Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 07/09/2020
Ngày cập nhật:
9/9/2020
Sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), chăn nuôi lợn sụt giảm lớn. Để nhanh chóng bù đắp nguồn cung, Ninh Bình đã có nhiều biện pháp, chính sách để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tái đàn lợn đảm bảo các yếu tố an toàn dịch bệnh.
Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của Công ty TNHH V- Organic (xã Gia Hòa, Gia Viễn) không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Năm 2019, cũng như cả nước, ngành chăn nuôi lợn tỉnh Ninh Bình chịu nhiều thiệt hại do DTLCP bùng phát. Tính đến tháng 3/2020, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy bắt buộc gần 109 nghìn con lợn (chiếm 25% tổng đàn), tương đương với trọng lượng tiêu hủy là 6.345 tấn lợn hơi (chiếm 15% sản lượng thịt hơi/năm). Điều đáng nói là trong số lợn bị tiêu hủy này có tới hơn 22.200 con lợn nái và đực giống, dẫn đến khan hiếm con giống để tái đàn.
Do thiếu hụt nguồn cung, từ đầu năm 2020 đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng cao, đạt mức kỷ lục, nhiều hộ chăn nuôi muốn tái đàn nhưng gặp khó khăn vì giá con giống cao, lại khó mua. Trước tình hình này, để hỗ trợ người chăn nuôi, tỉnh đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ. Cụ thể, ngày 27/5/2020, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14 quy định chính sách hỗ trợ tái đàn lợn nhằm khôi phục sản xuất chăn nuôi sau bệnh DTLCP. Theo đó, hỗ trợ cho chủ trang trại chăn nuôi 2 triệu đồng/1 con lợn nái giống hậu bị, tối đa không quá 200 triệu đồng/1 cơ sở chăn nuôi. Trước đó, ngay từ quý IV/2019, khi dịch bệnh DTLCP có xu hướng giảm thì Sở Nông nghiệp & PTNT cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác tái sản xuất. Tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Khuyến khích tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ mới, chăn nuôi khép kín, thực hành chăn nuôi tốt…
Chúng tôi tới thăm trang trại nuôi lợn của Công ty TNHH V- Organic, thôn Đá Hàn, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tất cả mọi người ra vào khu chăn nuôi phải mặc đồ bảo hộ, trang phục và ủng phải sát khuẩn, xung quanh chuồng trại được rải vôi bột để khử trùng. Ông Vũ Hữu Lương, người quản lý trang trại chia sẻ: Nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh nên trang trại không bị ảnh hưởng bởi DTLCP. Hiện nay để tăng đàn nhanh, an toàn, chúng tôi tăng tỷ lệ lựa chọn con giống, tổ chức phối giống và sản xuất con giống tại chỗ. Ngoài ra, chủ động việc tiêm vắc-xin, cung cấp nguồn thức ăn sinh học có thảo dược để tăng sức đề kháng cho lợn. Đến nay, quy mô đàn lợn của Công ty đã đạt 800 con.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Thực tế, việc tái đàn sản xuất hiện nay chủ yếu chỉ được thực hiện tại các cơ sở, trang trại quy mô vừa và lớn, những trang trại vẫn an toàn dịch bệnh từ khi có DTLCP xảy ra, quy mô tái đàn cũng chỉ tương đương với quy mô và công suất đàn nái sẵn có, thậm chí một số trang trại chăn nuôi đã lựa chọn lợn thịt đưa lên phối giống, khai thác để sản xuất, đáp ứng nhanh nhu cầu thịt lợn. Đối với các cơ sở chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng việc tái đàn rất hạn chế. Do vậy, tổng đàn hiện tại vẫn chưa bằng thời điểm trước khi có dịch bệnh DTLCP, tuy nhiên, so với thời điểm cuối năm 2019 thì cũng đã tăng gần 20 nghìn con. Cụ thể: tổng đàn lợn hiện tại là gần 218 nghìn con, trong đó, lợn nái 26,8 nghìn con, lợn đực 700 con, lợn thịt gần 260 nghìn con. Dự kiến, từ nay đến cuối năm toàn tỉnh sẽ hỗ trợ để các cơ sở chăn nuôi tăng thêm khoảng 5.000 lợn nái hậu bị, phần nào giải tỏa áp lực về con giống.
Tuy nhiên, ông Mạnh nhấn mạnh: Để đảm bảo việc tái đàn diễn ra an toàn, hiệu quả, yếu tố phòng dịch phải đặt lên hàng đầu vì thực tế sau một vài tháng được khống chế, hiện nay DTLCP đã quay trở lại ở 6 xã của 2 huyện Yên Mô và Gia Viễn. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trở lại là do nhiều hộ khi tái đàn chưa khai báo với chính quyền địa phương về nguồn gốc con giống, công tác giám sát tại cơ sở còn lơ là. Trong số các hộ phát sinh DTLCP, đa phần là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ tận dụng cơ sở vật chất chuồng trại, dụng cụ cũ, không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn về dịch bệnh. Do vậy, Chi cục đề nghị: người chăn nuôi khi tổ chức tái đàn và tăng đàn lợn phải bảo đảm an toàn sinh học; lựa chọn mua con giống ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, con giống đưa về phải thực hiện nuôi cách ly, theo dõi đúng quy định; chuồng trại phải được nâng cấp, phun thuốc, rắc vôi khử trùng tiêu độc thường xuyên… Việc tái đàn chỉ được thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về công tác phòng chống dịch bệnh, tái đàn phải khai báo với chính quyền địa phương. Những trường hợp không chấp hành, nếu dịch bệnh xảy ra sẽ không được hỗ trợ, thậm chí còn bị xử lý theo quy định.
Bài, ảnh: Hà Phương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.