Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 17/07/2020
Ngày cập nhật:
18/7/2020
Nếu như trước đây, người chăn nuôi nói chung thường chịu nhiều rủi ro do thị trường biến động, hay thấp thỏm lo lắng do ảnh hưởng dịch bệnh khôn lường, thì nay, chăn nuôi gia công công nghệ cao có liên kết là hướng đi mở ra nhiều triển vọng, mang lại lợi ích kinh tế bền vững. Tuy nhiên, để mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao ngày càng phát triển theo xu thế hiện nay, tạo cơ hội cho nông dân làm giàu, Bố Trạch cần có những quyết sách kịp thời…
Tín hiệu khả quan
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 7 mô hình chăn nuôi lợn gia công công nghệ cao, liên kết với các công ty lớn, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, thuận lợi cho người nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường. Mặc dù thị trường biến động, nhưng các mô hình chăn nuôi gia công vẫn đứng vững và ngày càng mở rộng, phát triển. Đặc biệt, thời gian vừa qua, khi giá thịt lợn tăng, một số mô hình trên địa bàn đã mạnh dạn bứt phá, tìm đối tác mới, thu được lợi nhuận cao hơn nhiều lần.
Năm 2016, anh Hồ Thanh Hải (ở xã Sơn Lộc) bắt đầu từ hợp đồng chăn nuôi lợn thịt áp dụng công nghệ cao với Công ty CP Việt Nam (VN). Với diện tích 10ha đất trên địa bàn xã Cự Nẫm, anh Hải xây dựng trang trại đạt chuẩn chăn nuôi với quy mô 2.000 con lợn thịt/lứa; tổng vốn đầu tư ban đầu trên 4 tỷ đồng. Hệ thống chuồng trại được xây dựng theo thiết kế đạt chuẩn của Công ty CP VN đặt ra, bảo đảm vệ sinh môi trường, với 4 dãy chuồng, 28 ô chuồng, có hệ thống làm mát, máng uống tự động, máng ăn bán tự động…
Chăn nuôi gia công công nghệ cao có liên kết là hướng đi mở ra nhiều triển vọng.
Trang trại chăn nuôi của anh Hải hoạt động ổn định. Công ty CP VN cung cấp giống, thức ăn, thuốc thú y và thu mua lợn hơi với giá 3.500 đồng/kg. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm, anh Hải xuất bán 2 lứa lợn thịt; tổng giá trị thu vào là 1,4 tỷ đồng/năm. Từ mô hình này, trang trại của anh Hải giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, với mức lương 7,2 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí điện, nước, khấu hao chuồng trại và lương cho công nhân, mỗi năm, gia đình anh Hải thu được 800 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, trong vòng 5 năm, gia đình anh sẽ thu hồi được vốn đầu tư ban đầu.
Theo anh Hải, mô hình nuôi gia công cho các công ty lớn như Công ty CP VN có tính ổn định cao, nhất là trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, sự hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết của đội ngũ kỹ thuật viên của các công ty sẽ hạn chế được rủi ro do dịch bệnh. Những lúc giá thịt lợn hơi xuống thấp như cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017 thì việc lựa chọn hình thức chăn nuôi gia công là bảo đảm an toàn, do giá thu mua ổn định.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, Hồ Thanh Hải đã mạnh dạn tự đầu tư nuôi áp dụng công nghệ cao, liên kết mới. Trong 6 tháng đầu áp dụng, trừ mọi chi phí, gia đình anh Hải đã thu lãi gần 2 tỷ đồng, gần gấp 3 lần so với nuôi gia công liên kết với Công ty CP VN.
Nếu như anh Hải táo bạo trong quyết định chuyển hướng chăn nuôi gia công sang tự chi trả thì anh Trần Đại Phương (ở xã Trung Trạch) lại chọn phương án an toàn.
Từ năm 2014, gia đình anh Phương đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng 2 dãy chuồng đạt chất lượng cao với quy mô 1.200 con lợn thịt/lứa. Đến nay, mỗi năm, mô hình này duy trì 2,5 lứa lợn xuất chuồng với 240 đến 300 tấn lợn hơi; trừ chi phí, anh Phương thu khoảng trên dưới 600 triệu đồng/năm. “Tuy lãi không nhiều so với giá trị đầu tư nhưng bảo đảm an toàn, người nuôi đỡ vất vả, lo lắng, tránh được rủi ro do dịch bệnh hay thị trường biến động và ổn định cuộc sống", anh Phương chia sẻ.
Hướng đi bền vững
“Nếu được tạo điều kiện cấp đất, quy hoạch vùng chăn nuôi, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trại giống để tự cung cấp nguồn giống đạt chất lượng cho trang trại của mình và người nuôi trên địa bàn; đồng thời, xây dựng lò giết mổ tập trung; tiến tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phù hợp với địa bàn và sự phát triển của huyện Bố Trạch”, anh Hồ Thanh Hải chia sẻ dự định của mình.
Cũng như anh Hải, anh Trần Đại Phương mong muốn được tạo điều kiện với các chính sách khuyến khích, như: cho thuê mặt bằng, vay vốn... Gia đình anh sẽ mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời, đầu tư công nghệ xử lý chất thải tạo ra một sản phẩm mới tái sử dụng; vừa đem lại nguồn thu, vừa giảm thiểu tác động tới môi trường.
Theo phân tích của các chủ trang trại chăn nuôi, mô hình nuôi gia công cho các công ty lớn hạn chế được rủi ro do dịch bệnh, nguồn thu bảo đảm an toàn, ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, giá lợn thịt hơi đang tăng lên rất cao, nhưng một số công ty như Công ty CP VN lại không muốn chia sẻ lợi nhuận với người nuôi gia công. Do đó, một số trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn cắt hợp đồng với công ty CP VN để liên kết với công ty khác sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với người nuôi gia công. Như vậy, việc lựa chọn công ty để hợp tác chăn nuôi gia công là vấn đề quan trọng, then chốt quyết định sự thành công.
Ông Nguyễn Trọng Tuyển, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bố Trạch cho biết thêm, thực tế, những năm qua, chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Bố Trạch có bước phát triển mạnh, quy mô ngày càng tăng, có những hộ nuôi đạt vài nghìn con lợn thịt/năm, có những hộ đã tự cung tự cấp được con giống đạt hiệu quả khá cao. Nhưng sự phát triển đó còn theo hướng tự phát, quy mô nhỏ lẻ khó kiểm soát được dịch bệnh dẫn đến khó phát triển bền vững…
“Thời gian tới, huyện Bố Trạch sẽ quy hoạch chi tiết vùng chăn nuôi để tạo điều kiện cho các trang trại yên tâm đầu tư, phát triển quy mô chăn nuôi thâm canh công nghệ cao một cách bài bản. Hàng năm, huyện tổ chức các lớp học đào tạo nghề cho các hộ, chủ nông trại, trang trại nhằm nâng cao nhận thức trong áp dụng chăn nuôi để đạt năng suất cao nhất. Vấn đề đặt ra là vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi thâm canh công nghệ cao là rất lớn, do vậy, các trang trại cần có sự liên kết, tổ chức thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi để đủ nguồn lực đầu tư. Và để tránh tình trạng “được mùa mất giá” trước diễn biến thị trường thường xuyên biến động, các trang trại chăn nuôi nên có định hướng đầu tư chăn nuôi theo chuỗi giá trị”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm.
Hương Trà
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.