Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 13/05/2020
Ngày cập nhật:
15/5/2020
Gần đây, một số ổ dịch cúm gia cầm do chủng vi-rút cúm A/H5N6 đã xuất hiện ở các xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), Phú Sơn (huyện Nho Quan) tỉnh Ninh Bình... khiến cho hàng nghìn con gia cầm chết, phải tiêu hủy. Trong khi đó, hiện nay, mật độ chăn nuôi đang ở mức cao, diễn biến thời tiết có nhiều yếu tố cực đoan, lượng gia cầm lưu thông lớn, thói quen buôn bán, giết mổ theo kiểu truyền thống... đang là những yếu tố dịch tễ khiến dịch rất dễ lây lan trên diện rộng.
Chăn nuôi vịt tại huyện Nho Quan. Ảnh: Anh Tuấn
Cuối tháng 4, đàn gà hơn 2 nghìn con của gia đình ông Bùi Trung Dũng (thôn 2, xã Phú Sơn) có hiện tượng ốm, đến ngày 4/5 thì bắt đầu chết nhiều với những biểu hiện của bệnh cúm gia cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền xã tiến hành lập biên bản, tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gà và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm xác định nguyên nhân. Kết quả, mẫu bệnh phẩm đã dương tính bệnh cúm A/H5N6.
Ông Dũng cho biết: gia đình chăn nuôi nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ bị thiệt hại nặng nề như lần này. Tổng đàn 2.400 con, trong đó có 1.400 con gà hơn 2 tháng tuổi và 1.000 con gà con mới nhập được 8 ngày tuổi. Đây đều là giống gà ri lai mía mua ở địa chỉ có tên tuổi, uy tín ở tỉnh Bắc Ninh. Trước khi nhập đàn mới, ông cũng đã rất cẩn thận, nuôi nhốt ở 2 khu cách biệt nhau.
Vậy mà chẳng hiểu sao, hàng trăm con gà đang khỏe mạnh bỗng ủ rũ rồi chết cả loạt. Trước đó, vào giữa tháng 4, tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, cũng đã có 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N6. ổ dịch đầu tiên phát sinh ngày 18/4 tại hộ gia đình ông Phạm Xuân Thuận, thôn Giải Cờ với khoảng 2.000/5000 con gà bị ốm, chết.
Sau đó 2 ngày, dịch lại xuất hiện ở một hộ gia đình gần đó với 300 con gà và ngan bị chết và phải tiêu hủy. Chưa dừng lại, ngày 21/4, kiểm tra hộ gia đình ông Vũ Văn Năm (thôn Khê Trung, xã Yên Đồng) hiện đang nuôi hơn 800 con gia cầm (trong đó có 200 con vịt đẻ đã tiêm phòng H5N1, 130 con gà 5 tháng tuổi đã tiêm phòng vắc xin H5N1 và 475 con gà 3 tháng tuổi chưa tiêm phòng cúm gia cầm) thì phát hiện gần 200 con bị ốm chết, mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm gia cầm H5N6.
Bệnh cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút cúm type A (H5N6) gây ra, bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài như: gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.
Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền các địa phương nơi có dịch đã phối hợp chặt chẽ với ngành chuyên môn khẩn trương triển khai các biện pháp đồng bộ để khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan trên diện rộng. Theo đó, thực hiện thu gom toàn bộ gia cầm chết và những con còn sót lại đưa đi tiêu hủy xa khu dân cư.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 100 lít hóa chất và 12 tấn vôi bột cho xã Yên Đồng (huyện Yên Mô), 20 lít hóa chất và 5 tạ vôi bột cho xã Phú Sơn (huyện Nho Quan) để các địa phương này vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi của các hộ.
Tiến hành điều tra, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc, rà soát tổ chức tiêm phòng bổ sung cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn xã Yên Đồng, xã Phú Sơn để bao vây, khống chế ổ dịch. Tổ chức cho các hộ nuôi gia cầm ký cam kết trong chăn nuôi; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Không bán chạy, không mua bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không sử dụng gia cầm ốm chết, tiến hành nuôi nhốt gia cầm, không thả rông. Khi gia cầm chết tiến hành thu gom xác để đem đi tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; thực hiện nghiêm việc tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, kịp thời khai báo khi phát hiện dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, huyện Nho Quan chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục mở rộng điều tra phát hiện dịch bệnh kịp thời trên đàn gia cầm của các hộ chăn nuôi và triển khai thống kê lại toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn.
Ngoài ra, 190.000 liều vắc xin cúm gia cầm cũng đã được cấp cho 2 huyện Yên Mô và Nho Quan để tổ chức tiêm phòng bổ sung và bao vây ổ dịch cho các đàn gia cầm trên địa bàn xã Yên Đồng, xã Phú Sơn và các khu vực lân cận 2 xã này. Đến hết ngày 6/5/2020, huyện Yên Mô đã tiêm 880.059 liều vắc xin cúm gia cầm, trong đó xã Yên Đồng tiêm được 379.676 liều, huyện Nho Quan tiêm được 423.755 liều, trong đó xã Phú Sơn tiêm được 17.200 liều.
Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: mặc dù các ổ dịch cúm gia cầm type A/H5N6 tại Nho Quan và Yên Mô đã được khống chế nhưng nguy cơ dịch phát tán hoàn toàn có thể xảy ra nếu người dân không duy trì và thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch. Kiểm soát, loại trừ vi-rút, các hộ chăn nuôi cần áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Hiện nay, tỉnh chỉ hỗ trợ kinh phí tiêm phòng cúm gia cầm cho đàn vịt, nhưng các hộ chăn nuôi gà vẫn phải có ý thức chủ động tự bỏ kinh phí tiêm phòng để bảo vệ sản xuất; thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun khử trùng chuồng trại.
Hà Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.