Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 20/04/2020
Ngày cập nhật:
23/4/2020
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh Hưng Yên hiện chăn nuôi trên 8 triệu con gia cầm các loại, trong đó chiếm số lượng lớn là gà thịt, gà sinh sản. Đàn gà Đông Tảo, Đông Tảo lai chiếm khoảng 30 – 35% tổng đàn. Ngoài cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh, gà thịt thương phẩm, trứng, con giống được xuất bán ngoại tỉnh với số lượng lớn. Nếu như nhiều loại vật nuôi khác có biến động về giá, đặc biệt là giá vịt thịt, trứng vịt giảm sâu thì từ đầu năm đến nay, giá gà thịt vẫn giữ ở mức cao, nhu cầu tiêu thụ lớn. Giá gà hơi trên thị trường dao động từ 120 – 140 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo quy trình an toàn sinh học đã và đang được thực hiện, nhân rộng trong toàn tỉnh nhằm giữ cho gia cầm khỏe mạnh và có năng suất cao, giảm chi phí thuốc thú y, tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi. Hiện số hộ chăn nuôi gà áp dụng quy trình an toàn sinh học đã chiếm trên 35%.
Ông Nguyễn Văn Sỹ ở xã Hạ Lễ (Ân Thi) thường xuyên nuôi khoảng 2 nghìn con gà, cho biết: “Trong các loại vật nuôi, gà thịt thương phẩm có giá xuất bán ổn định, thị trường rộng, dễ tiêu thụ. Tôi chủ yếu tập trung nuôi gà Đông Tảo, Đông Tảo lai và gà lai 3 máu, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn dịch bệnh và chất lượng gia cầm khi xuất bán. So với chăn nuôi truyền thống, áp dụng quy trình an toàn sinh học giúp gia đình tôi tăng mức lãi lên khoảng 15 – 20%”. 100% diện tích nền chuồng nuôi gà của gia đình ông Sỹ được sử dụng đệm lót sinh học. Sau mỗi lứa gà, đệm lót trở thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, ông khử trùng chuồng trại rồi mới thả lứa mới. Con giống chất lượng, thức ăn, nước uống cho gà đều bảo đảm vệ sinh, mỗi ô chuồng đều ghi chép cẩn thận ngày vào giống, ngày tiêm vắcxin, tình hình tiêu thụ thức ăn... Nhờ đó nhiều năm nay gia đình ông Sỹ có thu nhập khá từ chăn nuôi gà, không để xảy ra dịch bệnh.
Nuôi gà an toàn sinh học tại xã Hạ Lễ (Ân Thi)
Cũng phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, bà Đặng Thị Hậu ở xã Tiên Tiến (Phù Cừ) cho biết: “Từ khi chăn nuôi gà theo quy trình an toàn sinh học đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế mới cho gia đình tôi. Mặc dù phải củng cố lại hệ thống chuồng trại, thay đổi tập quán chăn nuôi, bỏ thêm chi phí ban đầu nhưng kết quả thu được rất xứng đáng. Lựa chọn đối tượng chính là gà Đông Tảo lai, trong quá trình nuôi tỷ lệ sống của đàn gà đạt tới 95%, cao hơn 20 – 25% so với chăn nuôi truyền thống trước kia, giảm được chi phí thuốc thú y. Khối lượng gà thương phẩm sau khoảng 5 – 6 tháng nuôi trung bình đạt khoảng 2,8 - 3kg/con”.
Thành công từ các mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học, người chăn nuôi đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm. Trước tiên là việc lựa chọn giống. Phải mua gia cầm giống có nguồn gốc rõ ràng tại địa chỉ tin cậy, khoẻ mạnh, có đặc điểm phù hợp với tiêu chuẩn giống. Mật độ nuôi tuỳ thuộc vào từng giống và phương thức chăn nuôi. Bảo đảm chuồng trại thoáng, sạch, được vệ sinh, khử trùng trước khi thả con giống. Chuẩn bị tốt thức ăn chăn nuôi bảo đảm an toàn, vệ sinh. Đặc biệt trong quá trình chăn nuôi, người nuôi phải tuân thủ quy trình phòng bệnh, thường xuyên theo dõi, phát hiện sớm khi gia cầm mắc các loại dịch bệnh để xử lý kịp thời. Lợi ích của việc chăn nuôi gà thịt thương phẩm theo quy trình an toàn sinh học là người chăn nuôi hạn chế được việc sử dụng thuốc thú y, đàn gà khỏe mạnh hơn, môi trường chăn nuôi tốt hơn, linh hoạt áp dụng hình thức nuôi nhốt chuồng hoặc thả vườn, kết hợp cho ăn thức ăn công nghiệp và các loại thức ăn sẵn có như: Ngô, thóc, rau… vừa giảm chi phí đầu vào, vừa tăng chất lượng thịt gà khi xuất bán, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trong 5 năm trở lại đây, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chủ trì thực hiện hỗ trợ nông dân nuôi gà an toàn sinh học thông qua các đề án, dự án như: Đề án giống vật nuôi; Dự án chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; mô hình khuyến nông chăn nuôi gà lai Đông Tảo an toàn sinh học… Mỗi năm hỗ trợ hàng nghìn con gà giống cho người chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, quy trình sản xuất… từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vi Ngoan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.