Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 05/08/2020
Ngày cập nhật:
6/8/2020
Đắk Nông đang giai đoạn cao điểm của mùa mưa, dễ phát sinh, lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Vì vậy, người dân, ngành chức năng cần quan tâm thực hiện giám sát và phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Gắn bó với nghề chăn nuôi lợn nhiều năm nay, nên gia đình ông Hoàng Văn Bàn, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp), có khá nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Theo ông Bàn, khi mùa mưa đến, độ ẩm cao, nền và chuồng ẩm ướt, làm ảnh hưởng đến sức đề kháng cho đàn vật nuôi, gây nên một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tiêu chảy, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng… Vì thế, công tác phun tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn luôn được gia đình ông thực hiện đầy đủ.
Ông Bàn chia sẻ: "Kinh tế của gia đình tất cả trông vào đàn lợn 40 con, nên mình phải bảo vệ và chăm sóc nó thật tốt. Chăn nuôi đã nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình cũng từng bị dịch bệnh tấn công, nên vào thời điểm này, phải tăng cường hơn công tác phòng dịch như: hàng tuần phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi, vệ sinh chuồng trại, bổ sung đầy đủ nguồn thức ăn, các loại vitamin, khoáng chất”.
Chị H' Nghĩa, bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil), bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho đàn bò
Gia đình chị H’Nghĩa, bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil), cũng không lơ là với công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò gần chục con. Xác định gắn bó lâu dài với nghề chăn nuôi bò, nên thời gian qua, gia đình chị luôn duy trì tốt việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Chị cũng theo dõi sát đàn bò để phát hiện và xử lý kịp thời khi bò có biểu hiện mắc bệnh.
Tính đến hết tháng 6/2020, Đắk Nông có đàn lợn 252.250 con, đạt 118% kế hoạch năm; đàn gia cầm 2.558.520 con, đạt 115% kế hoạch năm; đàn bò 31.130 con, đạt 91%% kế hoạch năm; đàn trâu 6.150 con, đạt 97% kế hoạch năm. Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết, chăn nuôi của tỉnh đang phát triển trở lại, nhất là đàn lợn tăng mạnh. Nguyên nhân là giá thịt lợn tăng cao, nuôi lợn mang lại lợi nhuận cao. Một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã vượt quá mật độ chăn nuôi, nên một số công ty đã chuyển sang đầu tư chăn nuôi vào địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Chị Trần Thị Hương, thôn 2, xã Tâm Thắng (Cư Jút), thường xuyên theo dõi, chăm sóc đàn gà để kịp thời phát hiện dịch bệnh
Cũng theo bà Tình, Chi cục Phát triển Nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với trạm thú y và chính quyền các huyện, thành phố chỉ đạo, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện các biện pháp phòng dịch cũng như chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi trong và sau mùa mưa. Mặc dù vậy, trước hết người dân cần bảo đảm tốt các điều kiện chăn nuôi an toàn, thường xuyên kiểm tra đàn vật nuôi. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện nhiễm bệnh, bà con cần nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra và báo ngay cho thú y cơ sở để có biện pháp trị bệnh tích cực.
Người dân không nên giấu bệnh dịch trên vật nuôi. Vì như vậy dễ làm lây lan mầm bệnh ra diện rộng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Hàng ngày, bà con nên bổ sung đầy đủ thức ăn và các chất dinh dưỡng cho đàn vật nuôi. Bà con tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn đã bị ẩm, mốc hay ôi thiu; cho vật nuôi uống nước sạch, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng...
Bà Tình nhấn mạnh: "Đến thời điểm hiện nay, ngoài sự xuất hiện lẻ tẻ của dịch tả lợn châu Phi đối với lợn, trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh dịch nguy hiểm xuất hiện trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan. Ngành Nông nghiêp đã và đang tập trung phối hợp với các địa phương tăng tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh".
Đến hết tháng 7/2020, Đắk Nông đã tiêm được hơn 2.100 liều vắc xin lở mồm long móng và hơn 3.700 liều vắc xin tụ huyết trùng cho trâu, bò. Lực lượng thú y cũng đã tiêm được trên 6.600 liều vắc xin tụ huyết trùng, dịch tả cổ điển cho lợn; phun, xịt hơn 2.700 lít thuốc sát trùng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên vật nuôi.
Bài, ảnh: Trần Lê
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.