Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 09/08/2020
Ngày cập nhật:
11/8/2020
Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (gọi tắt DA) của Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là bước khởi đầu cho một nền nông nghiệp hữu cơ, một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì phải bỏ đi.
Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp tối ưu để vượt qua dịch bệnh, sản xuất bền vững
Chăn nuôi an toàn
Việc Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư DA tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, không chỉ trở thành giải pháp bền vững cho chăn nuôi nông hộ, gia trại, mà còn hướng đến chăn nuôi theo trang trại lớn và cả chăn nuôi công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích 15 ha với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, triển khai theo từng giai đoạn, hạng mục. Dự kiến vào năm 2021 sẽ hoàn thành tổng thể toàn bộ dự án tổ hợp 4F.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chia sẻ: Tổ hợp 4F (Farm- Food- Feed- Fertilizer) là DA hiện thực hóa khái niệm “kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”. Việc đầu tư xây dựng DA không chỉ để phục vụ hoạt động sản xuất, chăn nuôi của tập đoàn mà quan trọng hơn, đơn vị này muốn tổ hợp 4F sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ để các nông hộ và những thành phần khác học hỏi và nhân rộng.
Tổ hợp gồm các hạng mục đầu tư như: Nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học với chức năng sản xuất men vi sinh, chế phẩm sinh học theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất 50 nghìn tấn/năm. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh, bảo vệ môi trường.
Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ (không hóa chất) với công suất thiết kế 100 nghìn tấn/năm, diện tích 3,5 ha, phục vụ chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, hiệu quả; do nông dân chủ động sản xuất, cung cấp nguyên liệu đầu vào.
Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ là hạng mục hoàn thành đầu tiên của DA với diện tích 2 ha, gồm 3 dãy chuồng (3.600m2/dãy chuồng), được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi, chuồng hở thuận theo tự nhiên có cải tiến, đông ấm, hè mát. 3/4 diện tích mỗi ô dùng đệm lót sinh học, máng ăn, uống tự động. Đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trang trại với quy mô 8-10 nghìn con lợn thịt và hàng trăm con lợn nái phục vụ tái đàn, phát triển đàn cho trang trại của Quế Lâm và các nông dân liên kết nuôi lợn với đơn vị này.
Với dãy chuồng nuôi hàng trăm con lợn nái/năm, ước sản xuất đạt 3.000-3.500 con lợn giống đảm bảo lợn con giống sạch bệnh, đủ tiêu chuẩn Việt Nam phục vụ tái đàn và phát triển đàn. Với 2 dãy chuồng lợn thịt, mỗi dãy có 60 ô nuôi (diện tích 60m2/ô) nuôi được 8.000-10.000 con lợn thịt/năm, sản lượng nước đạt 800 - 1.000 tấn thịt hữu cơ, chất lượng cao cung cấp cho thị trường.
Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất thiết kế đạt 100 nghìn tấn/năm, thu gom, xử lý toàn bộ các phụ phẩm trong khu tổ hợp 15 ha của DA, thu gom các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các khu vực lân cận để sản xuất phân bón hữu cơ.
Điểm khác biệt cơ bản của mô hình nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ của Quế Lâm so với các mô hình khác là áp dụng công nghệ vi sinh hiện đại nhất trên thế giới trong chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ và bảo vệ môi trường; sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung vào thức ăn và nước uống, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn và tăng tính miễn dịch và chống lại một số vi sinh vật gây bệnh cho vật nuôi; dùng chế phẩm vi sinh bổ sung vào đệm lót sinh học.
Mô hình kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Văn Phương, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, cùng với thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định DA của Tập đoàn Quế Lâm là một trong số các DA trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn.DA đã đi đầu trong tư duy tiên phong, đổi mới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là giải quyết được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ và chăn nuôi lợn trước tình hình dịch bệnh. Từ mô hình đầu tiên của DA này, chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ theo chuỗi giá trị hiện đang lan tỏa tại nhiều địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là một DA trọng điểm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành nông nghiệp.
Sau dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam đang trên đà phục hồi, tuy nhiên, lại nảy sinh vấn đề ở khu vực chăn nuôi lớn các doanh nghiệp đã đảm bảo được an toàn sinh học, nhưng tại khu vực hộ chăn nuôi nhỏ lẻ (chiếm 65%) thì hiện nay việc tái đàn gặp rất khó khăn do con giống đắt và vấn đề an toàn dịch bệnh. Mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đã giải quyết được bài toán này.
Đối với DA tổ hợp 4F, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là mô hình phát triển bền vững trong nông nghiệp Việt Nam thời gian tới đây. “Thông qua mô hình của DA của Tập đoàn Quế Lâm, chúng ta sẽ xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, một mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, không thứ gì bỏ đi, không ai bị bỏ lại phía sau. Điều này, thực hiện 3 mục tiêu gồm: đảm bảo yếu tố môi trường xanh nhất, đảm bảo yếu tố kinh tế cao nhất và đảm bảo giá trị nhân văn tất cả người tham gia chuỗi đều có thu nhập thỏa đáng với công sức mình bỏ ra”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Từ tháng 4/2019, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tập đoàn Quế Lâm, các đơn vị của Bộ tổng kết mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, phù hợp với phương thức chăn nuôi nông hộ, tổng kết thực tiễn làm cơ sở tổ chức xây dựng và triển khai DA, trong đó có tổ hợp 4F tại xã Phong Thu. Đây là cơ sở sản xuất giống, nhà máy sản xuất men, sản xuất thức ăn; đồng thời là trung tâm huấn luyện, đào tạo nhân rộng mô hình ra các địa phương của tỉnh và cả nước, nhằm góp phần thúc đẩy tốc độ tăng đàn, tái đàn lợn sớm, đáp ứng nhu cầu lợn thịt cho xã hội.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.