Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 27/03/2020
Ngày cập nhật:
29/3/2020
Nhóm hợp tác trồng cỏ nuôi dê sinh sản tạo thu nhập thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ấp Xẻo Sâu, xã Tân Hưng, huyện Ba Tri được Dự án AMD Bến Tre hỗ trợ triển khai tháng 5-2017 và kết thúc tháng 5-2018. Nhóm do anh Lê Văn Tiến làm đại diện với tổng số thành viên là 19 người; trong đó có 11 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, có 6 thành viên là nữ. Tổng chi phí đầu tư là 616,643 triệu đồng, trong đó, dự án tài trợ 266 triệu đồng, chiếm 43,14%.
Mô hình nuôi dê của các thành viên trong Nhóm tiểu dự án. Ảnh: T. Vũ
Tăng thu nhập cho thành viên
Do ảnh hưởng BĐKH như nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn vào sâu trong vùng nội đồng gây thiệt hại lúa, thu nhập bình quân chỉ đạt 1,5 triệu đồng/1.000m2/năm. Việc trồng cỏ trên cùng diện tích làm thức ăn để nuôi dê sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Bởi dê là loài gia súc có sức sống rất cao, dễ nuôi trong điều kiện BĐKH như hiện nay. Dê ăn tạp, thức ăn dễ tìm, bỏ công chăm sóc trong lúc nhàn rỗi, giá dê hơi trên thị trường hiện nay khá cao từ 100 - 120 ngàn đồng/kg. Mỗi hộ nuôi 2 con dê nái sinh sản, mỗi năm trung bình bán được 2 dê con, sau khi trừ chi phí chăn nuôi, lợi nhuận thu được khoảng 6 triệu đồng/năm, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Thực tế hầu hết điều kiện kinh tế gia đình của các hộ trong nhóm đều gặp nhiều khó khăn, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, nữ làm chủ hộ, ít đất sản xuất (từ 500 - 1.000m2). Một số hộ khó khăn về nguồn vốn không có việc làm thường xuyên phải đi làm thuê nên thu nhập không ổn định, không có đủ vốn để đầu tư chăn nuôi dê với số vốn bỏ ra khá lớn khoảng 32 triệu đồng/hộ khi nuôi 2 dê nái sinh sản. Do vậy, sau khi nhận hỗ trợ từ dự án, nhóm đã xây dựng 19 chuồng trại với diện tích 9m2/chuồng. Nhóm họp thống nhất chọn cơ sở cung cấp dê giống có uy tín, chất lượng tại xã Vĩnh An, Tân Hưng (Ba Tri) để mua dê giống đã mang bầu; tận dụng diện tích 6.700m2 đất sản xuất lúa kém hiệu quả trồng cỏ làm thức ăn cho dê cái sinh sản. Nhóm trưởng đại diện cho nhóm hợp tác thương lượng, ký kết hợp đồng với các cơ sở bán thức ăn tổng hợp với số lượng lớn cho các thành viên trong nhóm. Nhóm họp định kỳ 1 lần/tháng để chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh cho dê. Nhóm trưởng thường xuyên đến nhà các tổ viên để theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi. Định kỳ hàng tháng nhóm sẽ thuê thú y xã theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho đàn dê.
Dê cái sinh sản của nhóm mỗi năm sinh sản trung bình được 38 - 114 dê con, trung bình mỗi dê nái là từ 1 - 3 con/lứa. Nhóm họp thống nhất với các thành viên tìm và lựa chọn thương lái để bán dê con 4 tháng tuổi hoặc bán cho các hộ có nhu cầu nuôi để được giá bán hợp lý.
Mở rộng quy mô nhóm
Theo Nhóm trưởng Lê Văn Tiến, dự án bước đầu rất hiệu quả, đã cải thiện thu nhập cho các thành viên trong nhóm. Tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp điều kiện của hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về vốn và thích ứng với BĐKH vì dê là đối tượng ăn tạp, uống ít nước, kỹ thuật chăn nuôi dễ. Liên kết các hộ chăn nuôi dê thành nhóm hợp tác sẽ giúp cho họ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, nắm bắt thông tin thị trường, làm chủ đầu vào, đầu ra, giảm chi phí trong chăn nuôi, nâng cao giá trị đầu ra cho vật nuôi và tăng thêm lợi nhuận cho mỗi thành viên trong nhóm. Khi dự án kết thúc sẽ mở rộng quy mô và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, mỗi thành viên trong nhóm phải luân chuyển 1 con giống cho những hộ nghèo, cận nghèo khác muốn tham gia nuôi dê.
“Nhóm đã thỏa thuận về việc sở hữu vốn lưu động, hàng hóa, thiết bị sau khi tiểu dự án kết thúc. Khi đó các thành viên trong tổ sẽ cùng nhau tiếp tục phát triển đàn dê mà đã được dự án tài trợ ở từng thành viên trong tổ. Sau 12 tháng tiểu dự án kết thúc, mỗi thành viên trong nhóm đã luân chuyển 1 con dê giống khoảng 5 tháng tuổi cho hộ nghèo, cận nghèo khác có nguyện vọng nuôi dê để phát triển kinh tế. Hộ được luân chuyển do chính quyền địa phương chọn lựa”, Trưởng nhóm Lê Văn Tiến cho biết thêm.
Hữu Hiệp
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.