• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành chăn nuôi đứng trước những ‘cơn sóng’ mới

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 16/08/2020
Ngày cập nhật: 18/8/2020

Từ ngày 1-8, với việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA), ngành chăn nuôi có thêm cơ hội nhưng cũng đối mặt với những “làn sóng” mới trên thị trường, trước hết là sự cạnh tranh quyết liệt về giá khi các sản phẩm từ châu Âu nhập khẩu vào Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp, hợp tác xã không tập trung đầu tư công nghệ, liên kết chuỗi để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm thì chuyện thua ngay trên “sân nhà” là hoàn toàn có thể.

Các trang trại chăn nuôi cần đầu tư công nghệ, sản xuất theo chuỗi để cạnh tranh với sản phẩm thịt nhập khẩu.

Không chỉ bị cạnh tranh về giá

Tham gia EVFTA, châu Âu sẽ xóa bỏ ngay lập tức 72% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam và Việt Nam cũng phải xóa bỏ ngay lập tức 31,82% số dòng thuế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; những dòng thuế khác áp dụng hạn ngạch, giảm về 0% sau một lộ trình...

Nhận định việc tham gia EVFTA có thêm cơ hội phát triển nhưng trước mắt ngành chăn nuôi trong nước sẽ chịu sức ép rất lớn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Công Thắng lấy ví dụ: Mặt hàng thịt lợn nhập khẩu từ thị trường châu Âu đang chịu thuế 15-27% và theo lộ trình 10 năm sẽ giảm về 0%. Điều này tác động rất lớn đến các hộ chăn nuôi, nếu không có giải pháp phù hợp, chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá. Bởi thực tế, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam đang cao hơn 20-25% so với thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Giá mua tại cổng trang trại cao hơn 40-60% so với các nước có nền chăn nuôi phát triển.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi khép kín với 80 lợn nái, 600 lợn thịt và 45.000 con gia cầm ở huyện Quốc Oai, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật hiện đại của các nước châu Âu, nhưng sẽ gây khó khăn cho các trang trại khi phải cạnh tranh về giá bán và công nghệ sản xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty thực phẩm sạch Ogranic Green (huyện Thường Tín) cho biết, theo lộ trình, các loại thịt nhập khẩu về Việt Nam có mức thuế bằng 0% sẽ tác động rất lớn đến những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước. Đặc biệt là mặt hàng thịt lợn, hiện giá thịt lợn nhập khẩu từ các nước về Việt Nam thấp hơn so với ở chợ dân sinh.

Ở thời điểm hiện tại, không chỉ hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, một lượng lớn người tiêu dùng đã quay sang sử dụng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu, vì giá rẻ và bảo đảm an toàn thực phẩm. Bà Đào Thị Thanh Vân (ở quận Hà Đông) cho biết: “Trước đây gia đình chỉ sử dụng thịt lợn bán ở chợ dân sinh, nhưng hiện nay giá khá cao, nên tôi cũng chuyển sang mua thịt lợn nhập khẩu. Loại thịt này giá cả hấp dẫn lại có tem nhãn truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nhiều gia đình cũng đã bắt đầu chuyển sang sử dụng thịt lợn nhập khẩu cho bữa ăn hằng ngày”.

Về những thách thức trong “cuộc chiến” thị trường, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng lý giải, nhiều nước châu Âu có khả năng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà, sữa vào thị trường Việt Nam. Trong khi chăn nuôi của Việt Nam vẫn chiếm 60% là nhỏ lẻ, công nghệ cũng như việc quản lý dịch bệnh còn hạn chế, do đó nếu không liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, rất khó có thể cạnh tranh về giá cũng như chất lượng sản phẩm.

Đầu tư công nghệ, sản xuất theo chuỗi

Thực tế đang đòi hỏi ngành chăn nuôi phải thay đổi phương thức sản xuất để tự đứng vững trước những “cơn sóng” thị trường. Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trọng, ngành chăn nuôi sẽ tổ chức lại sản xuất theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Và, mỗi địa phương, cần tạo ra những sản phẩm chăn nuôi mang tính bản địa để cạnh tranh với sản phẩm của các nước; đồng thời, tháo gỡ khó khăn, bất cập về đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp có tiềm năng, tạo ra vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn… Việc này không những góp phần giảm giá thành mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho rằng, các bộ, ngành cần hoàn thiện chính sách liên kết sản xuất theo chuỗi và Nhà nước cần hỗ trợ cho các bên tham gia chuỗi liên kết. Mặt khác, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần thúc đẩy đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất khép kín từ con giống, tới chăm sóc, chế biến sản phẩm; xây dựng tem, nhãn mác để giảm giá thành sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy việc đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, nhất là giống bò BBB để cạnh tranh với sản phẩm thịt bò của các nước như Bỉ, Australia... Cùng với phòng, chống dịch bệnh, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu thành phố có những chính sách hỗ trợ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Mặt khác, thành phố sẽ tập trung triển khai ứng dụng công nghệ cao trong phát triển chăn nuôi; khuyến khích sử dụng thức ăn hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu…

NGỌC QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang