Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 08/05/2020
Ngày cập nhật:
10/5/2020
Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay, những hạn chế về quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, giá cả bấp bênh; khó khăn trong quy hoạch, phát triển vùng thức ăn chăn nuôi... đang là những rào cản khiến các hộ chăn nuôi khó phát triển cả về số lượng và chất lượng đàn vật nuôi.
Người dân xã Vĩnh Thịnh tận dụng mọi diện tích đất nông nghiệp để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn xanh cho bò sữa.
Theo số liệu của Cục Thống kê, đến hết năm 2019, chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi bò (đặc biệt là bò sữa) trên địa bàn tiếp tục phát triển, sản lượng tăng khá so với năm 2018. Toàn tỉnh hiện có hơn 11 triệu con gia cầm; gần 18 nghìn con trâu.
Riêng đàn bò phát triển rất ổn định do thuận lợi về giá cả và thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi có lãi cao với mức tăng đạt 0,87% với số lượng hơn 109.000 con; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả năm đạt 5,89 nghìn tấn; sản lượng sữa bò đạt 29,84 nghìn tấn, tăng 24,4%.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi chuyên con tập trung như: Chăn nuôi bò sữa tại các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn ở các huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm tại các huyện Tam Dương, Tam Đảo.
Ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, cùng với ngành trồng trọt tạo ra động lực tăng trưởng ngành nông nghiệp. Nếu năm 2015, tỷ trọng chăn nuôi đạt 48,2% thì năm 2018 tăng lên 51,6 %, ước đạt 52,5% vào năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì người chăn nuôi gia cầm lại gặp nhiều khó khăn về giá cả, thị trường, còn người chăn nuôi gia súc như bò sữa lại khó khăn về vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi, đặc biệt vào mùa đông nguồn thức ăn thô, xanh lại càng trở nên khan hiếm.
Anh Nguyễn Duy Toàn, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) chia sẻ: Từ một vùng quê nghèo trồng mía, ngô không hiệu quả, bà con nông dân vùng bãi Vĩnh Thịnh đã “đổi đời” nhờ trồng cỏ nuôi bò. Hiện, toàn xã có trên 60% số hộ trong xã nuôi bò sữa. Thế nhưng, hiện nay, người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đang gặp khó khăn vì diện tích đất nông nghiệp có hạn trong khi số lượng bò ngày càng tăng.
Từ 5 con bò sữa ban đầu, đến nay, gia đình anh Toàn có 40 con bò sữa. Để đảm bảo nguồn thức ăn thô, xanh cho bò, gia đình anh phải thuê 5 mẫu đất nông nghiệp của các hộ dân tại các xã lân cận, cách khu vực chăn nuôi của gia đình khoảng 5km để trồng cỏ làm thức ăn cho bò.
Tuy nhiên, diện tích trồng cỏ trên chỉ đủ cung cấp thức ăn cho đàn bò từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm, còn từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau, thời tiết không thuận lợi, cỏ mọc chậm nên 5 mẫu cỏ không đủ cung cấp cho 40 con bò của gia đình.
Để đảm bảo nguồn sữa, phát triển ổn định đàn vật nuôi, anh Toàn phải tìm mua cỏ voi, cây ngô, cây chuối khắp nơi trên địa bàn để cung cấp thức ăn cho bò, vừa tốn thời gian vừa tốn chi phí. Anh và các hộ chăn nuôi bò sữa rất mong các cấp chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi bò.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Nguyễn Phùng Xuân cho biết: Vĩnh Thịnh hiện có hơn 8.000 con bò sữa, trung bình mỗi hộ nuôi từ 10-20 con, những hộ quy mô lớn khoảng 40-50 con. Chăn nuôi bò sữa đã góp phần nâng cao thu nhập, phát triển KTXH trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay, chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã còn một số hạn chế như quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu tại các hộ gia đình nên công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi chưa phù hợp với tốc độ phát triển quy mô tổng đàn.
Vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi hạn hẹp, hiện toàn xã có trên 300 ha diện tích đất trồng cỏ, không đủ cung cấp cho đàn bò trên địa bàn; nhiều hộ phải sang các xã lân cận thuê lại đất nông nghiệp để trồng cỏ sữa. Đặc biệt, vào mùa đông, nhiều hộ phải đi tìm mua thức ăn xanh cho bò khắp nơi.
Để chăn nuôi phát triển bền vững cả về chất và lượng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, thời gian tới, cùng với việc cải thiện môi trường chăn nuôi, chính quyền địa phương cần quy hoạch, phát triển vùng sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu sữa bò Vĩnh Thịnh.
Giai đoạn 2021-2025 dự báo các điều kiện sản xuất nông nghiệp như lao động, diện tích đất nông nghiệp tiếp tục giảm và chuyển dịch sang khu công nghiệp, dịch vụ. Để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa chính trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp, tập trung, chuyên môn hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, năng suất chất lượng cao, thì cùng với phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất, cũng cần phát triển vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi cho các vùng.
Hình thành sản xuất tập trung chuyên con như bò sữa ở Vĩnh Tường, Lập Thạch, vừa đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi, vừa hình thành thêm nghề, tạo công ăn việc làm cho các lao động vùng nông thôn, giảm tình trạng "nơi bỏ ruộng không, nơi thiếu đất trồng trọt" thức ăn chăn nuôi.
Bài, ảnh: Hồng Tính
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.