Nguồn tin: Báo Phú Yên, 12/08/2020
Ngày cập nhật:
13/8/2020
Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) kiểm tra mô hình chăn nuôi bò của ông Nguyễn Ngọc Nhuận ở xã Hòa Bình 1. Ảnh: LÊ TRÂM
Trong khi người nuôi heo gặp khó vì dịch bệnh thì người nuôi bò thu lãi lớn nhờ giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Cùng với đó thời tiết thuận lợi, mưa nắng đan xen, đồng cỏ phát triển nên nông dân tập trung phát triển đàn vật nuôi này.
Chăn nuôi truyền thống kết hợp vỗ béo
Ông Ma Tiến ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Cùng thời điểm này năm ngoái, nắng hạn kéo dài làm cỏ chết, bò không có thức ăn nên chậm phát triển. Năm nay mưa nắng đan xen, cỏ trồng trong gò ngoài soi phát triển tốt, chúng tôi cắt cho bò ăn kết hợp nấu cháo cho ăn thêm. Hiện gia đình tôi nuôi 3 con bò, dự định giá trung bình 20 triệu đồng/con.
Đối với người dân miền núi, bò là nguồn thu nhập chính, giúp nhiều gia đình thoát nghèo. Vì vậy, để nuôi “đầu cơ nghiệp”, nhiều người chăn nuôi theo kiểu truyền thống kết hợp vỗ béo, nấu cháo… cho bò ăn. Bà La Lang Thị Lờn ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) cho biết: “Mấy năm nay ở vùng miền núi này nhà nào nuôi bò cũng có nồi cháo để cho bò ăn. Cháo nấu bằng rau muống hoặc rau lang trộn với ít gạo và cám. Thường sáng chúng tôi cho bò ăn cỏ, trưa chiều cho ăn cháo để thúc bò mau mập. Trước đây nuôi thả rông trong rừng, nay thì mười ngày hoặc nửa tháng, tôi mới lùa thả ăn để bò khỏi cuồng chân (đứng lâu một chỗ), thời gian còn lại nuôi nhốt cho bò ăn cỏ và cháo. Tôi mua con nghé 6,5 triệu đồng, nuôi 2 năm thì bán được 25 triệu đồng”.
Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, cho biết: Thời gian qua, nhiều người tập trung nuôi bò lai. Ngoài tận dụng rơm, rạ làm thức ăn cho bò như phương pháp nuôi truyền thống, người dân còn áp dụng phương pháp nuôi thúc vỗ béo bằng cách nấu cháo cho bò. Chuồng trại luôn được quét dọn sạch sẽ, đảm bảo môi trường thoáng mát, phòng tránh dịch bệnh.
Theo thống kê của UBND huyện Đồng Xuân, tổng đàn bò của huyện 27.690 con, tỉ lệ bò lai đạt 74% tổng đàn. Trong những tháng qua, toàn huyện đã phối giống được 1.054 con bò cái nền bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và nhảy trực tiếp, có 897 con bê lai ra đời. “Nhờ đổi mới trong cách thức chăn nuôi bò truyền thống với áp dụng phương pháp nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, hiệu quả chăn nuôi bò trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt”, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nói.
Nuôi bò lai lãi lớn
Ông Bùi Văn Dũng nuôi bò lai ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) cho hay, hiện giá thịt bò đang tăng. Nếu như năm ngoái bán 20 triệu đồng/con thì nay lên 23 triệu đồng/con. Ở đây nhà nào cũng nuôi bò lai, có nhà nuôi cặp bò lai, có nhà nuôi 3 con, trong đó có ít nhất 1 con bò lai. Theo UBND huyện Sông Hinh, nông dân chăn nuôi bò trên địa bàn huyện thu nhập ổn định, tổng đàn bò 16.708 con, tỉ lệ bò lai đạt 49,5%.
Không chỉ ở miền núi mà hiện nay, nông dân các xã đồng bằng cũng tập trung nuôi bò lai để tăng thu nhập. Ông Trần Văn Long ở xã An Hiệp (huyện Tuy An) chia sẻ: Tôi mua con nghé lai giá 15 triệu đồng về nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cháo. Sau hơn 3,5 tháng thúc bò bằng cháo, trừ chi phí ban đầu mua giống, đầu tư thức ăn và cả công nhà bỏ ra, còn lời khoảng 10 triệu đồng.
Trong chuồng bò của ông Nguyễn Ngọc Nhuận ở thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa) có 10 con, nuôi theo 2 lứa, lứa bò lớn và lứa bò nghé. Ông Nhuận nuôi “gối đầu” cứ xuất bán 5 con lớn, bổ sung liền 5 con nghé, nên chuồng nuôi luôn có 10 con. Mỗi năm gia đình ông xuất bán 3 lứa, mỗi lứa 5 con, trừ chi phí, ông Nhuận thu lãi trên 200 triệu đồng. Số tiền này ở nông thôn khó kiếm được.
Xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) có tổng đàn bò lên đến 2.786 con. Ở đây “mười nhà như chục” nhà nào cũng nấu cháo nuôi bò. Theo nhiều người chăn nuôi bò, khi cho bò ăn cháo, bò uống được nhiều nước hơn. Nghĩa là khi múc nước cháo đổ vào thau cho bò ăn, người nuôi đổ thêm nước vào, bò uống hết cả phần nước và phần cháo trong thau. Khi bò uống nước nhiều thì mướt lông, mau mập.
Theo ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình vỗ béo bò lai, từ đó làm cơ sở cho nông dân học hỏi kinh nghiệm để tự làm giàu cho gia đình. Thông qua mô hình, hàng trăm hộ chăn nuôi chuyển từ tập quán nuôi thả rông hoàn toàn sang nuôi nhốt vỗ béo bò lai.
Ông Đào Lỹ Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Trước đây, người chăn nuôi bò thường tận dụng rơm, cỏ hoặc chăn thả bầy đàn tự do. Để cải thiện tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình chăn nuôi vỗ béo bò, áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò thịt bằng cách cho bò ăn thức ăn tinh. Qua đó giúp người nuôi tiếp cận phương pháp chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năm 2017, Phú Yên có tổng đàn bò 176.400 con thì hiện nay tổng đàn bò 190.980 con, chất lượng bò được cải thiện, trong đó tỉ lệ bò lai chiếm trên 73%.
MẠNH LÊ TRÂM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.