• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Nguyên: Phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 31/08/2020
Ngày cập nhật: 3/9/2020

Các thành viên THT ong mật Đông Tam Đảo, xóm Khe Đù, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong lấy mật.

Với mục đích cùng giúp nhau phát triển nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ dân ở xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã liên kết thành lập Tổ hợp tác (THT) ong mật Đông Tam Đảo. Không chỉ khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương mà còn khơi dậy tính tự chủ, mạnh dạn làm kinh tế theo mô hình kinh tế tập thể của các thành viên, góp phần nâng cao thu nhập.

Xã Phúc Thuận có diện tích cây ăn quả lớn với hơn 500ha, các cây hoa màu được trồng đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật. Tại địa phương, nghề nuôi ong đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống và chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó. THT ong mật Đông Tam Đảo được thành lập đầu năm 2020 tại xóm Khe Đù nhằm khai thác tiềm năng cũng như khắc phục hạn chế trên. Hiện mô hình thu hút 7 thành viên tham gia.

Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn khoa học kỹ thuật từ khâu thiết kế thùng, kỹ thuật chăm sóc đến cách thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm... Theo ông Nguyễn Đăng Thắng, Tổ trưởng THT ong mật Đông Tam Đảo, nuôi ong lấy mật thì điều kiện cần thiết phải có vườn đủ rộng để đặt các thùng ong và đảm bảo có phấn hoa.Nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Con ong thường mắc bệnh bại liệt và tiêu chảy, nếu không phát hiện kịp thời để điều trị sẽ dẫn đến lây lan, mất cả đàn ong. Bởi vậy, kỹ thuật chọn giống, chọn địa điểm đặt đàn ong, tạo chúa cho đến thu hoạch mật luôn được các thành viên THT đặc biệt chú trọng, có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày.

Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn (nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh), đàn ong của THT phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên. Từ hơn 200 đàn ong khi mới thành lập, đến nay, THT đã có gần 1.000 đàn đang cho khai thác mật, sản lượng mật thu được trên 4.000 lít. Trước khi thu hoạch hoặc xuất bán, sản phẩm mật ong đều được THT kiểm tra kỹ lưỡng nên chất lượng nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Mật ong do THT sản xuất đảm bảo nguyên chất, không chứa bất kỳ hóa chất hay phụ gia nào khác và được tiêu thụ tại các địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... giá bán dao động từ 140-170 nghìn đồng/lít.

Cùng với việc nuôi ong lấy mật, các hộ thành viên còn bán ra thị trường các sản phẩm như: Phấn hoa, sáp ong và ong giống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thời gian tới, THT ong mật Đông Tam Đảo phấn đấu số lượng đàn ong đạt khoảng 2.000 đàn, sản lượng mật tăng 30%.

Ông Nguyễn Đăng Yến, thành viên THT chia sẻ: Tham gia vào THT, ngoài việc được hỗ trợ về giống, vốn để phát triển đàn, chúng tôi còn được Ban Chủ nhiệm THT thường xuyên đến từng hộ để kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong và các phương pháp tạo chúa, san đàn, quay mật… Đồng thời, hướng dẫn quy trình làm thùng ong, cầu ong sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết của từng mùa để ong phát triển tốt, cho ra nhiều sản phẩm. Hiện nay, gia đình tôi có trên 200 đàn ong, vụ thu hoạch mật từ tháng 3 đến tháng 6 vừa, gia đình thu về trên 100 triệu đồng.

Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế T.X Phổ Yên, nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi mới tại địa phương, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.Thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2019-2025 (gọi tắt là Đề án OCOP), hiện nay THT ong mật Đông Tam Đảo đã hoàn thiện hồ sơ dự thi sản phẩm “Tinh túy hoa nhãn”, phấn đấu được công nhận đạt 3 sao trở lên. Nhằm khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật, thời gian tới, Thị xã sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thông qua các buổi trưng bày, hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Trịnh Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang