Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 11/5/2020
Ngày cập nhật:
12/5/2020
Trong những ngày qua, giá thịt heo hơi tăng cao, dao động từ 83.000-90.000 đồng/kg. Nguyên nhân là đàn heo trong nước đang thiếu, do dịch tả heo châu Phi đã làm giảm tổng đàn cả nước. Nhằm kéo giảm giá heo hơi xuống 60.000-70.000 đồng/kg, nhà nước đang hỗ trợ nhiều cơ sở nhập heo giống; mặt khác, các trang trại tái đàn nhưng đảm bảo an toàn sinh học.
Trong quá trình tái đàn, các trang trại phải tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo không lây nhiễm dịch tả heo châu Phi
Heo tăng giá do tổng đàn thiếu
Hiện nay, tổng đàn heo tại Đồng Nai khoảng 2,031 triệu con, giảm 19,38% so với cùng kỳ, giảm 19,41% so với thời điểm trước lúc xảy ra dịch tả heo châu Phi. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện có 815 con heo giống cụ kỵ ông bà, 215.000 nái sinh sản, 64.517 nái hậu bị, 3.700 đực giống, 371.755 heo con theo mẹ, 1.375.213 heo thịt. Đàn heo của các doanh nghiệp FDI là 1.084.886 con, chiếm 53,42% tổng đàn heo cả tỉnh; các doanh nghiệp trong nước có 65.330 con, chiếm 3,21%; còn lại 43,37% là đàn heo của các trang trại và nhỏ lẻ. Đàn heo của tỉnh chủ yếu là các giống lai 2-3 máu, tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đạt 98%. Tính đến thời điểm tháng 5-2020, sau khi dịch tả heo châu Phi tạm thời khống chế được, Đồng Nai đã có 328 cơ sở tái đàn, tăng đàn đạt số lượng 219.845 con. Trong đó, số cơ sở bị dịch tả heo châu Phi tái đàn là 247 cơ sở.
Sau khi bị dịch tả heo châu Phi, Trang trại Hoa Phượng (tỉnh Đồng Nai) đã sửa chữa, nâng cấp thành chuồng mát, tăng cường đảm bảo an toàn sinh học. Ông Nguyễn Hữu Thắng, chủ trại Hoa Phượng, nhận định, dù chấp nhận mua heo giống xấp xỉ 3,5 triệu đồng/con nhưng nhiều trang trại vẫn không mua được. Giá thịt heo tăng cao một phần là do sản lượng heo thiếu. Nhằm đảm bảo nguồn cung, hiện trang trại giữ lại heo nái để lai giống hậu bị, nhưng cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Ngoài ra, trang trại đang chuẩn bị nhập giống heo bố mẹ từ nước ngoài về nhằm tái đàn.
Ngành chăn nuôi tỉnh Bình Dương tiếp tục quy hoạch chăn nuôi năm 2020 theo hướng phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại 4 huyện: Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên. Đến hết quý 1-2020, tổng đàn heo 785.841 con, trong đó chăn nuôi quy mô nông hộ chiếm 6,01% và tổng đàn heo chỉ giảm khoảng 1,89% so với cùng kỳ (tổng đàn nái giảm khoảng 11,73%, tổng đàn nọc giảm 32,39%, tổng đàn heo thịt giảm 1,62%). Nhưng nhìn chung, số lượng heo chỉ giảm nhiều ở đàn heo chăn nuôi quy mô nông hộ, với tỷ lệ giảm khoảng 48,55%; đối với chăn nuôi quy mô trang trại và ở các công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài thì tổng đàn heo tăng 4,48%. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 4-2020, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đã tăng 21,84% so với thời điểm đầu tháng 1-2020.
Đàn heo dồi dào cuối năm
Trong thời gian dịch tả heo châu Phi bùng phát, nhiều trang trại không tăng đàn. Đây cũng là yếu tố khiến tổng đàn heo bị thiếu. Ông Nguyễn Hữu Tỉnh, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, phân tích, heo thiếu là từ tháng 4 đến 9-2020, dịch tả heo châu Phi bùng phát mạnh, hầu hết cơ sở đều không nhân giống, tái đàn. Đến tháng 9-2019, cơ sở mới phối giống lại thì sau 4 tháng mới có heo giống. Một thế hệ heo đến khi xuất chuồng theo đúng quy luật sinh học sẽ hơn 18 tháng, nên thời điểm này đàn heo trong nước sẽ thiếu.
Trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi chưa có vaccine, heo giống nhập từ nước ngoài về phải cách ly theo quy trình 45 ngày theo dõi xem có mắc bệnh và thêm 45 ngày để heo lên giống. Nếu theo đúng tiến độ nhân giống heo mới, dự kiến đến cuối năm, tổng đàn heo cả nước sẽ tăng và đáp ứng đủ thị trường.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để đến cuối năm 2020 tổng đàn heo đạt 2,5 triệu con, đàn nái 275.000 con, tỉnh khuyến khích các cơ sở sản xuất heo giống phát triển đàn heo giống để cung cấp cho người chăn nuôi. Nếu các cơ sở sản xuất giống quy mô lớn tiếp tục không cung cấp con giống cho các cơ sở chăn nuôi ngoài hệ thống, tỉnh sẽ xem xét, đăng ký đặt hàng với doanh nghiệp để cung cấp giống cho người chăn nuôi khi cần thiết.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị: “Chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, liên kết trong sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức hợp tác giữa các cơ sở chăn nuôi với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu mua, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Đối với các hộ có chuồng trại chăn nuôi nhưng không có nhu cầu tái đàn thì khuyến khích hợp tác với các doanh nghiệp để hợp đồng thuê đầu tư sản xuất chăn nuôi”.
Trong đợt công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng chống dịch của 2 địa phương này. Điển hình như Đồng Nai, trước dịch tả heo châu Phi có hơn 2,5 triệu con; hiện nay tổng đàn đã 2,1 triệu con. Hiện nay, bộ cũng đã cho một số cơ sở nhập heo giống bố mẹ về để tái đàn. Ngoài yếu tố nguyên liệu, bộ đang xin chủ trương Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cung cấp vốn, lãi suất ưu đãi.
Theo tính toán của Bộ NN-PTNT và Tổng cục Thống kê, đến quý 3 và quý 4 thì sản lượng thịt heo cung cấp ra thị trường sẽ tương đương với năm 2018 (được xem là năm có sản lượng thịt cao nhất từ trước đến nay). Hiện tại, giá các loại thịt gà, vịt đang thấp, người tiêu dùng có thể chuyển sang dùng sản phẩm này thay thế cho thịt heo. Bên cạnh đó, sản lượng thịt đông lạnh được nhập về các nước cũng rất nhiều, với giá rẻ hơn thịt nóng. Thịt đông lạnh được nhập từ các nước chăn nuôi phát triển, heo được nuôi theo quy trình khép kín từ con giống, thuốc thú y, thức ăn, quy trình nuôi dưỡng, vận chuyển đến địa điểm giết mổ, cấp đông… Tuy nhiên, khi thịt về tới Việt Nam, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục kiểm tra chất lượng để sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, tái đàn chăn nuôi đa số ở các trang trại chăn nuôi gia công với các công ty chăn nuôi; đối với các trang trại chăn nuôi tư nhân thì tiến độ tái đàn chậm với nguyên nhân chủ yếu do lo ngại dịch tả heo châu Phi tái phát và khan hiếm con giống. Mặt khác, thời gian qua, nhiều công ty chăn nuôi đều lưu hành giống nội bộ trong hệ thống và không xuất bán con giống ra ngoài; để tái đàn thì người chăn nuôi phải mua con giống với giá cao từ 160.000-170.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, có không ít công ty và trang trại chăn nuôi sử dụng cả heo cái 3 máu để làm giống tạm thời, làm nguồn cung heo thịt khan hiếm, đa phần nguồn heo xuất thịt là heo đực.
THANH HẢI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.