Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 15/07/2020
Ngày cập nhật:
16/7/2020
Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất Thái Nguyên, anh Nguyễn Hồng Phong, sinh năm 1979, ở xóm Cao Sơn 1, xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) đã đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn tại xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Ngoài ra, anh còn hợp tác đầu tư với nhiều trang trại chăn nuôi khác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, từ việc chăn nuôi, mỗi năm anh Phong thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm (đại học Thái Nguyên), đi làm được 7 năm, đến năm 2010, anh Phong mua đất đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà gia công, quy mô 16.000 con/lứa tại xóm Ao Rôm 1, xã Khe Mo (Đồng Hỷ). Thời điểm đó, bình quân mỗi lứa, anh thu lãi 50triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, một thời gian sau, anh tiếp tục xây dựng thêm 2 trang trại gà có quy mô tương tự cùng địa điểm trên.
Năm 2018, sau khi chuyển nhượng cả 3 trang trại cho người chú và em ruột, anh Phong bắt đầu mua đất đồi có diện tích 25.000m2 tại xóm Khe Mo 1 cùng xã để xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi mới. Với diện tích trên, anh đã xây dựng 4 khu chuồng trại (quy mô 10.000 con/trại) chăn nuôi hiện đại, tự động. Anh Phong cho biết: Tất cả hệ thống chăn nuôi trong chuồng đều được lắp đặt tự động. Nếu như trước đây, người lao động phải đến từng máng để đổ thức ăn cho gà thì nay chỉ cần đứng một chỗ, thức ăn, nước sẽ tự động chuyển tới các máng, khay chăn gà. Điều này không chỉ tiết kiệm tối đa chi phí nhân công lao động mà tránh việc rơi vãi, gây lãng phí thức ăn.
Hiện nay, với việc nuôi 40.000 con gà lông trắng, sau khi trừ các chi phí, mỗi lứa gia đình anh Phong có thể thu lãi hơn 200 triệu đồng, mỗi năm thu lãi 1 tỷ đồng. Hiện nay, ngoài giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên với thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng, anh Phong còn hợp tác đào tạo với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Các sinh viên năm 3, 4 của Nhà trường sẽ đến trang trại để học tập các kiến thức, kinh nghiệm trong chăn nuôi. Ngược lại, trang trại gà của anh Phong có thêm lao động hỗ trợ trong việc chăm sóc đàn gà.
Em Lò Thúy Hằng, sinh viên năm 3 Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Đến đây, em học được rất nhiều kiến thức về chăn nuôi, hiểu rõ từng loại bệnh và cách chữa trị ở vật nuôi trong mỗi giai đoạn... Ngoài ra, em cũng được hỗ trợ tiền công với mức 3 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, anh Phong đang hợp tác với 7 trang trại chăn nuôi giống gà hậu bị bố mẹ trên địa bàn tỉnh với hình thức đầu tư một phần kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc xin, kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho các trang trại... Các trang trại này nuôi gà bố mẹ đến một giai đoạn nhất định, khi gà chuẩn bị đẻ trứng sẽ xuất bán cho các trang trại sản xuất gà giống. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới của mình, anh Phong cho biết thêm: Thời gian tới, tôi tiếp tục duy trì quy mô chăn nuôi như hiện nay, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm gà giống cũng như gà thịt, từ đó góp phần tăng thu nhập.
Chung An
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.