Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 21/09/2020
Ngày cập nhật:
22/9/2020
Ông Nguyễn Văn Đường vận hành dây chuyền tự động cấp thức ăn cho gà
Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, thi đua học tập nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất” luôn được các cấp hội nông dân (ND) trong tỉnh Thái Nguyên quan tâm, tập trung đẩy mạnh. Qua đó, ngày càng có nhiều tấm gương ND điển hình trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương. Điển hình là ông Nguyễn Văn Đường (sinh năm 1968) ở tổ dân phố (TDP) 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình) với mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng và ấp nở gia cầm cho lợi nhuận mỗi năm trên 2,7 tỷ đồng.
Từ Quốc lộ 37 nhìn sang bên kia bờ sông Đào, ngôi nhà 3 tầng khang trang, bề thế của gia đình ông Đường nổi bật giữa khu dân cư của TDP 3. Bên trong khuôn viên rộng trên 1.000m2 là nhà ở, sân tập thể thao và hệ thống lò ấp nở gia cầm. Với quy mô 28 lò ấp, công suất khoảng 15.000 quả trứng/lò, trung bình mỗi năm, cơ sở của gia đình ông Đường, cung cấp trên 4 triệu con gà giống ra thị trường (cơ sở ấp nở gia cầm lớn nhất huyện Phú Bình).
Để chủ động nguồn nguyên liệu cho lò ấp của gia đình, từ năm 2019, ông Đường đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trên diện tích hơn 10.000m2 đất ở TDP Quyết Tiến 2. Tại đây, ông chăn nuôi 6.000 con gà bố mẹ theo quy trình khép kín, lắp đặt hệ thống điều khiển ánh sáng, cho ăn tự động và sử dụng chế phẩm men vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi. Trung bình một năm, trang trại thu về từ 150.000 - 156.000 quả trứng nguyên liệu, cho thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Hiện tại, ông Đường đang tiếp tục xây dựng thêm 1 dãy chuồng trại với quy mô tương đương, dự kiến đến tháng 11 năm nay bắt đầu chăn nuôi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đường cho biết: Cách đây 30 năm về trước, chỉ với chiếc xe cà tàng cũ kỹ, tôi rong ruổi khắp làng trên xóm dưới trong huyện chở trứng thuê cho các cơ sở ấp nở gia cầm. Dần dần, thấy đây là một nghề cho thu nhập khá, tôi bắt đầu đi buôn trứng, nhập số lượng lớn và giao lại cho các cơ sở ấp nở. Đến năm 2004, tôi được Hội Nông dân thị trấn Hương Sơn tạo điều kiện cho đi học tập kinh nghiệm thực tế; tín chấp cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, vay thêm từ người thân, bạn bè, tôi mạnh dạn mở 1 lò ấp gia cầm với công suất 6.000 - 8.000 quả trứng.
Để chăn nuôi có hiệu quả, ông Đường cũng đã đăng ký các lớp tập huấn kiến thức về quy trình chọn giống bố mẹ và cách phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y cho gia cầm… do Hội Nông dân và các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức. Những kiến thức thu lượm được, ông lại chia sẻ, trao đổi lại với các hộ chăn nuôi khác. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, khép kín quy trình chăn nuôi từ khâu lựa chọn con giống bố mẹ đảm bảo chất lượng đến khâu chăm sóc, làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường nên tỷ lệ ấp nở đạt cao, con giống khỏe mạnh. Được bà con nông dân tin dùng, cơ sở ấp nở gia cầm của gia đình ông dần có chỗ đứng trên thị trường, doanh thu ổn định, hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho 13-15 lao động và 25-30 lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, hằng năm, gia đình ông Đường cũng ủng hộ các phong trào chung của địa phương từ 15-17 triệu đồng. Ngoài ra, trong 5 năm qua, gia đình ông Đường còn giúp đỡ, hỗ trợ về con giống, kỹ thuật, hỗ trợ vốn không lấy lãi cho gần 20 hộ chăn nuôi khó khăn trong tỉnh với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, như: hộ ông Hoàng Văn Chính (Đồng Hỷ); ông Dương Quốc Chiến (T.P Sông Công); ông Đồng văn Tuất, bà Đồng Thị Huệ (T.X Phổ Yên); ông Phạm Văn Dũng (T.P Thái Nguyên); hỗ trợ cho 7 hộ nghèo của Thị trấn vay với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng (không lấy lãi) để làm nhà ở, đầu tư chăn nuôi…
Ông Trần Văn Tuấn ở TDP Quyết Tiến 2 (thị trấn Hương Sơn) là một trong những hộ được hỗ trợ chia sẻ: Năm 2018, biết tôi có ý định sửa chuồng trại để chăn nuôi, anh Đường đã cho tôi vay 70 triệu đồng không lấy lãi. Sau đó tôi đã đầu tư chăn nuôi 1.000 gà đẻ/lứa, được anh Đường hỗ trợ cả kiến thức chăn nuôi và bao tiêu trứng giống, đến năm 2019 tôi đã trả được hết nợ. Hiện giờ kinh tế gia đình tôi đã ổn định, khấm khá hơn trước.
Nhận xét về hội viên Nguyễn Văn Đường, bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình đánh giá: Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, ông Đường là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần đáng kể trong tiến trình xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 2015, ông Đường nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong Phong trào ND sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh; trong giai đoạn 2012-2017 và năm 2019, nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, hoạt động xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh.
Ngọc Ánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.