• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ dự án chăn nuôi bò tạo sinh kế bền vững cho ngư dân

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 12/06/2020
Ngày cập nhật: 14/6/2020

Với mục đích hỗ trợ ngư dân ứng dụng thành công các tiến bộ KHKT trong chăn nuôi bò, giúp có thêm sinh kế bền vững bên cạnh nghề biển, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh đã triển khai dự án: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân ở vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”.

Chăn nuôi bò quy mô hộ tham gia dự án tại Hải An, Hải Lăng. Ảnh: HVA

Dự án được triển khai từ năm 2018 thuộc Chương trình nông thôn miền núi đầu tư tại 8 xã của 4 huyện vùng biển của tỉnh chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển gồm các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch (cũ) (huyện Vĩnh Linh); Trung Giang, Gio Hải (Gio Linh); Triệu Vân, Triệu Lăng (Triệu Phong); Hải An, Hải Khê (Hải Lăng). Để dự án triển khai đầy đủ, đúng đối tượng, hiệu quả, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị đã tiến hành rà soát, đánh giá các địa phương tham gia về tình hình đất đai, dân số, lao động, số hộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, tình hình chăn nuôi, khả năng phát triển nuôi bò, nhu cầu chuyển đổi sinh kế…UBND các xã hưởng lợi đã thành lập Ban quản lý dự án có sự tham gia của các tổ chức chính trị- xã hội. Có xã như xã Hải An, Hải Lăng mỗi tổ chức và đơn vị đỡ đầu 1 hộ và sau đó đánh giá kết quả chăn nuôi của từng hộ rồi so sánh giữa các hộ; xã Triệu Lăng (Triệu Phong) và Vĩnh Thạch (cũ) (Vĩnh Linh), UBND xã thỏa thuận thống nhất sau khi bò cái của mô hình sinh sản của hộ chăn nuôi nông hộ sẽ chuyển giao lại cho UBND xã 1 bê cái và hộ chăn nuôi gia trại chuyển giao cho UBND xã 2 bê cái đạt 10-12 tháng tuổi để chuyển giao cho hộ khác tiếp tục thực hiện mô hình.

Thông qua các cuộc họp dân, chọn hộ, các nội dung, mục tiêu và định mức hỗ trợ, yêu cầu vật tư đối ứng của người dân tham gia mô hình được thông tin và triển khai đầy đủ, minh bạch. Các hộ tham gia mô hình có ràng buộc theo các quy định của dự án về tổ chức thực hiện các nội dung, tiếp nhận quy trình công nghệ, vật tư đối ứng, đảm bảo quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng theo hướng dẫn của dự án.

Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong chỉ đạo thực hiện dự án. Trung tâm cũng lựa chọn, ký kết hợp đồng với khuyến nông viên hoặc thú y xã trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật cho dự án. Các cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ năng tốt và nhiệt tình, được đào tạo đầy đủ các quy trình công nghệ về chăn nuôi bò. Các lớp tập huấn đã tổ chức bài bản; nội dung, phương pháp tập huấn gắn lý thuyết với thực hành nên đã thu hút được học viên tham gia tích cực. Do vậy sau tập huấn, tất cả học viên đều nắm chắc các quy trình, công nghệ và thực hành một cách thành thạo.

Bò giống sau khi tiếp nhận được các hộ chăn nuôi chăm sóc, nuôi dưỡng đầy đủ theo đúng các quy trình, công nghệ dưới sự chỉ đạo của các cán bộ kỹ thuật, sự hỗ trợ thường xuyên của cơ quan chuyển giao công nghệ, sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ trì, đàn bò đã thích nghi tốt, tăng trọng nhanh.

Sau 2 năm thực hiện, dự án đã tiếp nhận và chuyển giao thành công 7 quy trình chăn nuôi bò và 5 quy trình sản xuất chế phẩm vi sinh vật dùng trong chăn nuôi cho cán bộ kỹ thuật và người dân vùng ven biển. 8 hộ được lựa chọn để xây dựng 8 mô hình chăn nuôi bò thâm canh gia trại gồm chọn lựa đàn bò cái lai, bò thịt, bò vỗ béo; cải tạo chuồng trại; thực hiện phối giống bằng thụ tinh nhân tạo; thực hiện các kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bò cái sinh sản, bò thịt thâm canh và bò vỗ béo. Mỗi hộ nuôi tối thiểu 4 bò cái sinh sản, 3 bò thịt và 3 bò vỗ béo/lứa. Để thực hiện nuôi bò, các hộ được hỗ trợ trồng cỏ và chuyển giao cách thức chế biến thức ăn cho bò. Mỗi hộ trồng tối thiểu 5 sào cỏ và chế biến 10 m3 thức ăn thô xanh ủ chua.

Ở quy mô nông hộ, xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản bán thâm canh tại 48 hộ với mức 2 con/hộ. Đồng thời, xây dựng vùng giống bò bước đầu có gần 130 bò cái sinh sản, hằng năm sản xuất trên 100 bò giống chất lượng cao phục vụ nuôi bò cho ngư dân ven biển. Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị tổ chức tiếp nhận quy trình công nghệ và sản xuất chế phẩm vi sinh dùng trong chăn nuôi để chuyển giao lại cho nông dân. Các hộ được lựa chọn là các hộ đang chăn nuôi bò với quy mô khá hoặc có khả năng đầu tư nguồn vốn đối ứng để đảm bảo quy trình nuôi bò và có nguyện vọng tham gia dự án. Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn cho 10 cán bộ cơ sở và 200 lượt nông dân về quy trình và kỹ thuật chăn nuôi bò như: Kỹ thuật trồng, quản lý và sử dụng cỏ cao sản làm thức ăn cho bò; kỹ thuật nuôi bò sinh sản bán thâm canh, vỗ béo bò thịt; kỹ thuật chế biến, bảo quản phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; phòng chống dịch bệnh... Dự án cũng hỗ trợ một phần thức ăn tinh và thuốc thú y để phòng trị bệnh cho bò.

Dự án đã mang lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, môi trường và xã hội. Đối với nuôi nông hộ, lợi nhuận nuôi 2 con bò cái sinh sản thu được 35,5 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi thu nhập từ phân bón 800.000 đồng/m3 . Các hộ tự phát triển đàn sau lứa sinh sản thứ nhất, một số hộ mua thêm bò để bổ sung tăng đàn. Mặt khác, các hộ tận dụng thức ăn tinh tự sản xuất, giá rẻ thì lợi nhuận cao hơn. Đối với nuôi gia trại, nuôi 4 con bò cái sinh sản đạt lợi nhuận bình quân 72,7 triệu đồng/hộ/năm. Đối với vỗ béo bò, lợi nhuận sau thời gian thực hiện dự án đạt gần 48 triệu đồng mỗi mô hình. Hiệu quả kinh tế đối với từng phương thức và quy mô nuôi, ngoài số bò do dự án hỗ trợ, nhờ áp dụng các quy trình, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ chế biến thức ăn thì tăng hiệu quả kinh tế so với phương thức nuôi hiện tại lên khoảng 30%. Dự án sản xuất và cung ứng được một số lượng khá bò giống chất lượng tốt phục vụ chăn nuôi bò trên địa bàn. Việc áp dụng các công nghệ chăn nuôi như chế biến và dự trữ thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, góp phần giải quyết thức ăn cho bò trong những mùa rét, làm giảm tối đa dịch bệnh cho bò.

Về hiệu quả xã hội, dự án mở ra một hướng sản xuất mới, sử dụng được tiềm năng sẵn có, lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân. Dự án là mô hình để người chăn nuôi ở địa phương học tập và làm theo, từ đó thay đổi được tập quán, phương thức chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Dần dần hình thành được nghề nuôi bò theo hướng thâm canh.

Về hiệu quả môi trường, dự án sử dụng chế phẩm vi sinh ủ phân chuồng, vừa có phân hoai mục chất lượng để trồng trọt vừa giảm ô nhiễm môi trường. Công nghệ ủ xanh, ủ chua, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò vừa đảm bảo được nguồn thức ăn thường xuyên, chất lượng cho bò vừa hạn chế hiện tượng đốt, vứt bỏ phế phụ phẩm nông nghiệp, giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường; bảo vệ và cải tạo nguồn tài nguyên đất canh tác. Chăn nuôi bò sẽ cung cấp phân hữu cơ có tác dụng cải tạo đất, nâng cao độ phì và cải thiện tính chất cơ lý của đất, nhờ vậy đất không bị thoái hoá, bạc màu ở vùng đất cát ven biển.

Với những hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của dự án mang lại thì khả năng nhân rộng dự án trên địa bàn là rất cao. Từ đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng cát và tạo sinh kế bền vững cho ngư dân vùng biển.

Trần Anh Minh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang