Nguồn tin: Báo Phú Yên, 20/06/2020
Ngày cập nhật:
22/6/2020
Nắng nóng nên Mí Nai xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) nhốt bò tại chuồng, cho ăn rơm mà không thả ra ngoài. Ảnh: TRUNG HIẾU
Thời tiết đang vào mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Vì vậy, người chăn nuôi chủ động chăm sóc nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống
Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, để giúp vật nuôi có sức khỏe, đề kháng phòng chống bệnh dịch, người chăn nuôi trong tỉnh đang tập trung chăm sóc, cung cấp đầy đủ thức ăn và nước uống cho vật nuôi. Theo ông Trần Thanh Hoài ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa), mấy tháng qua, thời tiết khô hạn khiến nhiều giếng nước trong vùng cạn nước. Bây giờ để đàn bò có đủ nước uống, gia đình ông phải đưa bò vào rẫy nhốt, tận dụng nguồn nước suối cho bò uống. Còn bà Lê Thị Thành ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), cho biết: Ngoài việc cho ăn đầy đủ theo khẩu phần, tôi còn tăng cường bổ sung thêm các loại vitamin và khoáng cho đàn heo để nâng cao sức khỏe cho chúng.
Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: Thời tiết nắng và khô rốc, vật nuôi có xu hướng giảm ăn khiến cơ thể gầy ốm, suy kiệt dễ bị nhiễm bệnh. Để hạn chế thiệt hại, phòng đã hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc vật nuôi. Đặc biệt mùa này khẩu phần ăn của vật nuôi nên được điều chỉnh tăng nhiều thức ăn giàu đạm, giảm chất béo và tinh bột. Trong những đợt nắng gay gắt, người nuôi có thể tăng cường các loại thức ăn rau xanh, bổ sung thêm một số loại vitamin và muối khoáng bồi bổ cho vật nuôi.
Tại các huyện miền núi, người chăn nuôi ở đây cũng có nhiều giải pháp ứng phó giúp đàn gia súc phát triển ổn định. Theo Mí Nai ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), vì nhà mí trồng ít cỏ nên bò ăn từ tháng 3 đến nay đã hết. Hiện mí phải mua rơm cho bò ăn, mỗi cuộn có giá 30.000 đồng. Tuy tốn kém nhưng nhờ có đủ thức ăn nên bò khỏe mạnh, không bị suy kiệt và chết như những năm trước.
Còn Ma Yên ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), cho biết: Gia đình tôi nuôi 7 con bò, thông thường sẽ đưa bò ra đồng cỏ tập trung để ăn, nhưng từ tháng 4 đến nay, nắng gắt nên cỏ chẳng còn, gia đình nhốt bò tại chuồng, cho ăn rơm và cỏ trồng quanh nhà.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh cho hay: Địa phương có khoảng 16.000 con bò, nuôi tập trung ở các xã Ea Trol, Ea Bia, Ea Bá... với phương thức thả rông, phụ thuộc cỏ tự nhiên. Hàng năm, vào mùa nắng, nguồn cỏ tự nhiên chết rụi, đàn bò thiếu thức ăn. Để ứng phó với tình trạng này, từ mùa mưa năm trước, huyện hướng dẫn bà con thu gom đọt mía, thân, lá sắn, rơm rạ sau các mùa vụ để ủ chua, tích trữ cho bò ăn. Đồng thời hướng dẫn, vận động bà con trồng cỏ để có nguồn thức ăn tươi, xanh cho bò. Nhờ chuẩn bị từ sớm nên hầu hết gia đình đều có nguồn thức ăn tích trữ cho gia súc trong những đợt nắng nóng cao điểm vừa qua.
Và giải nhiệt
Với kinh nghiệm hơn chục năm nuôi gà, ngay từ đầu tháng 3 khi mùa nóng bắt đầu, gia đình ông Nguyễn Gian Phúc ở xã An Chấn (huyện Tuy An), chủ động mua bạt che mái chuồng, bổ sung thêm máng nước và lắp một số quạt gió thông khí cho trại gà. Nhờ vậy, đàn gà hơn 500 con của gia đình ông phát triển tốt, không phát sinh dịch bệnh. Ông Phúc cho biết: Gà là vật nuôi rất nhạy cảm với thời tiết nóng. Khi trời nóng, gà sẽ giảm ăn, làm giảm sức đề kháng, dễ bệnh nên tôi phải làm nhiều cách để giảm nhiệt cho khu trại. Ngoài ra, trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, tôi vệ sinh chuồng trại nuôi kỹ lưỡng và thường xuyên hơn trước. Vì với thời tiết nóng, chất thải vật nuôi nếu không được thu gom thì dễ gây nên tình trạng yếm khí, phát sinh khí nóng trên nền chuồng khiến vật nuôi dễ bị bệnh.
Tương tự, hiện những hộ nuôi heo cũng áp dụng nhiều giải pháp giảm nhiệt chuồng trại. Bà Nguyễn Thị Hồng nuôi heo ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho hay: Để gầy lại được đàn heo giống 6 con này, gia đình tôi phải chi gần 20 triệu đồng, đây là số vốn rất lớn nên chúng tôi rất sợ heo nhiễm bệnh. Vì vậy, khi thời tiết nắng nóng, tôi thường xuyên vệ sinh chuồng, tưới mái và tắm heo để giảm nhiệt, giúp heo mát mẻ, ăn uống tốt, đảm bảo tăng trọng, không bệnh tật. Ngoài ra, gia đình còn chú trọng tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine để phòng dịch. Nỗi lo duy nhất lúc này là dịch tả heo châu Phi quay lại vì chưa có vaccine và thuốc điều trị.
Tại các huyện miền núi, khu vực phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc, trong lúc nắng nóng, người chăn nuôi chọn cách hạn chế chăn thả gia súc ra các đồng xa và vào các thời điểm nắng gắt. Mí Nai ở xã Ea Chà Rang, cho biết: Để đàn bò khỏi bị suy kiệt, thời gian gần đây, nhà mí không đưa bò đi ăn đồng nữa mà nuôi nhốt tại chuồng. Mí còn dùng cành cây trải trên mái chuồng để giảm nóng cho vật nuôi nên đàn bò vẫn khỏe mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm: Thời tiết đang nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát sinh gây dịch trên đàn vật nuôi. Mùa này, trên đàn gia súc thường xảy ra các loại bệnh như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, bệnh heo tai xanh và tiêu chảy... Đàn gia cầm thường phát bệnh tụ huyết trùng, cầu trùng, phân trắng, khô chân, tả. Ngành Thú y đã thực hiện tiêm phòng vắc xin và đang tổ chức tiêm vét đợt cuối. Chi cục đã chỉ đạo các địa phương rà soát, theo dõi các điểm dịch cũ, khu vực chăn nuôi tập trung; đồng thời tăng cường kiểm soát việc mua bán tại các chợ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện xử lý nếu có dịch bệnh.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.