• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Nuôi lợn tiêu chuẩn VietGAP - Hạn chế dịch bệnh cho năng xuất và thu nhập cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 31/03/2020
Ngày cập nhật: 3/4/2020

Dịch bệnh, ô nhiễm môi trường là những vấn đề mà người chăn nuôi lợn luôn phải đối mặt. Nhất là dịch tả lợn châu Phi bùng phát thời gian qua đã khiến không ít hộ chăn nuôi rơi vào khủng hoảng. Trước thực tế đó, chăn nuôi tập trung gắn với an toàn sinh học, đặc biệt là chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP được xem là hướng sản xuất giúp người chăn nuôi bảo vệ tốt đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững.

Trang trại nuôi lợn theo hướng VietGAP của gia đình anh Nguyễn Minh Hải, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Dịch tả lợn châu Phi bùng phát trong năm 2019 đã làm ảnh hưởng hơn 7.000 hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, buộc tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn. Thế nhưng, trang trại của anh Đặng Quốc Dũng, xã Quang Sơn (Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn vững vàng qua “cơn bão” dịch, giữ ổn định sản xuất với tổng đàn hiện đạt khoảng 100 con lợn nái và hơn 1.000 con lợn thịt. Một trong những “bí quyết” vượt qua ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi được anh Dũng chia sẻ là do áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP.

Được biết, từ năm 2014, anh Dũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, xác định phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, do kỹ thuật còn hạn chế, hoạt động chăn nuôi khi ấy dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, chưa xây dựng một quy trình chăn nuôi bài bản.

Trước đòi hỏi của thị trường, cũng như yêu cầu phát triển chăn nuôi bền vững, đặc biệt là trong điều kiện dịch bệnh luôn tiềm ẩn những diễn biến bất thường, từ năm 2017, anh Dũng bắt đầu tìm hiểu, chuyển hướng chăn nuôi an toàn sinh học và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Trang trại, hệ thống chuồng luôn được khử trùng, vệ sinh sạch sẽ đảm bảo thông thoáng; thức ăn được nhập từ các công ty liên doanh nước ngoài, có uy tín; nước dùng trong chăn nuôi cũng là nước đảm bảo hợp vệ sinh; con giống cũng được tuyển lựa khắt khe. Đặc biệt, công tác tiêm phòng văc xin cũng được thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, theo từng giai đoạn.

Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, từ năm 2019 đến nay, trong khi không ít hộ chăn nuôi phải ngừng sản xuất vì dịch bệnh, trang trại của anh Dũng vẫn xuất bán từ 200 - 250 con lợn thương phẩm/tháng. Đặc biệt, với giá lợn đạt cao hơn 80 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi tháng anh thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Cũng giống như anh Dũng, sau khi nhận thấy những hạn chế trong chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, theo hướng truyền thống, năm 2015, anh Hoàng Văn Mười, xã Minh Quang (Tam Đảo) đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, bắt đầu chăn nuôi quy mô lớn, dần tiếp cận và áp dụng quy trình VietGAP vào chăn nuôi và được cấp giấy chứng nhận VietGAP năm 2018.

Chia sẻ về lợi ích của hướng chăn nuôi mới này, anh Mười cho biết: “Với điều kiện chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, đông ấm, hạ mát, lợn lớn nhanh hơn, không bị hao. Đặc biệt, việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn VietGAP, dịch bệnh cũng được hạn chế, ô nhiễm môi trường cũng giảm 50 - 60% so với chăn nuôi theo cách truyền thống như trước đây”.

Có lẽ cũng chính bởi vậy, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, không ít hộ trong xã buộc phải tiêu hủy lợn, trang trại của anh Mười vẫn vững vàng vượt dịch. Với việc duy trì đàn lợn ổn định ở mức 90 con lợn nái và 700 - 800 lợn thịt, từ đầu năm đến nay, anh Mười đã xuất bán 400 lợn thịt, thu lãi 4 triệu đồng/con, giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.

Có thể thấy, trong điều kiện dịch bệnh xảy ra nhiều như hiện nay, muốn phát triển chăn nuôi một cách bền vững, thì việc tuân thủ những tiêu chuẩn trong chăm sóc và phòng dịch, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như VietGAP là lựa chọn tối ưu, không chỉ hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhằm khuyến khích người chăn nuôi tiếp cận, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, những năm qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Quyết định 06 của UBND tỉnh quy định hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, các hộ chăn nuôi lợn có quy mô từ 500 con/lứa trở lên sẽ được hỗ trợ 1 lần 70% kinh phí thuê tổ chức đánh giá, chứng nhận VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ 100% chi phí để tổ chức thực hiện đào tạo, tập huấn áp dụng quy trình sản xuất, phân tích mẫu phục vụ áp dụng VietGAP. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 68 cơ sở chăn nuôi lợn được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy Sản dự kiến tiếp tục triển khai tư vấn, hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đối với 45 cơ sở sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi lợn; phân công cán bộ trực tiếp phụ trách địa bàn, thường xuyên bám sát, hướng dẫn thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các cơ sở tham gia mô hình nhằm thúc đẩy hơn nữa việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, xem đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.

Nguyễn Hường

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang