Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 29/04/2020
Ngày cập nhật:
1/5/2020
Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới, đầu tư trang thiết bị tiên tiến, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xuất hiện nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới cho nông dân trong tỉnh.
Nuôi vịt không cần… ao
Xưa nay, thường phải tận dụng diện tích mặt nước rộng mới có thể chăn nuôi vịt quy mô lớn do đây là loài thủy cầm, ưa bơi lội. Vậy nhưng, anh Lê Văn Hải, thị trấn Bích Động (Việt Yên) đã thành công khi nuôi 60 nghìn con vịt sinh sản không cần thả ao.
Cơ sở nuôi nhốt vịt sinh sản quy mô lớn tại hộ anh Lê Văn Hải, thị trấn Bích Động (Việt Yên).
Qua tìm hiểu được biết, anh Hải thiết kế chuồng kín có hệ thống quạt, giàn làm mát tự động. Toàn bộ vịt được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, chăm sóc thành các giai đoạn hậu bị và sinh sản. Chuồng được dùng đệm lót sinh học để khử mùi. Theo anh Hải, ưu điểm của nuôi nhốt vịt trong nhà là không phát sinh nhiều chất thải, bảo vệ môi trường, giảm dịch bệnh. Chất thải sau xử lý trở thành phân vi sinh cung cấp cho nhà vườn trồng cây ăn quả, khoai, sắn ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam… với giá 2 nghìn đồng/kg. Dù vậy, chi phí bỏ ra ban đầu nuôi theo công nghệ này khá cao do phải đồng bộ hạ tầng đi kèm và dùng một số chế phẩm sinh học. Vịt sinh sản đạt 85%, mỗi ngày trang trại chăn nuôi của anh Hải bán ra thị trường khoảng 50 nghìn quả trứng. “Chi phí cho một quả trứng khoảng 5,5 nghìn đồng, như vậy tôi lãi 1,5 nghìn đồng/quả. Từ ưu việt của mô hình, tôi đang tìm địa điểm, tiếp tục mở rộng nuôi vịt nhốt hoàn toàn trong thời gian tới”, anh Hải nói.
Được biết, để nuôi vịt theo phương pháp này thành công, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh, tẩy uế chuồng nuôi cũng như xung quanh trang trại. Chất lót chuồng nuôi được giữ sạch và khô. Bất cứ ai ra vào trang trại đều phải thay quần áo, mũ, ủng đã sát khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.
“Tắm” 3 lần trước khi vào chuồng lợn
“Tắm” là cách gọi nôm na của bà Hoàng Thị Thái, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) khi nói về điều kiện ra vào khu chăn lợn của gia đình. Theo bà Thái, công nhân phải khử trùng lần một tại cổng vào, sau đó khử trùng lần hai, tắm sát trùng lần ba, tiếp đến cách ly 15-20 giờ mới được vào chuồng nuôi lợn. Hiện tại, chuồng nuôi có hệ thống điều hòa giữ cho nhiệt độ dao động ở mức 24-25 độ C. Ngoài ra, để bảo đảm môi trường thông thoáng, trang trại có nhân công thường xuyên quét dọn sạch sẽ; đồng thời đầu tư hệ thống xử lý chất thải biogas dung tích hàng nghìn m3, sau đó thông qua các bể lắng lọc, đóng bao ủ cặn bã thành phân vi sinh.
Trang trại nuôi lợn an toàn sinh học của gia đình bà Hoàng Thị Thái, xã Ngọc Châu (Tân Yên).
Khâu khử trùng, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh được trang trại thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình an toàn sinh học. Kết quả, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vào năm ngoái làm hàng trăm nghìn con lợn của các trang trại, hộ dâm trên địa bàn tỉnh bị chết nhưng đàn lợn của bà Thái luôn khỏe mạnh. Theo cơ quan chuyên môn, đây là trang trại điển hình của tỉnh về chăn nuôi lợn. Không chỉ miễn nhiễm trong đợt dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn của gia đình bà Thái nhiều năm qua không bị mắc dịch bệnh lớn.
Hiện nay, trang trại có 27 chuồng nuôi công nghiệp, mỗi chuồng 500 con; duy trì quy mô khoảng 8-10 nghìn con lợn thương phẩm. Nhằm chủ động con giống, gia đình bà Thái nuôi 3 nghìn lợn nái giống nhập ngoại, chất lượng cao. Thời điểm này, trang trại chuẩn bị xuất chuồng hơn 3 nghìn con lợn thịt. Bà Thái chia sẻ, vốn có kinh nghiệm nuôi gia công cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nên khi đầu tư cho riêng mình, tôi tham khảo các tài liệu, thiết kế các hạng mục bảo đảm tiêu chuẩn; được cơ quan chuyên môn đánh giá, nghiệm thu kế hoạch bảo vệ môi trường khi đi vào hoạt động; chú trọng thực hiện chuẩn kỹ thuật ở tất cả các khâu. Có như vậy, tôi mới đạt được kết quả như ngày hôm nay.
Thụ tinh nhân tạo cho gà
Thụ tinh nhân tạo cho gà là cách làm đột phá và người đi đầu thực hiện trên địa bàn tỉnh là ông Văn Hữu Vượng, thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).
Khu nuôi gà bố mẹ của gia đình anh Văn Hữu Vượng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa).
Là người chăn nuôi gà lâu năm, ông Vượng chú trọng đầu tư máy ấp trứng, hệ thống chuồng nuôi kiên cố để gà sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên thấy những quả trứng bị hỏng phải bỏ ông thầm tiếc. Cũng vì lẽ đó, đầu năm 2016 ông nghĩ ra phương pháp táo bạo là thụ tinh nhân tạo cho gà. Theo ông Vượng, từ xa xưa, việc thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò và một số loài khác đã được áp dụng thì ắt cũng thực hiện được đối với gà. Với ý nghĩ đó, ông tiến hành làm thử và cho kết quả cao.
Mục sở thị trang trại cho thấy, gà trống, gà mái được nhốt riêng từng ô, dãy, có đánh số để tiện cho việc theo dõi ngày, giờ thụ tinh. Bằng cách thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ trứng ấp nở đạt 95%, cao hơn 20% so với thụ tinh tự nhiên. Ngoài ra, ông còn mua máy móc và nguyên liệu tự sản xuất thức ăn chăn nuôi. Thành phần chủ yếu gồm bột ngô, cám gạo, đậu tương, dầu ăn đáp ứng đủ khẩu phần dinh dưỡng. Hiện nay, trang trại có hơn 2 vạn gà sinh sản, mỗi ngày xuất bán ra thị trường 1,3 vạn gà giống, trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng/tháng. Trang trại tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phương pháp thụ tinh nhân tạo cho gà đã được ông Vượng hướng dẫn cho nhiều chủ trang trại nuôi gia cầm trên địa bàn huyện và áp dụng thành công. Ông Lê Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT) đánh giá, cách làm của ông Vượng rất hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giống gia cầm, cần tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới. Hiện, Chi cục cũng giới thiệu, hướng dẫn thụ tinh nhân tạo cho gà ở một số trang trại tại hai huyện Yên Thế, Lạng Giang.
Trường Sơn
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.