• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 29/04/2020
Ngày cập nhật: 2/5/2020

Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành các vùng chăn nuôi xa khu đông dân cư; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí đầu vào hợp lý nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng… là những mục tiêu quan trọng của ngành chăn nuôi Cà Mau trong tái cơ cấu sản xuất.

Cơ hội mới cho ngành chăn nuôi

Luật Chăn nuôi với các điều kiện, quy định tương đối toàn diện giúp ngành chăn nuôi thời gian tới có hành lang pháp lý ổn định để thúc đẩy phát triển theo chuỗi, theo chiều sâu, bền vững, thu hút và khuyến khích được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, an toàn sinh học.

Quốc hội đã ban hành những nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới, trong đó có những nội dung, nghị quyết về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn rất rõ ràng, là căn cứ quan trọng để ngành Nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng bám sát trong công tác chỉ đạo, điều hành, định hướng, xây dựng đề án trong giai đoạn tới. Tranh thủ thời cơ giảm chăn nuôi nhỏ lẻ do dịch tả heo châu Phi để tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết, xây dựng các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến.

Cà Mau đang hướng tới một ngành chăn nuôi quy mô lớn và an toàn sinh học.

Ngành chăn nuôi tỉnh rất phấn khởi khi vừa kết thúc công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, đến ngày 27/3, tất cả các xã có dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không phát sinh thêm dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã có báo cáo kết thúc công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn.

Bệnh dịch tả heo châu Phi đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các vấn đề về văn hóa, kinh tế, môi trường và đời sống của người dân. Ước tính số tiền phải chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên 54 tỷ đồng. Trong khi chờ Bộ Tài chính thẩm định nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất hỗ trợ ngân sách các huyện, TP. Cà Mau 90% tổng nhu cầu hỗ trợ các hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi, với số tiền hơn 18 tỷ đồng.

Chăn nuôi theo hướng năng suất và chất lượng cao

Cà Mau đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi; trong đó, xác định vật nuôi chủ lực là phát triển đàn heo và gia cầm theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ phát triển tổng đàn heo 400.000 con và đàn gia cầm xuất chuồng khoảng 3,7 triệu con.

Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau tăng cường quản lý chất lượng con giống, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn heo, gà, vịt...; xử lý tốt vấn đề môi trường. Ngành chuyên môn cũng khuyến cáo người dân chọn con giống đảm bảo chất lượng, cho năng suất cao; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường thông qua việc ứng dụng quy trình, kỹ thuật công nghệ mới: Hầm biogas, men sinh học, ủ phân hữu cơ..., để xử lý môi trường trong chăn nuôi. Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá lại thực trạng chăn nuôi để làm cơ sở tái cơ cấu ngành, gắn với quy hoạch. Tỉnh chú trọng quy hoạch xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; tiến đến thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2017, tổng đàn gia cầm của tỉnh khoảng 2,7 triệu con, tăng 1,4% và đàn lợn khoảng 250.000 con, tăng 17% so với năm trước. Tuy nhiên, phần lớn hộ dân trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì tập quán chăn nuôi nhỏ, phân tán. Do đó, thời gian tới, cơ quan chức năng tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi quy nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại. Năm 2020 là một năm đầy thách thức với ngành chăn nuôi nhưng đồng thời đây cũng chính là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu triệt để ngành này.

Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn gia cầm trong toàn tỉnh hiện trên 3,4 triệu con, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhất từ trước đến nay. Tình trạng tăng “nóng” đàn gia cầm là một trong những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1.

Ngành chăn nuôi tỉnh Cà Mau rất phấn khởi khi vừa kết thúc công tác phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo châu Phi.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ông Nguyễn Thành Huy dự báo: “Thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra với nhiều nguyên nhân, do tổng đàn gia cầm lớn, điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ những tháng đầu năm tăng cao, việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đạt thấp, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ dưới 20 con/hộ. Do đó, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận có dịch cúm gia cầm A/H5N1, nhưng trước nguy cơ dịch tái bùng phát, ông Nguyễn Thành Huy cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh chuồng trại, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính”. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức người chăn nuôi, tỉnh đang triển khai tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, ông Duy Quốc Tuấn nhận định: “Hiện nay thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm môi trường cũng tăng cao nên vi sinh vật gây hại có điều kiện phát triển, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh rất cao. Người dân không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh. Người chăn nuôi tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch. Trước khi nuôi lứa mới, nông dân cần chú ý vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi. Khi nhập vật nuôi, chọn con giống khỏe mạnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh”.

Như vậy, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi chỉ thực sự có hiệu quả khi quy hoạch một cách đồng bộ và hướng đi an toàn sinh học được xem là bền vững và hiệu quả nhất, được thực tế chứng minh qua những mô hình. Hơn ai hết, ngành chuyên môn và người dân phải là những tuyên truyền viên cho chính người thân và người chăn nuôi hiểu và đi theo hướng an toàn sinh học, bởi ngành chăn nuôi là cái “phao” của ngành Nông nghiệp trong năm nay.

MINH TRIẾT

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang