Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 27/05/2020
Ngày cập nhật:
30/5/2020
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị) giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020”, ngành chăn nuôi bò theo hướng zêbu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh phát triển mạnh mẽ, bền vững về quy mô và chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập và nâng cao cuộc sống người chăn nuôi.
Phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa đã nâng cao chất lượng đàn bò và mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi. Ảnh: MĐ
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Viễn cho biết, năm 2014, huyện xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh giai đoạn 2014-2015, định hướng đến năm 2020” nhằm đẩy mạnh cải tạo đàn bò theo hướng zêbu hóa bằng thụ tinh nhân tạo; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung thâm canh, nâng cao chất lượng đàn, kết hợp chăn nuôi công nghiệp với chăn nuôi truyền thống, tích cực cải tạo tầm vóc đàn bò theo hướng zêbu hóa; chăn nuôi gắn chặt với kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường; phát triển các trang trại, gia trại ngoài khu dân cư ở những vùng đã được quy hoạch; tìm đầu ra sản phẩm ổn định và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi; kiện toàn hệ thống mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở hoạt động nền nếp, chủ động việc gieo tinh nhân tạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó nâng cao tỉ lệ tiêm phòng, kiểm soát giết mổ chặt chẽ, đúng quy trình.
Đề án được triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả trong toàn huyện, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người chăn nuôi. Kết quả nổi bật của đề án đó là phương thức chăn nuôi bò từng bước được thay đổi, từ nuôi thả rông, tận dụng thức ăn tự nhiên chuyển dần sang nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt theo hướng trang trại, gia trại, bổ sung thức ăn tinh, trồng cỏ, nuôi vỗ béo; chủ động thực hiện liên kết trong tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, chăn nuôi bò phát triển mạnh mẽ trên toàn huyện, với số lượng đàn bò lên đến hơn 9.600 con. Trong đó, đề án zêbu hóa đàn bò tiếp tục được triển khai thực hiện đạt kết quả cao, đã phối giống được 1.724 con bò cái có chửa. Nhiều địa phương có tỉ lệ bò lai cao như: Hải Thái, Linh Hải, Gio Sơn, Gio An, Gio Quang, thị trấn Gio Linh... Sự phát triển của đàn bò theo hướng zêbu hóa đã tác động mạnh đến sự phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp trang trại, gia trại. Toàn huyện có 14 trang trại, có 145 gia trại mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm nhiều lao động địa phương và giảm áp lực ô nhiễm môi trường.
Hải Thái, một trong những địa phương đi đầu trong toàn huyện về phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa khi thai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở vùng gò đồi. Chủ tịch UBND xã Hải Thái Nguyễn Dư Anh cho biết, chăn nuôi bò, trong đó phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa được xác định là thế mạnh ở vùng gò đồi xã Hải Thái. Từ lợi thế đó, xã Hải Thái đã tăng cường tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân thay đổi tập quán trong chăn nuôi bò truyền thống trước đây để chuyển sang phát triển chăn nuôi bò theo hướng zêbu với quy mô trang trại, gia trại, bán công nghiệp; đồng thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân như cho thuê mượn đất để phát triển chuồng trại, trồng cỏ nuôi bò quy mô lớn, giúp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để thành lập và phát triển trang trại, gia trại nuôi bò; giúp người dân chủ động hợp tác, liên kết để giải quyết đầu ra ổn định... Bên cạnh đó, xã chỉ đạo cán bộ thú y triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, các cơ sở giết mổ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, xã Hải Thái đã thực hiện nghiêm túc theo đề án, đồng thời có sự điều chỉnh hợp lý, bổ sung nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và người chăn nuôi để thực hiện đề án zêbu hóa đàn bò rộng khắp, hiệu quả, qua đó đưa ngành chăn nuôi bò phát triển và tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người chăn nuôi về phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa. Hiện nay toàn xã có 1.685 con bò, trong đó thực hiện zêbu hóa là 998 con bò. Chăn nuôi bò theo hướng zêbu hóa đã khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng gò đồi, miền núi; nâng cao chất lượng đàn bò cũng như đầu ra sản phẩm ổn định, mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng, thôn Trường Trí, xã Hải Thái cho biết, năm 2017, được sự hỗ trợ của UBND xã Hải Thái, gia đình anh đầu tư số tiền hơn 270 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò theo hướng zêbu hóa kết hợp trồng cỏ trên diện tích 2,4 ha. Với sự nỗ lực trong phát triển chăn nuôi bò, đến nay gia đình anh đã có hơn 50 con, cho thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, anh còn phát triển chăn nuôi gà, vịt, lợn để đa dạng hóa mô hình kinh tế và có thêm một nguồn thu nhập nhằm đầu tư cho mô hình chăn nuôi bò. Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch UBND xã Gio Quang Lê Văn Thông cho biết, xác định tầm quan trọng của đề án cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận và phát triển đàn bò hiệu quả kinh tế cao theo hướng zêbu hóa, xã đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để hỗ trợ, khuyến kích người dân nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng zêbu hóa. Công tác thú y, tiêm phòng dịch bệnh và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi được quan tâm. Những việc làm này được người chăn nuôi đồng tình, hưởng ứng cao. Từ sự chỉ đạo sâu sát, đồng hành và hỗ trợ tích cực của chính quyền cùng việc thay đổi nhận thức, tham gia tích cực của người chăn nuôi nên đề án phát triển đàn bò theo hướng zêbu hóa được triển khai thực hiện hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có hơn 300 con bò, trong đó thực hiện nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng zêbu hóa đạt 221 con. Đây là cơ sở quan trọng để xã Gio Quang quyết tâm hoàn thành mục tiêu phát triển đàn bò lai có quy mô lớn hơn nữa, với tỉ lệ đạt 100% đàn bò theo hướng zêbu hóa, qua đó nâng cao chất lượng và quy mô đàn bò, góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mang đến nhiều đổi thay cho vùng nông thôn và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân.
Minh Đức
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.