Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai, 10/06/2020
Ngày cập nhật:
13/6/2020
Từ định hướng của địa phương, nhiều hộ gia đình, trang trại trên địa bàn huyện Trảng Bom ( tỉnh Đồng Nai) áp dụng thành công mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chuồng lạnh và khép kín. Mô hình này được đánh giá ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm bệnh từ bên ngoài, từ đó hạn chế rủi ro trong chăn nuôi.
Một trang trại chăn nuôi gà lạnh tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom
Không lo dịch bệnh
Được đầu tư xây dựng từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng, trang trại gà đẻ của bà Trần Thị Nga (ấp Tân Lập, xã Cây Gáo) được xem là trang trại chăn nuôi gia cầm khép kín sớm và quy mô nhất ở huyện Trảng Bom. Không chỉ đầu tư chuồng lạnh, trang trại này còn có hệ thống quản lý nhiệt độ, ánh sáng, thức ăn, nước uống, thu hoạch trứng hoàn toàn tự động. Ngoài ra, hệ thống phun thuốc sát trùng và xử lý phân mỗi giờ được kích hoạt một lần trong 10 phút để ngăn ngừa vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào ảnh hưởng đến đàn gà, ngăn ngừa mùi hôi phát sinh do phân gà. Hiện tại, trang trại này có 40 ngàn con gà, trung bình mỗi ngày cho khoảng 35 ngàn quả trứng.
Theo chia sẻ của chủ trại, từ khi chuyển sang mô hình chăn nuôi chuồng lạnh, trang trại chưa từng xảy ra dịch cúm gà, không bị phát tán mùi hôi. “Nếu các trại gà công nghiệp đều áp dụng mô hình này và thị trường đầu ra ổn định, không chỉ người chăn nuôi có thể “sống chung” với dịch cúm, mà người tiêu dùng cũng an tâm vì được sử dụng sản phẩm an toàn” - bà Trần Thị Nga nói.
Ông Phan Văn Tươi, chủ 3 trại gà đẻ gần 60 ngàn con ở xã Sông Trầu cho biết, từ khi chuyển sang mô hình chăn nuôi lạnh, gia đình ông có thể “ăn ngon, ngủ yên” trước các đợt dịch cúm và đặc biệt không phải lo lắng thời tiết thay đổi thất thường làm gà chết nhiều như trước. Theo ông Tươi, nhiệt độ trong trại chăn nuôi được vận hành bằng cảm ứng nhiệt. Tùy theo từng độ tuổi của gà, người quản lý trại sẽ nhập nhiệt độ thích hợp vào hệ thống và hệ thống sẽ tự động tăng nhiệt độ khi trời mưa hoặc kích hoạt hệ thống làm mát khi nhiệt độ xung quang tăng cao để đảm bảo nhiệt độ bên trong ổn định.
Ông Trần Bá Lợi (ấp Tân Lập 2, xã Cây Gáo) chia sẻ, do hợp đồng chăn nuôi với một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên ông mạnh dạn đầu tư hệ thống trại lạnh. Toàn bộ con giống, thức ăn, kỹ thuật đều được doanh nghiệp hỗ trợ, khi xuất bán, doanh nghiệp trả tiền công cho ông tùy theo trọng lượng của heo.
“Trước đây tôi tự bỏ vốn, tự bỏ công, lúc xuất heo được giá thì trúng rất lớn, ngược lại, chỉ cần một đợt dịch bệnh hoặc heo rớt giá, tôi thành “con nợ” của ngân hàng. Từ khi đầu tư chuồng lạnh và hợp đồng chăn nuôi với doanh nghiệp, rủi ro giảm đáng kể. Đặc biệt, sau dịch tả heo châu Phi này mới thấy, chăn nuôi theo mô hình chuồng kín và liên kết với doanh nghiệp giúp người nông dân hạn chế được tổn thất lớn do dịch bệnh, học hỏi được nhiều kinh nghiệm” - ông Lợi nói.
Đầu tư lớn, hiệu quả cao
Một trang trại chăn nuôi gà lạnh tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom
Theo các trang trại, chi phí đầu tư ban đầu cho chuồng lạnh theo tiêu chuẩn an toàn sinh học rất cao, thường gấp 3 lần chuồng hở, nặng nhất là trần, hệ thống làm mát và cảm biến. Tuy nhiên, nếu tính toán một cách đầy đủ và dài hạn, chi phí nuôi gà chuồng lạnh lại thấp hơn chuồng hở và hiệu quả chăn nuôi chuồng kín cao hơn nhiều so với mô hình chuồng hở.
Ông Phan Văn Tươi, một hộ chăn nuôi gà phân tích, cùng quy mô đàn 10 ngàn con gà, vốn đầu tư ban đầu đối với loại chuồng hở vào khoảng 200 triệu đồng, nhưng thời gian sử dụng chỉ 3 năm, hết thời hạn này phải làm chuồng lại. Trong khi đó, chi phí chuồng lạnh khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng, thời gian sử dụng 10-15 năm. Tính bình quân cho phí chuồng trại mỗi năm ngang nhau, thậm chí chi phí chuồng kín còn thấp hơn. Bên cạnh đó, chăn nuôi chuồng kín với hệ thống phun khử trùng giúp môi trường xung quanh không bị ô nhiễm, hạn chế dịch bệnh.
Ông Đoàn Xuân Trường, Trưởng phòng Kinh tế huyện Trảng Bom cho biết, mô hình chăn nuôi chuồng lạnh (nuôi heo, gà, chim cút) đã và đang được nhiều hộ, trang trại trên địa bàn áp dụng. Các trại quy mô nhỏ đa phần tự đầu tư xây dựng chuồng, một số trại lớn thì hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư. Cả 2 hình thức này đều đang đem lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi, hạn chế được rủi ro dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Cũng theo ông Trường, huyện Trảng Bom đã được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh đối với gia cầm. Riêng đối với gia súc, sau đợt dịch tả heo châu Phi, 100% các hộ, trang trại chăn nuôi tái đàn phải đáp ứng yêu cầu an toàn sinh học vùng chăn nuôi, tức là phải đầu tư chuồng lạnh và chăn nuôi khép kín. Trường hợp các hộ, trại không đáp ứng được yêu cầu trên sẽ không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi, khi xảy ra dịch bệnh không được hỗ trợ. “Sắp tới, quy định an toàn sinh học vùng chăn nuôi được siết chặt, số lượng các chuồng lạnh trên địa bàn huyện sẽ tăng đáng kể. Đây là cơ sở để huyện hình thành vùng chăn nuôi chuẩn an toàn sinh học” - ông Trường nói.
Nam Vũ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.