Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 11/01/2020
Ngày cập nhật:
13/1/2020
Để có những giọt mật ong sóng sánh, sắc ngọt, những người nuôi ong phải sống cảnh “du mục” nay đây mai đó khắp mọi miền đất nước. Mỗi chuyến đi của họ là những đợt di chuyển theo từng mùa hoa đặc trưng trên mỗi miền .
Đời “du mục”…
Cách khu dân cư xã Đắk Phơi (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) chừng 1 cây số là lán trại nuôi ong của ông Lại Văn Cầm, quê huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Vì ở tạm trong một thời gian ngắn nên lán trại ông Cầm nói riêng, tất cả những người nuôi ong nói chung đều được dựng tạm bợ, đủ để che mưa, che nắng. Với diện tích khiêm tốn khoảng 10 m2, đủ đặt 1 chiếc giường, 1 bếp ga và 1 góc rất nhỏ để va ly quần áo đủ mặc cho những tháng ngày theo ong đi lấy mật – là nơi tá túc của ông Cầm cho đến hết mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên.
Đây là năm thứ 7 liên tục ông Cầm đưa đàn ong vào đặt tại xã Đắk Phơi, ông xem đây như quê hương thứ hai của mình. Ông Cầm bộc bạch, nghề nuôi ong nay đây mai đó, đâu cũng là nhà, là quê hương. Do đó, nơi đâu cho nhiều hoa trái, khí hậu ôn hòa, đặc biệt là an ninh trật tự tốt thì người nuôi ong như ông sẽ tìm đến. Gia đình có truyền thống nuôi ong từ lâu đời, nên cuộc sống “du mục” đối với ông trở nên quen thuộc.
Ông Lại Văn Cầm kiểm tra cầu ong của gia đình.
Cách trại ong của ông Cầm tầm 2 cây số là lán của anh Trần Công Liền quê huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Được biết, vào hồi tháng 9 năm 2019, anh đưa 350 thùng ong vào xã Đắk Phơi đánh mật. Với anh, nghề nuôi ong rất vất vả, nhưng cũng nhờ “lộc trời” mà hơn 10 năm nay, anh có tiền trang trải nuôi 3 đứa con ăn học, trong đó 2 cháu học đại học, 1 cháu đang học cấp 2. Anh tâm sự, mỗi năm số ngày đoàn tụ với gia đình của anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ khi nào đưa ong lấy mật ở một số tỉnh lân cận tỉnh Hải Dương thì may ra tranh thủ về thăm nhà hoặc vợ con đến thăm anh. Do đặc tính theo mùa nên nghề nuôi ong phải di chuyển nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau để có những lít mật ngọt, mang vị đặc trưng của mỗi loài hoa.
Theo những mùa hoa
Cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, khi những nụ hoa cây cộng sản bắt đầu bung nở, đàn ong kéo nhau đi hút mật. Cây cộng sản hay còn gọi là cây cỏ Lào, cây bớp bớp – là loài cây dại mọc tự nhiên ở các tuyến đường, nương rẫy, bìa rừng. Ở xã Đắk Phơi, cây cộng sản mọc khắp nơi, là nguồn thức ăn dồi dào cho những đàn ong từ nhiều nơi đến cư ngụ tại đây. Theo kinh nghiệm của những người nuôi ong từ các tỉnh phía Bắc vào đây, thời gian nở của cây cộng sản không lâu, thường kéo dài khoảng 1 tháng từ tầm giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, nếu đặt ong ở những bìa rừng hay vườn cây có nhiều cây cộng sản mọc thì sản lượng mật cũng rất cao.
Một cầu ong đầy mật tại trại ong của anh Trần Công Liền.
Anh Trần Công Liền cho biết, mật hoa cây cộng sản còn gọi là mật hoa bông trắng, có màu vàng tươi, mùi thơm dễ chịu, nhưng vị hơi nhẩn đắng đặc trưng của loài hoa này. Những người nuôi ong ví vị mật hoa bông trắng như vị sôcôla nguyên chất, những người sành ăn sẽ tìm chọn sản phẩm này về dùng. Cũng như các loại mật nhãn, mật cà phê… mật hoa bông trắng dần khẳng định chất lượng trên thị trường, với giá bỏ sỉ dao động từ 90 – 100 nghìn đồng/lít.
Ông Lại Văn Cầm: "Để đưa đàn ong từ vùng đất này đến vùng đất khác, bắt buộc phải qua 7 giờ tối, khi tất cả đàn ong đều đã vào thùng, thì người nuôi ong mới đóng nắp lại, bốc vác lên xe và di chuyển trong đêm".
Khi mùa hoa cộng sản tàn, cũng là lúc người dân Tây Nguyên bắt đầu vụ tưới, bạt ngàn sắc trắng hoa cà phê – là nguồn thức ăn dồi dào của hàng trăm đàn ong di cư từ nhiều địa phương khác đến. Từ lâu, mật hoa cà phê là sản phẩm mật
đặc trưng của vùng Tây Nguyên, với vị ngọt sắc, thơm lừng.
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ong, thì vào mùa hoa cà phê là người nuôi ong nhàn hạ nhất, bởi số lượng hoa nhiều nên không phải bổ sung thức ăn cho ong, nếu đặt đúng vị trí, sản lượng mật mang lại rất cao. Theo dự tính của anh Liền, hết mùa hoa cà phê này, với 350 thùng ong, anh sẽ thu về tầm 5 tấn mật, trong đó chủ yếu mật hoa cà phê. Cũng như anh Liền, ông Cầm đang hy vọng một mùa bội thu với sản phẩm mật ong hoa cà phê trong năm nay, dự kiến khoảng trên 2 tấn mật.
Cuối mùa khô Tây Nguyên, khi mùa hoa cà phê không còn, những người nuôi ong như anh Liền, ông Cầm sẽ di chuyển đàn ong đến vùng đất mới. Đó là mùa hoa nhãn cuối tháng 3 ở Hưng Yên, mùa hoa sú vẹt vào tháng 5 ở Ninh Bình hay mùa hoa keo vào tháng 9 ở huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) để mang về những sản phẩm mật đặc trưng, gắn với từng loài hoa, cây cỏ.
Hoàng Tuyết
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.