• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 14/01/2020
Ngày cập nhật: 16/1/2020

Dẫn dụ chim yến có thể nói là nghề “một vốn, bốn lời”, bởi không cần đầu tư chăn nuôi, chỉ bỏ tiền xây nhà rồi dụ chim yến về sinh sống, làm tổ. Loài chim trời này hiện đang mang về nguồn thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi yến. Từ một vài hộ nuôi yến, đến nay việc đầu tư xây dựng nhà nuôi yến đã bắt đầu phát triển ở nhiều địa phương như các xã Gio Châu, Gio Hải, Gio Mỹ, Gio Việt, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong), thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), thành phố Đông Hà…

Một cơ sở nuôi chim yến của người dân ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: HTS

Khi hỏi về nguồn lợi nhuận mà chim yến mang lại, anh Phan Văn Trọng ở Khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho biết, anh là người tiên phong trong việc xây dựng nhà nuôi yến ở thị trấn Cửa Việt. Khoảng đầu năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra làm ảnh hưởng đến nghề sấy hấp cá của gia đình anh. Nguồn thu nhập của gia đình anh bị sụt giảm. Qua nhiều đêm trăn trở, cuối cùng anh quyết định chọn nghề xây dựng nhà nuôi yến. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ sách, báo, ti vi cũng như sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật của những người nuôi yến ở tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà mà anh quen biết, cuối năm 2016 anh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc phục vụ nuôi chim và bắt đầu dẫn dụ chim yến. Đến nay, cơ sở nuôi yến của anh Trọng có trên 200 cặp chim yến bố, mẹ về sinh sống, làm tổ. Từ năm 2016 đến năm 2018, anh chỉ mới “thu bói” tổ yến với thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng. Năm 2019, cơ sở nuôi yến của gia đình anh mới thực sự vào “chính vụ” với nguồn thu nhập mang lại khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm (giá tổ yến thô trên thị trường giao động khoảng 27 - 28 triệu đồng/ kg; tổ yến đã nhặt sạch lông có giá trên 30 triệu đồng/kg). Trong năm 2018, anh Trọng xây dựng thêm một nhà nuôi yến nữa với số tiền đầu tư hơn 2 tỉ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.

Anh Trọng cho biết: “Nuôi chim yến là nghề mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người nuôi, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ “trắng tay” cao. Và hiện nay, người nuôi yến chủ yếu là mang tính tự phát. Nhiều hộ nuôi yến khi bắt tay vào nuôi đã không nghiên cứu đầy đủ về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái cũng như tập tính sinh trưởng của loài chim yến. Dẫn đến việc một số hộ nuôi yến đầu tư nguồn vốn lớn để xây nhà nuôi yến xong, số lượng yến về làm tổ ít hoặc không về làm tổ. Rồi chim yến về làm tổ, nhưng đến mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm yến chết hàng loạt gây thiệt hại cho người nuôi yến...”.

Theo anh Trọng thì chim yến là loài chim ăn côn trùng bay gồm rầy nâu, rầy xanh, mối… trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Tổ yến có nhiều thành phần chất dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe… Qua kinh nghiệm nuôi yến của anh trong thời gian qua, thì khi xây dựng nhà yến, việc làm đầu tiên là chọn vị trí và khu vực tốt cho việc xây dựng ngôi nhà nuôi chim yến. Bởi vị trí và khu vực cho nhà nuôi yến rất quan trọng, quyết định chi phí xây dựng, quản lí, tốc độ phát triển bầy đàn cũng như năng suất, chất lượng tổ yến. Yếu tố tiếp theo là nhiệt độ trong nhà nuôi yến, bởi nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng đàn yến trong nhà.

Khi thiết kế và xây dựng nhà nuôi yến phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, làm sao cho nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ổn định ở mức 27 - 29 độ C (đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển). Một yếu tố nữa đó là ánh sáng trong nhà nuôi yến. Chim yến thường có xu hướng thích những góc tối, kín đáo, ấm, yếu tố này người nuôi yến phải chú ý khi tiến hành thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến. Nhà nuôi yến nên đặt theo hướng Đông - Tây hoặc Nam - Bắc. Ngoài các yếu tố trên thì hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến là vô cùng quan trọng. Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3…), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa gồm loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng, bộ điều khiển âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm…

Thực tế qua tìm hiểu một số mô hình nuôi chim yến ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, hấu hết các cơ sở nuôi chim yến đều mang tính tự phát và chưa có định hướng phát triển dài hạn…; sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; các nhà nuôi yến gây ra tiếng ồn từ thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến, với âm thanh lớn và khó nghe; tiềm ẩn nguy cơ về dịch cúm gia cầm… Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần phải định hướng quy hoạch nuôi chim yến trên cơ sở báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn; có các văn bản hướng dẫn kĩ thuật về xây dựng nhà nuôi yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học; quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đây cũng là căn cứ để xử lí vi phạm về tiếng ồn); có các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh.

HTS

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang