Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 30/06/2020
Ngày cập nhật:
3/7/2020
Cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc đúng quy trình, với quy mô đàn bò sữa 25 con, sản lượng sữa từ 4 - 5 tạ mỗi ngày, trung bình mỗi tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng ở thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) có thu nhập 150 triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hằng có thu nhập cao từ chăn nuôi bò sữa.
Hệ thống chuồng trại kiên cố, sạch sẽ, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông; nhiều loại máy móc hiện đại được đầu tư phục vụ sản xuất..., bấy nhiêu thôi, cũng nói lên sự đầu tư bài bản trong nghề chăn nuôi bò sữa của vợ chồng chị Hằng, một trong số các hộ thuộc “top” đầu về doanh thu bán sữa ở vùng quê Vĩnh Thịnh.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hằng cho biết, năm 2003, vợ chồng chị tập trung làm việc tại xưởng mộc của gia đình. Mặc dù có thu nhập khá, song do hàng ngày phải tiếp xúc với bụi gỗ, mùn cưa độc hại và nhận thấy hiệu quả kinh tế từ các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương, năm 2012, gia đình chị quyết định chuyển sang nuôi bò sữa với vốn liếng “dắt lưng” ban đầu là 2 con bò theo hình thức đầu tư, trả dần với Công ty cổ phần Sữa Quốc tế.
Năm 2013, sau khi mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, vợ chồng chị mở rộng diện tích chuồng trại, tăng số lượng bò lên 4 con. Do nuôi nhốt, sức đề kháng thấp, cộng thêm việc chưa có kinh nghiệm, nên đàn bò hay mắc các bệnh về chân, móng....
“Nhiều hôm đi ngủ không để ý, lúc gần sáng trở dậy, bò bị bệnh tụ huyết trùng, chết từ lúc nào không biết... Thậm chí, có thời điểm gia đình bị thiệt hại tới 300 triệu đồng”- chị Hằng chia sẻ.
Khó khăn là thế, nhưng vợ chồng chị Hằng không nản chí mà dành nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật chăm sóc bò sữa trên mạng internet, qua sách báo và rút kinh nghiệm từ bản thân, họ hàng, anh em cùng nuôi bò ở địa phương, cộng sự hỗ trợ từ cán bộ thú y địa phương, dần dà mọi việc trở nên thuận lợi hơn. Được ngân hàng tạo điều kiện cho vay thêm 600 triệu đồng, vợ chồng chị tiếp tục mua thêm bò, đến nay lên tới 25 con.
Chị Hằng cho biết, để có đàn bò khỏe mạnh, cho sản lượng sữa đều và tốt cần rất nhiều yếu tố. Ngoài việc chọn con giống tốt, đầu tư hệ thống làm mát chống nóng cho bò, đệm nền chuồng để hạn chế bệnh viêm móng thì cần tiêm định kỳ các loại vắc xin phòng bệnh.
Hàng ngày, hai vợ chồng chị phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, vắt sữa bò 2 lần, cho bò ăn 3 lần và công việc thường kết thúc lúc 6 - 7 giờ tối. Thức ăn hàng ngày ngoài cỏ voi, ngô ủ và cám do công ty thu mua sữa cấp, gia đình chị bổ sung thêm các loại đậu tương, bã bia... để tăng sức đề kháng cho bò và cho chất lượng sữa tốt hơn.
Với quy mô đàn lớn, ngoài diện tích đất sẵn có của gia đình, vợ chồng chị phải thuê thêm đất của bà con trong thôn để trồng cỏ voi, đảm bảo thức ăn sạch cho đàn bò và đủ cỏ để dự trữ vào mùa đông.
Hiện nay, diện tích trồng cỏ voi của gia đình chị đã lên tới 5 mẫu. Để giảm thời gian, tiết kiệm công sức trong quá trình chăm sóc, gia đình chị Hằng tiếp tục đầu tư mua các loại máy thái cỏ, máy vắt sữa, máy trộn hỗn hợp có công suất lớn. Công việc không quá vất vả nhưng yêu cầu người nuôi phải luôn chân luôn tay, đảm bảo chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát để bò không bị mắc bệnh.
Thời gian vắt sữa được vợ chồng chị “căn” gần sát với thời gian công ty sữa thu mua hàng ngày để hạn chế lượng vi khuẩn gây hại, đảm bảo chất lượng sữa tốt nhất, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt mà đơn vị Công ty cổ phần Sữa Cô gái Hà Lan đưa ra.
Vất vả là thế, nhưng bù lại, theo chị Hằng, so với việc chăn nuôi các con vật khác như gia cầm và lợn, thu nhập từ nuôi bò sữa rất ổn định, trung bình từ 12 nghìn đồng/kg, hộ ít vài ba con cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm từ việc bán sữa. Riêng với gia đình chị, với quy mô 25 con đang cho khai thác sữa như hiện nay, sản lượng sữa lên tới 4 - 5 tạ/ngày, với giá bán 14 nghìn đồng/kg, trung bình cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Hằng cho biết: “Thực tế cho thấy, việc nuôi bò sữa mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi giá sữa luôn ổn định và ít xảy ra dịch bệnh. Nhất là trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, trong khi nhiều loại thịt, trứng gia cầm rớt giá, giá lợn lên xuống thất thường và xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, chăn nuôi bò sữa ở địa phương vẫn ổn định, giá sữa vẫn đạt ở mức cao và cho các hộ nuôi bò sữa như gia đình tôi thu nhập khá. Nếu việc đưa bò sữa ra ngoài khu dân cư thành công sẽ giúp nghề chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững hơn”.
Tâm sự về định hướng trong thời gian tới, chị Hằng cho biết, tháng 8 này, trời vào thu mát và dễ chịu hơn, gia đình chị sẽ mua thêm bò, tăng quy mô đàn lên 30 con để tăng thu nhập.
Bài, ảnh: Hồng Nhật
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.