Nguồn tin: Báo Bình Định, 16/09/2020
Ngày cập nhật:
19/9/2020
Làng có 110 hộ, thì hết 107 hộ làm chung một nghề: Nuôi bò vỗ béo. Cuộc sống của người dân An Ðôn (tỉnh Bình Định) đã ổn định và ngày càng thịnh vượng nhờ nghề này.
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến thôn An Đôn, xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, là khung cảnh đồng quê yên bình, nên thơ, đường bê tông sạch đẹp, đồng cỏ bạt ngàn, hệ thống kênh mương thủy lợi hoàn chỉnh.
Trăm nhà cùng nghề
Đồng An Đôn trước được trồng lúa, nhưng vì hiệu quả không cao, hơn nữa do người dân tập trung vào chăn nuôi nên được chuyển dần sang trồng cỏ, và đến nay đồng lúa gần như đã thành đồng cỏ.
Trưởng thôn An Đôn, ông Lê Thanh Bình, không giấu niềm tự hào khi đưa tôi đi thăm ngôi làng sung túc, đẹp đẽ của mình: “Khi thực hiện dự án hồ chứa nước An Đôn, thôn An Đôn được bố trí định cư rất bài bản. Đường làng ngõ xóm được quy hoạch theo lối bàn cờ, mỗi hộ đều có diện tích đất đủ lớn để xây nhà, làm chuồng trại chăn nuôi và một mảnh vườn nhỏ. Nhiều nhà còn có cả gara ô tô”. Chiều xuống, những chiếc xe xình xình chở đầy cỏ tươi về từng nhà.
Người dân An Đôn tổ chức chăn nuôi bò rất bài bản, khoa học, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế và chuyên nghiệp.
Chỉ tay vào con bò lai giống BBB (thường gọi là giống 3B) được mua về từ 6 tháng trước, ông Lê Văn Quang, một người dân thôn An Đôn, nói: “Con đó, lúc mua là 26 triệu, sau 6 tháng chăm sóc, vỗ béo, giá của nó bây giờ là 45 triệu đồng, nhưng mà tôi chưa bán, chỉ vài tháng nữa thôi, giá sẽ cao hơn rất nhiều”.
Khắp thôn, người người, nhà nhà đều chăm bò, vỗ béo bò. Vợ chồng ông Phạm Tấn Sinh và bà Trần Thị Thanh Hương đang vỗ béo 8 con bò trong chuồng (2 bò cái, 6 bò đực). Vừa đi rẫy về, ông Sinh ra phía sau chuồng bò, ôm ngay vào chuồng 2 ôm cỏ rõ to để bổ sung thức ăn cho bò. Ông Sinh vui vẻ: “Trụ cột kinh tế của người dân ở đây là con bò. Trước thì nhiều người nuôi heo. Sau khi heo bị dịch bệnh và kinh tế giảm, người dân chuyển sang nuôi bò vỗ béo. Cứ vỗ béo bò như vậy, có kém mỗi năm một nhà cũng thu được vài chục triệu”.
Trưởng thôn Lê Thanh Bình nói như khoe: “Nuôi bò vỗ béo hiện đang là nghề chính của người dân An Đôn. Toàn thôn có 110 hộ thì có 107 hộ nuôi bò vỗ béo. Bình quân, mỗi hộ dân thường xuyên nuôi vỗ béo từ 6 - 10 con bò. Nếu tính hiệu quả kinh tế thì lãi ròng khoảng 10 triệu đồng/con, thị trường thuận lợi thì lợi nhuận còn cao hơn”.
“Làng nghề” điển hình
Nghề chăn nuôi bò, kể cả nuôi vỗ béo bò không phải mới, ngay tại huyện Hoài Ân cũng đã phát triển từ rất lâu. Nhưng bài bản, khoa học, tính toán chi tiết hiệu quả kinh tế và chuyên nghiệp như An Đôn thì chỉ mới gần đây. Không tập trung nhiều về yếu tố số lượng đàn bò, người dân An Đôn tính toán rất chi tiết số lượng phù hợp, đỉnh giá và cả điểm rơi của giá để đầu tư và đạt mức lợi nhuận cao nhất có thể. Đó chính là điều trước đây chưa từng có!
Từ lâu lắm rồi, ở An Đôn, chính quyền và ngành chức năng không còn phải hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc bò cho các hộ dân. Vốn giỏi nghề chăn nuôi nên khi tính toán “chiến thuật chăn nuôi” kiểu mới, với người dân An Đôn đó chỉ là một bước chuyển đơn giản. Ông Phạm Tấn Sinh kể: “Cái hay là chúng tôi truyền nghề cho nhau, chia sẻ với nhau tất cả những gì hay tốt, cộng đồng trách nhiệm với nhau trong chăn nuôi, phòng dịch, cho nên cả thôn cùng thạo nghề”.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân Nguyễn Thanh Vương cho biết: Năm 2017, Nhà nước hỗ trợ nông dân Hoài Ân thực hiện mô hình nuôi bò vỗ béo chất lượng cao. Từ đó đến nay chúng tôi tập trung vào giống bò BBB và Red Angus. Riêng năm 2020, huyện được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chăn nuôi bò lai. Mỗi mô hình được hỗ trợ 10 con bò giống chất lượng cao và hỗ trợ 25 triệu đồng để bổ sung thức ăn, trồng cỏ. Tổng đàn bò của huyện Hoài Ân hiện có hơn 2.300 con, trong đó trên 80% tổng đàn là bò lai chất lượng cao. Nhu cầu về chăn nuôi bò hiện nay cũng đang phát triển mạnh. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư tiền tỷ để nuôi bò, một số hộ nuôi bò cái để phối tinh bò lai, con giống xuất chuồng cho người nuôi vỗ béo bò thịt, lợi nhuận cao hơn 5 - 7 lần so với nuôi giống bò thường.
Một điểm cộng khác của nghề chăn nuôi bò so với các loại vật nuôi khác là mang lại lợi lớn về mặt môi trường. Toàn bộ chất thải chăn nuôi đều được thu hồi làm phân bón, người nuôi không phải tốn chi phí xây dựng hệ thống xử lý, môi trường được đảm bảo.
PHẠM KHA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.