• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỷ phú từ... nuôi lợn

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 16/09/2020
Ngày cập nhật: 19/9/2020

Về xã Minh Quang (Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), hỏi thăm chị Nguyễn Thị Thúy - tỷ phú từ nuôi lợn thì ai cũng biết. Từ vùng đất cằn cỗi, khó canh tác nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo, gia đình chị Thúy đã “biến” thành trang trại chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô lớn và hiện đại, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình VietGap của gia đình chị Nguyễn Thị Thúy cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Kim Ly

Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn tới trang trại rộng hơn 4ha của chị Nguyễn Thị Thúy,thôn Lưu Quang, xã Minh Quang khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra những khó khăn,vất vả trên con đường vươn lên làm giàu của gia đình chị.

Thăm quan mô hình trang trại nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Thúy, chúng tôi ngạc nhiên bởi quy mô chuồng trại được xây dựng hiện đại, thoáng đãng, tách biệt với dãy nhà ở của gia đình và khu dân cư.

Nếu chỉ mới tiếp xúc, không ai biết chị Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1985) lại là bà chủ của trang trại nuôi 200 lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm. Chuyện làm giàu của nông dân Nguyễn Thị Thúy đã thực sự lôi cuốn chúng tôi với những thăng trầm trong việc chăn nuôi lợn - vốn được xem là bấp bênh bởi vốn đầu tư cao nhưng lại nhiều rủi ro.

Rót nước mời khách, chị Thúy tâm sự: "Nhìn thành quả thì thấy vậy, thế nhưng, đã không ít lần tôi tưởng bỏ nghề vì dịch bệnh, giá cả thị trường có nhiều biến động. Nhiều lần tôi tự nhủ, xuất chuồng nốt đàn sẽ không nuôi nữa, nhưng niềm đam mê của bản thân với ước mơ làm giàu, tôi đã duy trì phát triển mô hình như hiện nay".

Sinh ra và lớn lên ở huyện Bình Xuyên, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, năm 2009, chị Thúy xây dựng gia đình, theo chồng về sống tại xã Minh Quang.

Thay vì tìm một công việc với tấm bằng cử nhân, chị chọn hướng phát triển kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP. Chị Thúy cho biết, khi đó, vợ chồng chị mới ra ở riêng, kinh tế khó khăn, chị bàn với chồng tận dụng diện tích đất của gia đình để chăn nuôi lợn.

Khởi nghiệp từ 10 con lợn, năm ấy, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu về gần 100 triệu đồng. Nhận thấy chăn nuôi lợn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị bắt đầu tăng quy mô lên 50 con, rồi 100 con lợn. Năm 2015, với số vốn tích cóp được và vay thêm ngân hàng, chị Thúy tiếp tục tăng quy mô đàn lên 400 lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm với hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Thế nhưng, hy vọng của chị chưa kịp nhen nhóm thì năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 16 nghìn đồng/kg, cùng với dịch bệnh khiến gia đình chị thua lỗ. Khó khăn ấy không làm chị nản chí, để duy trì mô hình, chị Thúy đi tham quan học hỏi mô hình chăn nuôi hiệu quả và tìm hiểu qua sách báo, ti vi để có kinh nghiệm; từ đó, càng khiến chị thêm say mê với công việc.

Chị bàn với chồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại với quy mô lớn. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng 5 dãy chuồng và nuôi 200 lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP.

Từ đầu năm 2020 đến nay, chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 1.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống. Với giá lợn hiện nay, trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu nhập 6-7 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 10 lao động với thu nhập trung bình 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Điều mà chị Thúy rút ra sau hơn 10 năm phát triển trang trại đó là không ngại khó, ngại khổ, biết học hỏi từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, và hơn hết là phải chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm.

Theo chị, ngoài yếu tố chọn giống lợn tốt thì công tác đảm bảo môi trường và dịch bệnh phải luôn được tuân thủ nghiêm ngặt, có như vậy, lợn mới ít bị bệnh, phát triển tốt. Ngoài phát triển mô hình nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap, tận dụng một phần diện tích đất trang trại, chị Thúy đào ao thả cá, nuôi ếch, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng...

Nhìn gương mặt phấn khởi của chị Thúy khi kể chuyện làm giàu, chúng tôi cảm phục người nông dân dám nghĩ, dám làm, biết lựa chọn cho mình hướng đi đúng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, là đảng viên, hội viên phụ nữ, viên nông dân xã Minh Quang, chị Nguyễn Thị Thúy luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của thôn và các hội đoàn thể. Chị Thúy xứng đáng là tấm gương sáng về phát triển kinh tế gia đình để mọi người học tập, làm theo.

Minh Thu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang