• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tái đàn heo đảm bảo cân bằng cung cầu trên thị trường

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 27/07/2020
Ngày cập nhật: 28/7/2020

Nhiều tháng qua, giá heo hơi tại khu vực ĐBSCL tăng lên, cho lợi nhuận cao, các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn. Song, nguồn cung lại không đáp ứng được nên đã xảy ra hiện tượng khan hiếm heo giống. Các địa phương trong khu vực đang tìm nhiều giải pháp vừa bình ổn giá heo thịt và lai tạo đàn heo giống, heo con an toàn sạch bệnh cung cấp cho các hộ chăn nuôi…

Lượng heo tái đàn đang phát triển tốt theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học tại cơ sở chăn nuôi của ông Dương Hoàng Dũng, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Khan hiếm nguồn cung

Theo nhiều hộ dân chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, hiện nay, thị trường thịt heo đang ở mức giá cao, heo hơi duy trì ở mức 80.000-82.000 đồng/kg (heo đúng tạ - 100 kg/con giá hiện thời 8-8,2 triệu đồng/con). Lợi nhuận cao nên nhiều hộ nuôi heo quy mô nhỏ muốn tái đàn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung heo giống ra thị trường hạn chế. Các hộ nuôi heo nái bán heo con giống với giá cao: heo đực giống sau dứt sữa, trọng lượng 7-8 kg/con giá 2 triệu đồng/con; heo giống cỡ 17-18 kg/con giá 3 triệu đồng/con. Nguồn heo giống khan hiếm, trong khi một số doanh nghiệp lớn sản xuất heo giống chủ yếu tái đàn nội bộ, cung cấp cho các trang trại theo mạng lưới gia công. Do đó, heo giống giữ mức cao và ngày càng có giá…

Ở tỉnh Sóc Trăng, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, sau khi tỉnh công bố hết dịch bệnh tả heo châu Phi trên địa bàn, cùng lúc thị trường thịt heo lên mức giá cao, heo hơi duy trì trên 80.000 đồng/kg, nhiều hộ nuôi heo quy mô nhỏ có nhu cầu nuôi trở lại. Các hộ nuôi heo nái, bán heo con giống “chia sẻ” với các hộ cần mua, nhưng với giá khá cao. Ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: “Hiện nay, việc tái đàn, tăng đàn heo tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn bởi bệnh dịch tả heo châu Phi rất nguy hiểm đối với đàn heo nuôi do virus tả châu Phi có sức đề kháng cao, đường lây truyền phức tạp và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa do điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ phổ biến, cơ sở vật chất hạn chế, khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Vì vậy, nguy cơ rủi ro tái phát dịch khá cao từ một số cơ sở và hộ chăn nuôi vội vã tái đàn mà chưa đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học của ngành thú y”.

Tại TP Cần Thơ, việc tái đàn heo cũng bắt đầu phát triển ở hộ gia đình. Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện ngành Thú y thành phố đang phối hợp cùng các quận, huyện triển khai kế hoạch phát triển chăn nuôi heo theo hướng cải thiện và tăng cường cung ứng con giống chất lượng cho người nuôi; hỗ trợ, hướng dẫn mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt và liên kết sản xuất theo chuỗi nâng cao giá trị. Ðặc biệt, việc tăng đàn, tái đàn nuôi không chỉ đảm bảo đúng nguyên tắc an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh mà còn đảm bảo cân bằng cung cầu, giá heo ở mức hợp lý nhưng không tạo ra dư thừa nguồn cung dẫn đến thiệt hại cho người chăn nuôi…”.

Đảm bảo cung cầu

Ðể bình ổn giá thịt heo thời gian tới, Sở Công Thương TP Cần Thơ phối hợp với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam và một số doanh nghiệp giết mổ cung cấp thịt heo ra thị trường, cắt giảm các khâu trung gian nhằm bình ổn giá. Cụ thể, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ sẽ mở 20 cửa hàng bán thịt bình ổn với giá thấp hơn trị trường, triển khai trong tháng 7 này. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Hiện Sở đang phối hợp cùng với doanh nghiệp chọn địa điểm triển khai các cửa hàng đầu tiên. Sau khi chọn được vị trí, Sở sẽ hỗ trợ các bên tham gia mở cửa hàng. Những cửa hàng này dự kiến sẽ phân bố đều tại các quận, huyện của thành phố. Sau khi đi vào hoạt động khoảng 2 tháng, ngành Công Thương sẽ đánh giá hiệu quả và tính toán phương án mở rộng trong quý IV năm 2020. Các cửa hàng này ngoài mặt hàng thịt heo là chủ lực, thì còn bán thêm một số sản phẩm thiết yếu khác. Ngành chức năng sẽ quản lý giá cả, chất lượng thịt bán ra, hướng tới mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả phải chăng cho người tiêu dùng…

Tại tỉnh Sóc Trăng, để tăng đàn heo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tổ chức thẩm định điều kiện tái đàn cho các cơ sở đăng ký nuôi tập trung ở các trang trại của doanh nghiệp, với quy mô chăn nuôi lớn, có khả năng chủ động về con giống, có điều kiện về trang thiết bị, vật tư và kỹ thuật đáp ứng điều kiện an toàn sinh học. Ðến cuối tháng 6-2020, Sóc Trăng có tổng đàn heo hơn 94.000 con, trong đó, heo tái đàn có trên 58.308 con, chủ yếu là heo thịt. Dự báo trong thời gian tới số lượng đàn heo tái đàn sẽ tiếp tục tăng nhanh ở địa phương này.

TP Cần Thơ hiện có tổng đàn heo trên 102.000 con, phát triển đạt gần 80% kế hoạch năm. Ðể tăng đàn heo, đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường, ngành Thú y thành phố phối hợp cùng các quận, huyện, các chủ trang trại phát triển đàn heo theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Qua đó có 3 trang trại chăn nuôi với quy mô lớn (trên 300 con/trang trại), 18 trang trại chăn nuôi với quy mô vừa (dưới 300 con/trang trại). Ðiển hình mô hình chăn nuôi theo biện pháp an toàn sinh học ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, với quy mô trên 400 con heo, trong đó có 80 con heo nái, phần còn lại là heo thương phẩm. Hình thức chăn nuôi cách xa khu dân cư, cơ sở chuồng trại rộng thoáng, sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh theo kế hoạch…

Ông Lê Trung Hoàng thông tin: “Hiện đàn heo nuôi tại các trang trại theo mô hình an toàn sinh học đều phát triển tốt, cho hiệu quả cao. Các trang trại này không những cung cấp lượng heo thương phẩm cho thành phố mà con cung cấp lượng heo giống sạch bệnh cho người nuôi, hạn chế tình trạng khan hiếm con giống. Thời gian tới, ngành Thú y thành phố tiếp tục hỗ trợ các cơ sở phát triển con giống để cung cấp đủ lượng heo con cho người dân tái đàn; đồng thời tăng cường hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo hướng an toàn sinh học, hỗ trợ mô hình nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại vừa, nhỏ và lớn…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang