Nguồn tin: Nhân Dân, 28/01/2020
Ngày cập nhật:
29/1/2020
Những năm qua, ngành nông nghiệp Thủ đô đẩy mạnh cơ cấu lại chăn nuôi khá hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Hà Nội, hiện ngành chăn nuôi, thủy sản thành phố chiếm tỷ trọng hơn 60% giá trị sản xuất nông nghiệp, đã hình thành rõ nét theo hướng chuyên canh, tập trung.
Mô hình nuôi bò lai F1 BBB tại xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì, Hà Nội) đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hữu Tiệp
Thành công từ sự nỗ lực
Trên địa bàn thành phố hiện có 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.800 trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với gần 5.400 ha. Có 81 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Ðã xây dựng được 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa; thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi với hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia. Một số doanh nghiệp đã xây dựng các chuỗi liên kết, an toàn thực phẩm như: Công ty cổ phần Thực phẩm Lan Vinh (có công suất giết mổ, chế biến 10 tấn thịt gia cầm/ngày tại khu giết mổ tập trung xã Yên Thường, huyện Gia Lâm); Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (công suất giết mổ và sơ chế trung bình 15 tấn thịt lợn/ngày tại khu công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín); Công ty cổ phần Nam Hà Nội (công suất giết mổ và sơ chế trung bình khoảng 1,1 tấn thịt lợn/ngày tại khu giết mổ tập trung ở Vạn Phúc)... Ðây là những doanh nghiệp tiêu biểu của Hà Nội trong tổ chức, sản xuất theo chuỗi, bảo đảm an toàn thực phẩm với sản lượng lớn. Các chuỗi được hình thành theo hai hình thức: Mô hình chuỗi khép kín do một chủ thể là doanh nghiệp tổ chức các hoạt động từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ðơn cử như chuỗi thịt lợn AZ của hợp tác xã (HTX) Hoàng Long, chuỗi trứng gà 729 Ba Vì của Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt Phú An... Mô hình thứ hai do nhiều chủ thể cùng hợp tác, trong đó một chủ thể chịu trách nhiệm là đầu mối, điều tiết các hoạt động và phát triển thương hiệu sản phẩm của chuỗi. Ðiển hình là chuỗi thực phẩm sạch Organic green do Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic green là doanh nghiệp đầu mối chuỗi hợp tác với doanh nghiệp sản xuất thức ăn, các trại chăn nuôi và các tác nhân liên quan khác, cung ứng cho thị trường các sản phẩm thịt lợn mang nhãn hiệu Organic green.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp thành phố đã xây dựng được năm nhãn hiệu tập thể gồm gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Ðình - Ứng Hòa; trứng vịt Liên Châu - Thanh Oai; hơn 30 nhãn hiệu hàng hóa, trong đó một nhãn hiệu do Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chứng nhận cho sản phẩm an toàn - sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Ðáng chú ý, qua triển khai dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu, lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn thành phố, đến nay đã lai tạo được hơn 130 nghìn bê lai F1 BBB, mang lại giá trị thu nhập tăng thêm đối với chăn nuôi bò thịt gần 1.000 tỷ đồng. Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, một trong những điểm nhấn về tái cơ cấu chăn nuôi thành phố là đột phá trong công tác sản xuất giống, từ năm 2018 đến cuối 2019 đã sản xuất được tinh bò chất lượng cao (như BBB, Brahman...). Hằng năm, Hà Nội đưa ra thị trường khoảng 10 nghìn bê sữa, 80 nghìn bê thịt các loại và 100 nghìn liều tinh cọng rạ; tập trung sản xuất giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, hiện có bốn triệu lợn giống, với gần 40 nghìn lợn bố mẹ. Sản xuất cá giống ước đạt 1,8 tỷ con các loại/năm. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, đạt được những thành công nêu trên là do sự nỗ lực của ngành nông nghiệp Thủ đô trong suốt thời gian qua.
Tập trung phát triển bền vững
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình triển khai tái cơ cấu chăn nuôi, Hà Nội cũng còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Ðó là trong sản xuất, các chuỗi khép kín, liên kết chưa nhiều, lượng sản xuất và quy mô còn nhỏ; chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh thủy sản chưa hoàn thiện, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi sống. Hạ tầng vùng nuôi thủy sản tập trung chưa được đầu tư đúng mức, nguồn nước còn bị ô nhiễm, ảnh hưởng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi vẫn là bài toán chưa có lời giải, nhất là chăn nuôi lợn, chăn nuôi quy mô lớn gần khu dân cư và ở nông hộ. Nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa được kiểm soát, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao...
Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển bền vững trong thời gian tới, ngành chăn nuôi Hà Nội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp hữu hiệu như: Có thêm các chính sách đối với phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sát hợp thực tế. Bố trí nguồn kinh phí, tạo điều kiện về quỹ đất hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, các cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm. Rà soát từng đối tượng để điều chỉnh phù hợp nhu cầu phát triển của từng vùng chăn nuôi, thủy sản tập trung theo nhu cầu thị trường; giảm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ gần khu dân cư không đáp ứng Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản. Áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; chăn nuôi sinh thái tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Duy trì và đẩy mạnh các hình thức liên kết trong sản xuất: Liên kết giữa người sản xuất hình thành các HTX và tổ hợp tác; giữa doanh nghiệp - HTX - tổ hợp tác - trang trại theo chuỗi giá trị; giữa các xã, huyện có điều kiện tương đồng về địa hình tự nhiên hình thành liên kết vùng để tạo ra khối lượng sản phẩm chăn nuôi hàng hóa lớn. Tổ chức xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở những xã, vùng trọng điểm, các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại. Tăng cường giám sát dịch bệnh, củng cố hệ thống thú y từ thành phố xuống cơ sở. Thực hiện cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hướng đến sản xuất thức ăn chăn nuôi không có kháng sinh. Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải chăn nuôi.
ANH QUANG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.