Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 02/05/2020
Ngày cập nhật:
3/5/2020
Vùng ĐBSCL là một trong những nơi có nghề nuôi heo nhiều năm với số lượng khá lớn, tuy nhiên, sau thời gian bệnh dịch tả heo châu Phi hoành hành trên diện rộng, nhiều hộ nuôi điêu đứng. Gần đây, giá heo hơi và heo thịt trên thị trường ở mức cao, nhưng hàng loạt hộ chăn nuôi không còn nhiều heo để bán...
Các tỉnh ĐBSCL khuyến khích tái đàn heo đảm bảo an toàn sinh học…
Đàn heo sụt giảm mạnh
Tiền Giang là địa phương có tổng đàn heo thuộc dạng lớn nhất vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua với khoảng 700.000 con, những năm cao điểm lên đến 900.000 con. Toàn tỉnh có khoảng 42.680 cơ sở chăn nuôi heo, trong đó phần lớn nuôi theo hộ gia đình. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, khoảng quý II-2017, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh chỉ còn khoảng 22.000-25.000 đồng/kg và khó tiêu thụ khiến hàng loạt hộ chăn nuôi lỗ nặng, phải tạm dừng nuôi, treo chuồng vì hết vốn đầu tư. Gần đây, bệnh dịch tả heo châu Phi lan rộng tới nhiều vùng chăn nuôi, đẩy người dân và các cơ sở vào thế khó. Ước tính tổng đàn heo của Tiền Giang hiện còn khoảng 300.000 con, giảm mạnh so với những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Minh, ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang, tâm sự: “Gia đình tôi có nghề nuôi heo rất lâu, cũng trải qua những giai đoạn thăng trầm. Riêng năm 2017, nuôi tới 1.700 con heo thịt và heo giống, nhưng gặp cảnh rớt giá kéo dài nên thua lỗ. Hiện nay, giá heo hơi và heo thịt dù tăng rất cao so các năm trước, song nhiều hộ đã “thấm mệt” vì trải qua thời gian và dịch bệnh, nên không nhiều người có heo để bán lúc này”.
Tại Đồng Tháp, những hộ chuyên làm bột - nuôi heo, dù rất có kinh nghiệm nhưng vẫn ngậm ngùi nhìn giá tăng mà không còn nhiều heo để bán. Ông Trần Văn Hùng, ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, luyến tiếc: “Đã hàng chục năm làm nghề nuôi heo nhưng ít bao giờ thấy giá heo tăng rất cao và duy trì lâu như hiện nay. Nếu như mấy năm trước, giá thành nuôi heo khoảng 30.000-33.000 đồng/kg thì nay tăng lên 40.000-45.000 đồng/kg; song với giá heo hơi hiện giờ từ 85.000-93.000 đồng/kg nên những ai có heo bán thời điểm này vẫn lời đậm”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, đàn heo của tỉnh chỉ còn khoảng 80.000-90.000 con; trong khi các năm cao điểm, người dân Đồng Tháp nuôi từ 400.000-600.000 con heo. Còn ở Hậu Giang, đàn heo bình quân mỗi năm khoảng 150.000-160.000 con thì nay cũng giảm phân nửa…
Dồn sức tái đàn
Nhu cầu tiêu thụ thịt heo hằng ngày lớn nhưng lượng đàn giảm mạnh đã đẩy giá thịt heo tăng ở mức rất cao. Do đó, việc tái đàn heo nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cân đối cung cầu đang là vấn đề cấp bách.
Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “UBND tỉnh vừa triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi heo giai đoạn 2020-2025, nhằm đáp ứng tiêu thụ trong tỉnh và cung cấp cho các nơi khác. Cụ thể, sẽ tổ chức lại nghề chăn nuôi heo theo hướng giảm dần nhỏ lẻ, chuyển sang nuôi tập trung, quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học, phát triển bền vững; góp phần ổn định sản xuất, đảm bảo cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Ngay trong năm 2020 này, tỉnh đề nghị các huyện thực hiện giảm chăn nuôi nhỏ lẻ để tăng dần số cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn (số lượng tối thiểu từ 50 con đối với heo sinh sản, 100 con đối với heo thịt). Đến năm 2025, có ít nhất 30% số hộ chăn nuôi quy mô lớn; đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ tốt môi trường...”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sẽ có cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi heo kiến thức về an toàn sinh học. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi quy mô lớn, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo chính sách hiện hành. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí lại khu vực chăn nuôi phù hợp; quản lý, giám sát thực hiện quy định không được chăn nuôi trong nội thành, nội thị. Riêng làng bột Tân Phú Đông (TP Sa Đéc) được định hướng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống, nên địa phương cần vận động các hộ chăn nuôi cam kết không được chăn nuôi heo trong khu vực này; đồng thời hỗ trợ di dời ra ngoại thành hoặc chuyển sang các huyện lân cận… Tổng kinh phí thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi heo khoảng 34 tỉ đồng.
Tại An Giang, kế hoạch tái đàn heo cũng đang được triển khai theo hướng thận trọng, hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi. Theo đó, tổng đàn heo dự kiến tái đàn đến cuối năm 2020 đạt khoảng 22.774 con. Tỉnh có chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi mua 605 heo nái chất lượng cao với định mức 50% giá trị con giống (không vượt quá 3,2 triệu đồng/con); số lượng hỗ trợ từ 5-40 con/hộ nuôi. Đồng thời, hỗ trợ vắc-xin tiêm phòng cho đàn heo giống này. Các hộ có quy mô thường xuyên từ 5 con heo nái hoặc 10 con heo thịt trở lên, có nhu cầu xây dựng công trình khí sinh học hoặc làm đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, được hỗ trợ đến 50% giá trị xây dựng (không quá 5 triệu đồng/hộ).
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cũng có công văn hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn heo một cách hiệu quả, đề phòng nguy cơ tái phát dịch bệnh. Các cơ sở và hộ chăn nuôi heo phải áp dụng nghiêm biện pháp cách ly, sát trùng bằng hóa chất; nâng cấp cơ sở chăn nuôi bảo đảm, áp dụng biện pháp an toàn sinh học; thực hiện kê khai chăn nuôi để ngành chức năng thẩm định đủ điều kiện trước khi tái đàn. Đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ với quy mô tổng đàn dưới 1.500 con heo thịt, phải kê khai gửi UBND xã; cơ sở chăn nuôi trang trại tổng đàn từ 1.500 con heo thịt trở lên, phải kê khai gửi Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Heo giống tái đàn phải có nguồn gốc sạch bệnh; định kỳ lấy mẫu xét nghiệm dịch tả heo châu Phi.
Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang vừa công bố hết bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời hướng dẫn người dân tái đàn theo hướng an toàn sinh học, nuôi có kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra. Ở Hậu Giang, ngành chức năng đang hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn heo… Quyết tâm của các địa phương là rất cao, nhưng với những cái khó hiện nay, như: nhiều hộ thiếu vốn, heo giống thiếu hụt trầm trọng, giá heo giống rất cao... nên việc tái đàn sẽ khó có thể nhanh.
Bài, ảnh: Phước Bình
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.