Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 29/03/2020
Ngày cập nhật:
31/3/2020
Mật ong Minh Hóa (Quảng Bình) từ lâu nổi tiếng bởi chất lượng thơm ngon và là sản phẩm được định hướng sẽ gắn liền với phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, để thương hiệu “Mật ong Minh Hóa” vươn xa, ngoài nỗ lực của người nuôi ong, cần có cơ chế hỗ trợ từ nhiều phía…
Nhiều tiềm năng
Nhờ khí hậu rất trong lành, Minh Hóa có điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Người nuôi ong ở Minh Hóa thường thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để nuôi, vì vậy, chất lượng mật ong nuôi ở Minh Hóa cũng không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Đặc biệt, ở Minh Hóa, ngoài những vụ mật chính kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm, những người thợ nuôi lành nghề còn sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông. Ở Minh Hóa, có 2 loài hoa rừng nở vào mùa đông đem về cho người nuôi ong một nguồn mật rất có giá trị là hoa tría và hoa ngũ gia bì. Đây được xem là đặc sản mật ong mùa đông của người dân Minh Hóa, bởi 2 loài hoa rừng này còn có tác dụng như một vị thuốc nam.
Nhiều người dân Minh Hóa nuôi ong lấy mật trong vườn nhà để tăng thêm thu nhập.
Ông Đinh Xuân Hải, thôn Yên Bình (xã Yên Hóa) là điển hình trong nghề nuôi ong ở Minh Hóa. Ông Hải bắt đầu bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật từ năm 2001. Ban đầu, ông Hải mua về 1 tổ ong, nghĩ nuôi cho vui nhưng thấy tổ ong của mình phát triển tốt, cho mật đều đặn, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu thêm kỹ thuật nuôi, nhân giống đàn ong. Đến nay, ông Hải đã có trên 50 đàn ong, cho mật quanh năm, thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Trước đây, đồng bào người Khùa, người Mày ở 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa chỉ biết vào rừng khai thác mật ong về bán nhưng nay họ cũng đã bắt đầu biết đến việc nuôi ong để lấy mật. Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho biết, từ năm 2019, với nguồn vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nắm bắt được lợi thế của một địa bàn có diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều loại hoa rừng phong phú, UBND xã Dân Hóa đã định hướng và khuyến khích bà con phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Hiện trên địa bàn xã đã có 105 hộ nuôi ong lấy mật với trên 500 đàn. “Mặc dù lần đầu tiên tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng nên đồng bào người Khùa, người Mày cũng bắt đầu nắm vững kỹ thuật nuôi và nhân giống đàn ong mật. Đây được xem là một bước tiến dài của đồng bào, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy lộ trình giảm nghèo bền vững của xã”, ông Hạnh chia sẻ.
Theo thống kê của UBND huyện Minh Hóa, hiện nay, toàn huyện đã phát triển trên 3.000 đàn ong. Các địa phương, như: Xuân Hóa, Trung Hóa, Minh Hóa, Hóa Hợp, có phong trào nuôi ong phát triển mạnh, bình quân mỗi mô hình cho thu nhập từ 50-120 triệu đồng/năm. Tuy vậy, theo đánh giá, sự phát triển của nghề nuôi ong ở huyện Minh Hóa vẫn chưa tương xứng với tiềm năng…
Để hương mật Minh Hóa bay xa
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa. Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa cho biết, Hội hiện có khoảng 120 thành viên, nhiều người nuôi ong trên địa bàn đã liên kết lại, thành lập các hợp tác xã (HTX) nuôi ong để giúp nhau tư vấn kỹ thuật nuôi ong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong, phấn ong, sáp ong và giống ong…Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân mà mật ong và các sản phẩm từ ong nuôi Minh Hóa vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ vẫn bó hẹp trong huyện và chủ yếu là khách hàng đến tận nơi để mua. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, từ năm 2017 đến nay, tấm giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” chưa phát huy được hiệu quả.
“Nhãn hiệu đã có, nhưng tạo được thương hiệu để đưa được mật ong Minh Hóa vươn ra thị trường, quả thật là một nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài sự nỗ lực của người nuôi ong, Hội Nuôi ong huyện rất cần sự quan tâm hỗ trợ của UBND huyện và các doanh nghiệp trong việc đầu tư nhà xưởng chế biến, thiết bị đóng chai, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...”, ông Long trăn trở.
Ông Đinh Xuân Hưng là một người nuôi ong lành nghề ở xã Xuân Hóa. Vào cao điểm, gia đình ông Hưng có trên 100 đàn ong. Tuy nhiên, do sản phẩm mật ong làm ra không có nơi tiêu thụ ổn định, thương lái ép giá nên ông Hưng không còn chú trọng phát triển đàn ong, vì thế đàn ong cứ mai một dần. Ông Hưng cho biết, nếu có hỗ trợ, đặc biệt là đầu ra ổn định, ông sẽ chú trọng đầu tư để tái đàn ong mật.
Được trưng bày tại gian hàng Hội Rằm tháng Ba nhưng sản phẩm mật ong Minh Hóa vẫn chưa được nâng cấp về mẫu mã, nhãn hiệu.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện đang định hướng phát triển nghề nuôi ong thành một sản phẩm chất lượng cao, gắn liền với sự phát triển du lịch của huyện. Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các Chương trình 135, MTQG giảm nghèo bền vững, huyện hỗ trợ người dân nhiều dự án nuôi ong nội lấy mật. Cụ thể, năm 2019, huyện hỗ trợ 2 dự án nuôi ong nội lấy mật của xã Tân Hóa với số lượng 275 đàn, kinh phí hỗ trợ 370 triệu đồng; dự án nuôi ong nội lấy mật ở xã Hồng Hóa với số lượng 80 đàn, kinh phí hỗ trợ 100 triệu đồng...
Hiện trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có một doanh nghiệp đang phối hợp với Hội nuôi ong để phát triển thương hiệu “Mật ong Minh Hóa”, đó là Công ty đầu tư và phát triển Vân Anh (Công ty Vân Anh). Công ty sẽ đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi ong trên địa bàn huyện Minh Hóa, chế biến thành những sản phẩm an toàn, chất lượng cao để đưa ra thị trường. Bà Trần Thị Hải Sâm, Giám đốc Công ty Vân Anh cho biết, trước mắt Công ty sẽ phối hợp với Hội Nuôi ong huyện để tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, trong đó, định hướng cho người dân nuôi ong theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), nhằm hướng tới xây dựng và đưa thương hiệu “Mật ong Minh Hóa” vươn xa đến các thị trường lớn trong toàn quốc.
Như vậy, sau một thời gian dài phát triển theo kiểu tự phát, “Mật ong Minh Hóa” đã có một doanh nghiệp tâm huyết cùng “sát cánh” thu mua sản phẩm và phát triển thương hiệu. Vậy nhưng để hương mật Minh Hóa thật sự bay xa, những người nuôi ong vẫn cần lắm sự hỗ trợ, giúp đỡ thêm từ nhiều phía…
Phan Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.