Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 06/04/2020
Ngày cập nhật:
8/4/2020
Tròn 10 năm, cứ đến khi hoa cà phê bung trắng như bông tuyết và tỏa hương thơm trên những ngọn đồi ở Đà Loan (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) người ta lại thấy chú Ánh đưa đàn ong về.
Tròn 40 năm chú Ánh cần mẫn với những đàn ong
40 năm…
Ở Đà Loan, người biết tên thì gọi chú Ánh, còn ai không biết thì cứ gọi ông nuôi ong. Hỏi đường về nơi đặt đàn của ông, nhiều người Đà Loan bảo “ông dáng cao, gầy, mái tóc bạc trắng gần hết nhưng đôi mắt thì còn tinh anh lắm, da dẻ hồng hào, lúc nào cũng đeo cặp kính cần mẫn bên những đàn ong. Nơi nào ông đặt ong nơi đó chắc chắn không khí trong lành, mát mẻ lắm”.
Nơi đặt 500 thùng ong của chú Ánh nằm dưới tán rừng thông, xung quanh là những đồi cà phê nở rộ, xanh mát, trong lành. Khi nắng chiều dần tắt, tranh thủ phút thảnh thơi lúc đợi những đàn ong lần lượt về tổ chú Ánh kể cho tôi nghe hành trình 40 năm gắn với nghề nuôi ong. Sinh năm 1957, năm hơn 20 tuổi, chàng trai quê Nam Định theo cha mẹ vào sống ở Biên Hòa, Đồng Nai. 23 tuổi chú tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ngành nông nghiệp và vào làm việc cho Công ty ong, dâu tằm tơ của Úc đóng ở Bảo Lộc. Sau này chú chuyển qua làm việc tại Công ty ong Trung ương Lâm Đồng cũng đặt chân tại Bảo Lộc. Và suốt từ khi 24 tuổi cho đến nay chú Ánh chưa một ngày rời xa những đàn ong.
Để làm quen với việc nuôi ong, chú Ánh đã được các chuyên gia của Úc đào tạo trong vòng 6 tháng. Ong được dưỡng quanh quẩn ở Bảo Lộc bởi vùng chè nơi này cho rất nhiều hoa. Đến tháng 12 ong được đưa về miền Đông đánh mật hoa cao su, chôm chôm. Tháng 4 quay trở lại Bảo Lộc để dưỡng đàn. Năm 1986, trước nhiều đổi thay lớn của đất nước, cũng là năm chú xin nghỉ việc và ra nuôi ong tự do. Nhưng thời điểm đó việc sản xuất trà không còn phồn vinh như trước, những người nuôi ong như chú Ánh buộc phải chuyển đàn xuôi về miền Đông, miền Tây để ong tìm mật trong những vườn hoa trái.
“Phải tìm hiểu thật kỹ về môi trường, khí hậu và cả thời gian bón phân cho cây trồng của người nông dân mới dám đưa đàn về. Bởi loài ong rất nhạy cảm, chỉ cần hơi thuốc hóa học bốc lên từ đất hay chất xịt muỗi, kiến ở dưới các gốc cây cũng đủ để giết chết hàng chục đàn ong. Nếu tìm hiểu vùng nguyên liệu không kỹ mà liều lĩnh đặt đàn, người nuôi ong sẽ trắng tay”, chú Ánh tâm sự.
…tìm hương mật ngọt
Đã tròn 40 năm gắn bó nhưng chú Ánh vẫn không dám chắc mình hiểu hết đàn ong. Bởi chú nói rằng “việc nuôi ong chỉ có 10 - 15% thành công là do kỹ thuật con người, còn 85% phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Mật ong nuôi là cực kỳ sạch. Bởi cách đây chừng 20 năm về trước, những thị trường xuất khẩu mật ong ngoài nước cho phép nhiễm thuốc kháng sinh, thuốc kích thích... với tỷ lệ 1 phần triệu. Còn hiện nay chỉ số cho phép lên đến 1 phần tỷ”. Nên ngoài tìm những vùng hoa, việc trị bệnh cho ong cũng chỉ dùng các loại thảo dược như gừng, tỏi... Với hơn 500 thùng, mỗi lần kiểm tra đàn chú Ánh mất 4 ngày “cứ liên tục như thế, cần mẫn chẳng khác gì những con ong thợ”, chú Ánh cười tâm sự.
Thắc mắc bấy lâu nay của tôi về sự chênh lệch rất lớn về giá cả giữa mật ong rừng và mật ong nuôi cũng đã được người đàn ông nuôi ong này giải tỏa. Rằng chúng cũng lấy mật hoàn toàn từ hoa ngoài tự nhiên. Nhưng sự chênh lệch về giá không liên quan đến chất lượng mà chủ yếu do suy nghĩ, do quan niệm của người dùng. Bởi thực tế các hàm lượng, chất lượng trong mật ong rừng và mật ong nuôi hoàn toàn như nhau. Từ mật ở trên hoa cho đến lúc thành mật ong phải qua khoảng 500 con ong hút vào, nhả ra. “Men đường ruột của ong phải đạt đến mức độ cho phép trong mật các công ty mới thu mua và đủ chuẩn để xuất khẩu. Còn việc mật ong bị đông đường là loại mật kết tinh do hút mật từ một số loại hoa bị kết tinh như cao su, điều, keo. Nhưng riêng mật hoa cà phê thì không hề kết tinh”, chú Ánh nói.
Từ đầu tháng 2 dương lịch hàng năm, khi hoa cà phê nở rộ thì những người nuôi ong như chú Ánh bắt đầu chuyển đến các vùng cà phê lớn. Ong hút mật từ hoa cà phê cho mật có màu vàng sáng, vị ngọt thanh. Loại mật này nếu để lâu sẽ chuyển dần sậm nhưng mức thay đổi màu không nhiều.
Một năm 500 đàn ong của chú Ánh cho thu gần 30 tấn mật và được nhập về cho hai công ty chuyên xuất khẩu mật ong ở Đồng Nai và Bình Dương để phục vụ xuất khẩu. Riêng mật ong cà phê chỉ đạt khoảng 3 - 5 tấn/năm nhưng nhu cầu thị trường trong nước cao nên chú Ánh để bán lẻ.
Việc đặt các đàn ong giữa vườn cà phê còn có tác dụng tích cực đối với quá trình sinh trưởng, phát triển và đậu quả của cà phê cũng như các loại cây khác. Bởi vậy, khi đưa ong đi đến đâu, chú Ánh lại quen người ở vùng đất ấy, “đi đâu bạn đấy, cứ thế mà vui”. Người Đà Loan quen thân ông nuôi ong cũng bởi vì thế.
Nhìn lại chặng đường 40 năm đã đi qua, chú Ánh luôn bảo rằng mình may mắn bởi “luôn tìm được nơi hoa trái ngọt lành và còn đủ sức khỏe để theo đuổi”. 40 năm qua, chú chẳng thể nhớ nổi có biết bao nhiêu lần ong chích lên cơ thể, nhất là mỗi lần đánh mật có ngày bị cả chục con ong chích đến nỗi mặt mũi sưng vù lên. Vậy nhưng thật lạ, khi nói về sự cô đơn hay lựa chọn hướng đi khác chú Ánh chỉ lắc đầu và bảo rằng “Chắc nghề chọn mình, chắc do duyên số”.
Đã 10 năm liền chú Ánh miệt mài đưa ong về Đà Loan mỗi mùa cà phê nở rộ. Quanh năm rong ruổi, mệt nhưng vui. Nên đôi lúc về nhà ở phố lại nhớ rừng, nhớ không khí trong lành, nhớ đàn ong sáng cất cánh bay ra, chiều cất cánh bay vào, nhớ cả mùi mật ngọt lành, rồi lại rong ruổi lại đi cần mẫn như những con ong trong hành trình kiếm tìm mật ngọt.
NGỌC NGÀ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.