• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Không lơ là với dịch bệnh trên đàn gia súc

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 01/08/2020
Ngày cập nhật: 3/8/2020

Báo Phú Yên, 01/08/2020

Cán bộ thú y vẫn tiếp tục giám sát, kiểm tra và theo dõi bệnh LMLM, tụ huyết trùng trên đàn bò huyện Đồng Xuân. Ảnh: THỦY TIÊN

Sau nhiều nỗ lực của ngành chức năng và huyện Đồng Xuân, đến nay các bệnh lở mồm long móng (LMLM) và tụ huyết trùng trên gia súc đã được bao vây khống chế hoàn toàn. Hiện ngành Thú y và huyện Đồng Xuân vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp giám sát, phòng ngừa không để phát sinh thêm ổ dịch mới.

Tăng cường giám sát dịch bệnh

Sau hơn 1 tháng kể từ khi bệnh LMLM và tụ huyết trùng khởi phát trên đàn bò tại xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), đến nay, toàn bộ số bò bệnh đã được điều trị khỏi, đang dần hồi phục sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Bình ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, cho biết: “Nhờ được điều trị tích cực và đúng chứng nên 4 con bò còn lại đã khỏi bệnh và đang dần hồi phục, chân và miệng không còn lở loét, bò hết sốt, bắt đầu ăn uống được trở lại. Gia đình tôi cảm ơn cán bộ thú y đã kịp thời điều trị và hướng dẫn cách chăm sóc. Bởi nếu tôi cứ làm theo các biện pháp dân gian thì có khi không phải 1 con mà cả đàn đều chết, thiệt hại hơn 100 triệu đồng”.

Không chỉ đàn bò nhà ông Bình mà toàn bộ số bò bệnh ở xã này cũng đã khỏi các triệu chứng lâm sàng và đang dần khỏe lại. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Văn Khương, trong đợt này, toàn xã có 3 thôn xuất hiện bệnh trên đàn bò, trong đó bệnh LMLM ghép tụ huyết trùng xảy ra tại thôn Phú Sơn và Triêm Đức, bệnh tụ huyết trùng cấp tính xảy ra tại thôn Phước Huệ và Triêm Đức. Tổng số bò bị nhiễm bệnh là 83 con của 32 hộ nuôi, trong đó 22 con bị chết, còn lại đã được điều trị khỏi; tính đến nay đã được 7 ngày toàn xã chưa phát sinh thêm bò bệnh, ổ bệnh mới. Hiện nay, mặc dù bệnh đã được khống chế nhưng địa phương vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống như cử cán bộ thú y theo dõi, giám sát tình hình bệnh trong vùng; phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường hàng ngày; nghiêm cấm toàn bộ hoạt động mua bán, vận chuyển gia súc ra vào xã. Hiện địa phương cũng đã hoàn tất việc tiêm bổ sung vắc xin tụ huyết trùng, LMLM cho số gia súc chưa được tiêm trong đợt I/2020 vừa qua.

Không riêng xã Xuân Quang 2, lúc này, nhiều xã, thị trấn tại huyện Đồng Xuân cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tránh để bệnh lây lan trên địa bàn. Ông Nguyễn Khắc Hoàng Quang, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đồng Xuân cho hay: Mặc dù bệnh đã được kiểm soát nhưng với tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như mấy ngày qua thì nguy cơ tái bùng phát vẫn còn rất cao. Hiện tổng đàn trâu bò toàn huyện có khoảng 22.000 con, tăng khá nhiều so với đầu năm vì người chăn nuôi tăng đàn mạnh trong thời gian qua. Để bảo toàn đàn vật nuôi, địa phương tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh. Cụ thể, trạm đã phân bổ 900 lít thuốc sát trùng về cho các xã, thị trấn để tổ chức phun tiêu độc sát trùng môi trường; rà soát lại đàn gia súc để tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin; phối hợp địa phương yêu cầu người dân không mua bò mới và chuyển bò từ nơi khác về.

Người nuôi phải chủ động

Ngoài huyện Đồng Xuân, nhiều địa phương khác cũng đang khẩn trương triển khai công tác phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc. Tại huyện Tuy An, các ngành chức năng của huyện này đã nhanh chóng khởi động hệ thống giám sát dịch bệnh vật nuôi từ huyện tới xã. Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An Giáp Văn Thức cho biết: Ngay khi Đồng Xuân xảy ra bệnh LMLM và tụ huyết trùng, huyện Tuy An đã tạm ứng 360 lít thuốc sát trùng phân về các xã, thị trấn để nhanh chóng phun tiêu độc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, tiêu diệt bớt mầm bệnh lưu hành trong không khí. Đồng thời, đơn vị phối hợp với chính quyền triển khai thông tin đầy đủ, rõ ràng về tình hình dịch bệnh trên đàn bò cho người dân biết để bà con chủ động phòng ngừa. Cùng với đó, ngành nhanh chóng yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc mới nhập đàn, mới sinh... Đến nay đã có hai xã An Định, An Ninh Tây triển khai, trong tuần tới các địa phương khác cũng sẽ thực hiện tiêm.

Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, địa phương này đang siết chặt công tác giám sát việc mua bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra vào huyện. Các trường hợp nhập đàn mới bắt buộc phải nhốt cách ly 15 ngày theo dõi, gia súc khỏe mạnh mới cho nhập để tránh mang mầm bệnh từ ngoài vào.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm: Ngoài nỗ lực của ngành chức năng, người chăn nuôi cần chủ động theo dõi sức khỏe gia súc, thực hiện vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi, tiêm phòng vắc xin và bổ sung thức ăn để nâng sức đề kháng. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay bà con không nên tăng đàn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang