Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 03/08/2020
Ngày cập nhật:
5/8/2020
Nuôi gà sử dụng chế phẩm sinh học vừa tạo ra sản phẩm sạch, vừa giảm thiểu dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Cách làm này giúp anh Đỗ Thanh Ân, 40 tuổi, ở thôn 5, xã Đắk Búk So (Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) thành công trong phát triển kinh tế, với mức thu nhập ổn định.
Năm 2015, anh Ân tốt nghiệp cử nhân ngành Luật, trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng không đi làm theo ngành nghề đã học. Anh trở về quê và gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đang được anh Ân từng bước mở rộng
Trải qua nhiều thử thách
Năm 2004, anh Ân theo gia đình vào Đắk Nông lập nghiệp. Sau khi ổn định diện tích cà phê, hồ tiêu, anh bắt đầu chăn nuôi gà để tạo thêm nguồn thu nhập, đồng thời tạo nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng. Bước đầu khởi nghiệp, anh Ân đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua gà giống từ Hà Nội về nuôi.
Gà giống mới được 1 ngày tuổi vận chuyển đường xa, cộng với cách sưởi ấm không đủ nhiệt do thiếu kinh nghiệm chăn nuôi của anh, khiến đàn gà cứ chết dần. Bên cạnh đó, gà chưa được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh, nên không chỉ gà con mà gà sắp xuất bán cũng lăn ra chết trong sự bất lực của anh Ân.
Lứa gà đầu tiên khiến anh Ân thua lỗ hơn 60 triệu đồng. Thất bại từ việc chăn nuôi gà, anh chuyển hướng sang chăn nuôi bò. Khi tìm hiểu thấy bò có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật, anh Ân mạnh dạn liên kết với 1 người dân trong thôn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 20 con bò về nuôi. Chưa kịp ổn định thì đàn bò xuất hiện bệnh lở mồm long móng, từ 1 con có biểu hiện bệnh đã dần lây cả đàn khiến anh phải bán vội cho các lò mổ. Bán hết đàn bò khiến anh thua lỗ hơn 40 triệu đồng.
Anh Ân tâm sự, thời điểm đó còn non kinh nghiệm, hơn nữa thấy người ta làm gì mình cũng bắt chước làm theo chứ chưa có kiến thức và am hiểu về cách chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi. "Qua hai lần đầu tư khá lớn để chăn nuôi tôi phải trả giá đắt. Nhưng thất bại đã cho tôi những kinh nghiệm quý giá trong chăn nuôi. Điều quan trọng hơn tôi đã tìm ra được nguyên nhân của những thất bại, thua lỗ đó để tiếp tục đầu tư chăn nuôi", anh Ân tâm sự.
Đứng lên từ thất bại
Không bỏ cuộc sau những thất bại, anh Ân đi tìm nguyên nhân khiến đàn vật nuôi chết để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Chọn cách bắt đầu lại từ việc trang bị kiến thức, anh tạm gác lại việc chăn nuôi, bỏ tiền tìm đến nơi anh mua giống, các trại chăn nuôi gà ở Hà Nội để học tập kinh nghiệm. Trong những lần đi thực tiễn đó, anh Ân được các chủ trang trại chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, cách làm, tư vấn về cách chọn con giống, kỹ thuật chăm sóc gà…
Chế phẩm EM được ủ trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi
Khi có đủ kinh nghiệm, anh Ân bắt tay vào chăn nuôi gà. Lần này anh chọn gà lai chọi, mua gà giống loại từ 2 - 3 lượng/con để giảm thiểu rủi ro gà chết. Đàn gà của anh phát triển ổn định, không mắc bệnh và sinh trưởng tốt. Sau thời gian gây dựng, hiện nay, anh Ân đã xây dựng chuồng nuôi với quy mô khoảng 1.000 con gà lai chọi, trong đó, duy trì gà bán thịt hàng tháng theo hình thức gối đầu. Mỗi năm, đàn gà mang lại nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh Ân luôn duy trì 50 con mái và 10 con gà trống, lò ấp trứng để chủ động nguồn giống.
Điều đáng chú ý, anh Ân đã sử dụng chế phẩm sinh học EM do Học viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất để chăm sóc gà. Chế phẩm được anh sử dụng cho vào nước uống, ủ trong thức ăn cho gà để hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Anh Ân chia sẻ: "Nuôi theo cách truyền thống, gà thường bị bệnh về đường hô hấp và đường ruột, tỷ lệ hao hụt cao, gà tăng trọng thấp. Đáng ngại nhất là chất thải của gà không những gây ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con xung quanh. Từ khi sử dụng chế phẩm EM vào chăn nuôi, hiệu quả cải thiện đáng kể, gà ít bệnh hơn, giảm lượng chất thải trong chăn nuôi, giảm thiểu 95% mùi hôi trong chuồng trại. Đây là một hướng đi mới cho chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn".
Chế phẩm EM là thuật ngữ dùng để chỉ một công nghệ sinh học hiện đại, đa tác dụng và an toàn. Chế phẩm EM này là tập hợp hơn 80 loài vi sinh vật có ích. Sống cộng sinh trong cùng môi trường, đó là lên men, tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau. Trong đó chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.
Ngoài chăn nuôi gà, hiện anh Ân đang nuôi bò để lấy phân ủ với men vi sinh để bón cho 1.200 cây cà phê, 1.000 trụ tiêu. Năm vừa qua, dù giá cả nông sản xuống thấp, nhưng từ việc tạo nhiều nguồn thu nhập, anh Ân có lãi hơn 200 triệu đồng từ rẫy cà phê, tiêu nhờ việc đầu tư khép kín, giảm thiểu đầu tư phân bón.
Anh Ân tâm sự, nhờ sự đam mê với nông nghiệp, giờ đây cuộc sống của anh và gia đình đã trở nên vững chãi, dù có trải qua nhiều chông gai, thử thách. Đối với anh, chính kiến thức học được ở nhà trường và kinh nghiệm sống thực tiễn là những thứ then chốt để anh được thành công như hôm nay.
Bài, ảnh: Đức Hùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.