Nguồn tin: Báo Tây Ninh, 26/08/2020
Ngày cập nhật:
29/8/2020
Chồn hương (hay còn gọi là cầy hương) là động vật hoang dã, sống ở môi trường tự nhiên. Nhưng hiện nay loài vật này được người dân thuần hoá, trở thành vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 7 năm nuôi chồn hương, anh Nguyễn Văn Dứt, sinh năm 1975, ngụ ấp Long Hoà, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh có nguồn thu nhập khá ổn định.
Trước khi quyết định đầu tư nuôi chồn hương, anh Dứt đã từng nuôi rắn. Tuy nhiên, lợi nhuận từ nuôi rắn không cao, nên anh từ bỏ. Một lần tình cờ xem trên mạng thấy một hộ dân nuôi chồn hương cho hiệu quả kinh tế cao, anh Dứt quyết định nuôi thử loài vật này. Năm 2013, anh mua 15 con chồn hương giống về nuôi thử nghiệm, với giá 800.000 đồng/con.
Do chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa chú trọng khâu chọn con giống, anh Dứt đã gặp thất bại ngay trong lần nuôi đầu tiên. Chỉ một thời gian ngắn nuôi, số chồn anh mua về bị chết gần hết. Không nản chí, anh tiếp tục tìm mua con giống về tiếp tục nuôi.
Với quyết tâm nuôi bằng được con vật này, anh Dứt tự tìm tòi học hỏi kiến thực trên mạng và trực tiếp đến những hộ nuôi chồn hương để học hỏi kinh nghiệm. Thất bại từ lần đầu tiên nuôi đã cho anh thêm kinh nghiệm ở lần nuôi sau, chồn giống được anh chọn mua cẩn thận hơn.
Sau một thời gian nuôi, anh Dứt đã thực hiện nuôi chồn hương thành công. Từ vài con ban đầu, anh đã gây dựng lên được 20 con chồn giống sinh sản. Với số con giống trên, mỗi năm chúng đẻ được từ 50-60 con. Một số để lại nuôi, số còn lại anh bán bớt để tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Nghề nuôi chồn hương đã đem lại cuộc sống của gia đình anh khấm khá hơn.
Hiện nay trại nuôi chồn hương của anh Dứt được nhiều người biết đến, là một trong những địa chỉ cung cấp con giống có uy tín, có thời điểm không đủ cung cấp con giống cho thị trường. Theo anh Dứt, nuôi chồn hương rất nhàn, không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần dành khoảng vài giờ chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Chồn hương mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu là chuối, cháo, cá nên đễ dàng tìm kiếm.
Thường cho ăn vào buổi chiều tối theo tập tính ăn đêm của chồn, trung bình mỗi ngày tiêu tốn khoảng 2.000 đồng tiền thức ăn/con. Một con chồn cái đươc khoảng 1 năm tuổi bắt đầu sinh sản, đẻ từ 2-3 lứa/năm, mỗi lứa từ 2-6 con. Chồn con sau 2-3 tháng nuôi là có thể xuất bán giống.
Hiện anh Dứt chủ yếu bán con giống, với giá 5 triệu đồng/cặp. Còn những con không đạt anh sẽ bán chồn thịt thương phẩm, với giá từ 1,2 triệu-1,3 triệu đồng/ký. Bình quân, mỗi năm xuất bán từ 50- 60 con, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 100 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của anh Dứt, con giống là yếu tố quyết định thành bại trong việc nuôi chồn, nên phải chọn con giống khoẻ, phải là chồn đã được thuần hoá. Chồn hương ưa sạch sẽ, thoáng mát, nên cần vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để chồn không bị bệnh. Chồn hương không nên nhốt chung, chúng sẽ cắn nhau, nên nhốt mỗi con một chuồng.
Chồn dễ ăn, nhưng phải chú ý về tiêu hoá, không nên cho ăn quá nhiều, cần bổ sung chất dinh dưỡng để chồn phát triển, lớn nhanh. Trong quá trình nuôi phải để ý thời điểm chồn động dục để tiến hành phối giống, bảo đảm cho sinh sản liên tục, đạt chất lượng.
Mô hình nuôi chồn hương đang được địa phương dự kiến nhân rộng cho các hộ gia đình khác để ổn định cuộc sống.
“Thịt chồn hương được nhiều người ưa thích bởi nó thơm ngon, bổ dưỡng, xạ hương lấy từ chồn hương được xem dược liệu quý. Đã từng nuôi nhiều con vật khác nhau, nhưng sau nhiều năm nuôi, tôi thấy chồn hương cho hiệu quả kinh tế cao hơn một số vật nuôi khác. Hiện đầu ra của chồn hương cũng khá ổn định, thương lái đến tận nơi mua”- anh Dứt chia sẻ thêm.
Anh Dứt cho biết thêm, nuôi chồn hiệu quả kinh tế cao, nhưng người dân còn ngại nuôi loài vật này, vì giá mua con giống còn cao. Tuy nhiên, việc nuôi chồn hương thu hồi vốn nhanh, bởi chỉ cần sau một năm nuôi, chồn bắt đầu cho sinh sản, người nuôi sẽ có thu nhập đều đặn từ việc bán chồn. Nuôi chồn hương không khó, nhưng người nuôi cần có đam mê, có kiến thức về loài vật này, cần tìm hiểu kỹ về đặc tính của nó trước khi nuôi để đạt hiệu quả cao từ lần nuôi đầu tiên.
Bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Chữ cho biết: mô hình nuôi chồn hương của anh Dứt cho thấy được hiệu quả kinh tế. Nuôi chồn hương không khó, ai cũng có thể nuôi được, đặc biệt là có thể vừa làm nghề khác vừa tranh thủ nuôi thêm loại động vật này. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ giới thiệu mô hình đến các hội viên nông dân để giúp hội viện nông dân tiếp cận với mô hình chăn nuôi mới, tạo thêm nguồn thu nhập.
Thế Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.