí đầu tư cao, hạn chế rủi ro. Bà Nguyễn Thị Hiền, ngụ ấp Trường Hòa, xã Trường Long, huyện Phong Điền, băn khoăn: "Nhà có chuồng trại đủ sức nuôi khoảng 30 con heo nhưng tôi mới thả nuôi trở lại 3 con heo, do lúc này giá heo giống quá cao, lại khó tìm mua. Hiện giá heo giống (heo con) trọng lượng cỡ 12-15 kg/con có giá lên đến 2 triệu đồng/con, thậm chí có nơi còn cao hơn. Mức giá này cao hơn gấp đôi so với trước đây. Tôi dự tính, 3 con heo mới nuôi sẽ dùng làm heo bố mẹ cho sinh sản để mở rộng quy mô hơn".
Nhìn chung, nhiều hộ dân đang chú trọng khôi phục và phát triển sản xuất con giống trước rồi mới tính đến phát triển đàn heo thịt. Đây là giải pháp có thể giúp người dân giảm chi phí đầu tư, góp phần tái bầy heo một cách hiệu quả. Tuy nhiên, cách làm này cũng có hạn chế là có thể khiến việc tái bầy đàn heo tại nhiều hộ dân diễn ra chậm. Đặc biệt, nguồn heo giống do các hộ dân sản xuất ra có thể không đảm bảo tốt do chất lượng con giống ban đầu chưa tốt, cũng như quy trình sản xuất con giống chưa đảm bảo... Điều này, dễ dẫn đến sau này khi phát triển nuôi heo thịt có thể bị kém hiệu quả bởi heo chậm lớn hoặc heo cho tỷ lệ nạc kém, không bán được giá cao. Ngành chức năng cần nghiên cứu, khuyến cáo, hướng dẫn cho người dân về những cách tái đàn heo hiệu quả. Kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn về nguồn vốn và có giải pháp đảm bảo nguồn heo giống chất lượng và sạch bệnh để người dân đẩy mạnh tái đàn heo.
Bên cạnh việc tăng cường sản xuất heo giống trong nước, Nhà nước cần xem xét, cho nhập thêm nguồn heo giống chất lượng để giải quyết ngay tình trạng heo giống bị thiếu hụt, giá cao. Đây cũng là giải pháp cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong nước, hạn chế phải nhập khẩu thịt heo.
Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đã xảy ra ổ bệnh đầu tiên trên địa bàn TP Cần Thơ tại quận Cái Răng vào tháng 5-2019. Từ ngày 23-5-2019 đến ngày 13-11-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 2.377 hộ chăn nuôi heo, thuộc 76 xã, phường, thị trấn của 9 quận, huyện, với tổng số heo trong ổ dịch là 65.210 con, số heo tiêu hủy là 59.529 con, khối lượng là 3.379 tấn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và UBND quận, huyện triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh DTHCP. Từ ngày 14-11-2019 đến nay, trên địa bàn thành phố đã không phát sinh thêm ổ dịch bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh DTHCP rất nguy hiểm đối với heo, vi-rút DTHCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và trong các sản phẩm của heo, hiện chưa có vắc-xin, chưa có thuốc điều trị. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất để phòng tránh bệnh là áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi heo.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.