Nguồn tin: Báo Thái Bình, 29/06/2020
Ngày cập nhật:
1/7/2020
Do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Thái Bình bị thiệt hại nặng nề về kinh tế. Với mong muốn khôi phục chăn nuôi để có thêm thu nhập, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá gia cầm giảm sâu khiến người chăn nuôi chồng chất khó khăn.
Người chăn nuôi cần có kế hoạch tái đàn hợp lý, tránh tái đàn ồ ạt.
Trước khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Đặng Văn Tuyệt ở thôn Nguyên Kinh 2, xã Minh Quang (Kiến Xương) thường xuyên nuôi từ 80 - 100 con lợn nái, lợn thịt cùng hàng nghìn con gia cầm các loại. Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến gia đình ông phải tiêu hủy hơn 40 con lợn, số lợn khỏe mạnh còn lại bán với giá rẻ để “vớt vát” lại đồng vốn nên tính ra thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Ông Tuyệt cho biết: Nguồn thu chính của gia đình chủ yếu từ chăn nuôi lợn, không đành lòng để chuồng trại bỏ trống nên tôi cải tạo lại chuyển sang nuôi gia cầm. Trước đây, tôi chỉ nuôi khoảng 3.000 con ngan, gà, vịt, từ sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, đàn gia cầm tăng lên hơn 5.000 con, trong đó có 2.000 con gà, 3.000 con vịt. Từ trước tới giờ, tôi chỉ nuôi giống gà ri lai chọi vì cho chất lượng thịt thơm ngon, giá cả ổn định, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, giá gà xuống thấp, thương lái chỉ thu mua với giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg thay vì 85.000 - 90.000 đồng/kg như trước đây. Tương tự như vậy giá vịt giảm từ 45.000 - 50.000 đồng/kg xuống còn 25.000 - 30.000 đồng/kg. Giá giảm nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó khăn, thương lái chỉ thu mua cầm chừng vì họ giải thích lượng tiêu thụ rất chậm trong khi nhiều người gọi điện chào mời. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, bớt thiệt hại vì rớt giá, tôi cắt giảm thức ăn công nghiệp, tận dụng thân cây chuối, các loại rau thái nhỏ trộn với cám gạo cho gia cầm ăn, đồng thời rao bán trên mạng xã hội và trực tiếp mang đi giao cho khách khi có nhu cầu.
Không chỉ những hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ “lao đao” khi gia cầm rớt giá mà những trang trại chăn nuôi với số lượng lớn, có liên kết với đơn vị tiêu thụ cũng gặp khó khăn tương tự. Trước đây, trang trại của gia đình ông Vũ Viết Sơn ở thôn Hạ Phán, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) mặc dù nuôi tới 14.000 con gà thương phẩm nhưng không phải lo đầu ra vì nhiều cơ sở chế biến thực phẩm ở ngoài tỉnh luôn tự tìm đến ký hợp đồng thu mua gà. Song từ đầu năm đến nay, giá gà giảm nhưng vẫn khó bán, ông Sơn phải đôn đáo tìm thương lái trong tỉnh để mời mua gà. Theo ông Sơn: Từ sau tết, giá gà liên tục giảm từ 80.000 đồng/kg xuống 65.000 đồng/kg, có lúc chỉ còn 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, thời điểm thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở chế biến thực phẩm đã dừng hợp đồng thu mua gà khiến trang trại bị thua lỗ. Tính ra mỗi tháng bị lỗ 45 triệu đồng do phát sinh chi phí thức ăn, thuốc men, nhân công. Hiện tại số lượng gà nuôi quá lứa còn nhiều mà chưa tiêu thụ được, càng nuôi lâu càng lỗ vì hàng ngày vẫn phải cho ăn nhưng gà không tăng thêm trọng lượng, thậm chí còn hao hụt do ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Hiện nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh có hơn 14 triệu con. Nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm là do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ chăn nuôi ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm nên tổng đàn tăng mạnh, nguồn cung dư thừa so với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một số địa phương nên người tiêu dùng “dè chừng” với loại thực phẩm này. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dịch vụ kinh doanh ăn uống ngừng hoạt động, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, chợ bán thực phẩm cũng cung cấp cầm chừng nên việc tiêu thụ gia cầm vốn đã chật vật nay lại càng khó khăn hơn. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm khi tăng đàn cần xem xét, tính toán nguyên lý cung cầu của thị trường, cân nhắc quy mô đầu tư cho phù hợp, không nên chăn nuôi theo phong trào; đồng thời, đổi mới phương thức chăn nuôi, đẩy mạnh xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; chọn đối tượng cung ứng, tìm đầu ra cho sản phẩm để bảo đảm chăn nuôi gắn liền với thị trường tiêu thụ; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Đặc biệt, trong thời điểm giá thịt lợn đang tăng cao mà giá gia cầm lại giảm như hiện nay, người tiêu dùng nên lựa chọn thịt gia cầm làm thực phẩm cho gia đình nhằm tiết kiệm chi phí và chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
Minh Quân
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.