• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vươn lên nhờ nuôi chim bồ câu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/08/2020
Ngày cập nhật: 15/8/2020

Từ một nông dân lập thân với đôi bàn tay trắng, nhưng nhờ nuôi chim bồ câu mà anh Nguyễn Đình Tuấn, ở ấp Trường Thắng, Trường Long A, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang), vươn lên thoát nghèo.

Bồ câu nuôi của hộ anh Tuấn.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Tuấn không ngại nói ra sự thật là anh vốn xuất thân trong gia đình nông dân nghèo. Ngày đầu ra riêng lập nghiệp, vợ chồng anh cũng bám lấy nghề nông. Tuy nhiên, hướng phát triển đó dường như không vượt qua được ranh giới nghèo túng, anh luôn trăn trở tìm cho mình một con đường đi thích hợp. Và rồi có lần anh thấy người hàng xóm của mình nuôi chim bồ câu, chỉ việc bán con giống thôi mà mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ đó, anh luôn ấp ủ với quyết tâm theo đuổi mô hình này. Ban đầu do ít vốn và chưa đủ kinh nghiệm nên anh chỉ nuôi thử nghiệm 4 cặp bồ câu bố mẹ giống Pháp và Đài Loan. Trong quá trình nuôi, anh nhận thấy loài chim này không chỉ sinh sôi phát triển tốt, mà còn rất mắn đẻ, mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi là bắt đầu đẻ lứa đầu. Mỗi lứa đẻ 2 trứng, sau 16-18 ngày ấp thì trứng nở, chim bố mẹ vừa chăm sóc tại chuồng, con mái lại tiếp tục sinh sản lứa tiếp theo. Đến ngày thứ 30, chim con đã đủ lớn, người nuôi có thể xuất chuồng bán chim thương phẩm cho các quán ăn, nhà hàng chế biến được nhiều món ăn ngon…

Cũng vì ấn tượng với mô hình nuôi chim bồ câu nên anh mạnh dạn đầu tư thêm con giống, mở thêm chuồng trại để nhân đàn. Anh tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống bồ câu ngoại này trên sách báo và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người nuôi trước nên đã thành công. Hiện tại, đàn chim bồ câu bố mẹ trong trại nuôi của anh giờ đã lên đến hơn 600 con, mỗi tháng anh xuất bán cho mối lái ở thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh… với số lượng từ 100-200 con chim bồ câu thịt, giá bán mỗi con là 40.000 đồng. Nhờ vậy mà nhiều năm qua, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống cũng bớt đi một phần khó khăn về kinh tế.

Anh Tuấn cũng cho biết thêm, để nuôi được chim bồ câu đạt hiệu quả, khâu chọn giống là quan trọng nhất. Người nuôi cần lưu ý chọn những con bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi là dễ nuôi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải luôn thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng mặt trời chiếu vào, có mái che mưa, có ổ cho chim mái đẻ trứng và phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Bên cạnh đó, còn phải tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng nhiều loại thức ăn như đậu, lúa, gạo, đồng thời cần bổ sung cho chúng thêm một số loại thức ăn giàu khoáng chất, vitamin và tiêm thêm thuốc phòng bệnh đúng định kỳ. Ngoài ra, trong quá trình nuôi chim bồ câu, anh Tuấn nhận thấy giống chim này rất phù hợp với gia đình nên tận dụng được nguồn phân chim ủ với chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn trái của mình, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón hóa học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Nhịn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Long A, cho biết là xã thuần nông nên đời sống người dân gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm của toàn Đảng bộ là đổi mới tư duy trong sản xuất, gắn liền chuyển giao khoa học kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Từ đó nhiều hộ dân trong xã mạnh dạn đầu tư mô hình chăn nuôi, trồng trọt thâm canh tăng vụ có hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên/hộ/năm. Điển hình như mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Đình Tuấn, mô hình nuôi ba ba của ông Trần Hồng Quang, ở ấp Trường Hiệp, hay mô nuôi cá tra bột của ông Phan Văn Hùng, ở ấp Trường Lợi, hoặc mô hình 2 lúa 1 màu… Đời sống người dân gần đây khấm khá hơn, mức thu nhập bình quân đầu người trong xã cũng được nâng lên thấy rõ. Nếu như những năm trước đây còn ở mức thấp thì nay đã tăng lên hơn 47 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo cũng giảm xuống từ 121 hộ năm 2019, giờ chỉ còn 64 hộ. Tới đây, ngành nông nghiệp xã sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm cho nông dân về mặt kỹ thuật, lựa chọn cây, con giống mới thích nghi với đất đai địa phương. Khuyến khích người dân phát triển thêm nhiều mô hình để làm giàu ngay trên mảnh đất của quê hương mình.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang